Tình yêu dành cho biển đảo…

Cập nhật: 15-08-2014 | 16:42:10

Tình yêu và chủ quyền biển đảo, một phần thiêng liêng của Tổ quốc, được thể hiện trong khá nhiều tác phẩm tham gia Triển lãm mỹ thuật khu vực VII Đông Nam bộ lần thứ XIX-2014. Người thưởng lãm cũng trầm trồ trước những bức tranh mà tác giả đã nói hộ lòng mình…

  Năm nay, Bình Dương đăng cai tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Đông Nam bộ. Lễ khai mạc triển lãm vừa diễn ra chiều 13-8. Triển lãm hội tụ một lúc được nhiều họa sĩ là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Một góc trưng bày nhiều bức tranh về biển đảo.   Ảnh: Q.NHƯ

  Hầu hết họa sĩ của 9 tỉnh (Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đắc Nông, Lâm Đồng) đều có tác phẩm về biển đảo. Triển lãm giới thiệu 187 tác phẩm của 211 tác giả. Các tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc với phong phú cách thể hiện, chất liệu như: sơn mài, sơn dầu, lụa, gỗ, bút kim, kim loại, chất liệu tổng hợp… Mảng đề tài về biển đảo được nhiều họa sĩ gửi gắm tình yêu quê hương đất nước sâu sắc. Đó có thể đơn thuần là bức tranh cổ động mang tính thời sự, có thể là bức tranh nghệ thuật.

  Họa sĩ Trần Văn Chỉnh (Tây Ninh), hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam với bức tranh thật yên bình “Làng Bãi Ngự”- một phần của đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang. Bức tranh sơn dầu (1,2x1,4m) này được anh vẽ trong một lần tham dự trại sáng tác ở đảo Nam Du, được cùng các anh bộ đội Hải quân ngắm nhìn trời biển bao la đầy trăng sao. Nhiều bức khác về biển đảo như: “Mắt thần trên biển”, tranh bút sắt của Trương Bửu Sinh (Bình Dương), tranh bút sắt “Chủ quyền” của Trương Diễm Bửu Ngọc, tranh sơn dầu “Niềm vui lính đảo” của Lê Minh và tranh bột màu Côn Đảo của Nông Cao Thạch (Bà Rịa- Vũng Tàu)… đều có chung một nội dung khẳng định chủ quyền của đất nước, bày tỏ tinh thần chiến đấu của người nghệ sĩ cũng như tình yêu quê hương mà họ gửi gắm vào nghệ thuật…

  Nhận xét về triển lãm lần này, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho rằng Đông Nam bộ là một vùng đất có truyền thống mỹ thuật từ lâu đời, đặc biệt là mỹ thuật ứng dụng. Ngay từ đầu thế kỷ XX, Bình Dương đã thành lập trường Bá nghệ năm 1901 và Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa năm 1903. Đây là những trường đào tạo mỹ thuật ứng dụng sớm nhất trong cả nước. Đến nay, lực lượng mỹ thuật miền Đông đã có hàng trăm họa sĩ có trình độ Đại học Mỹ thuật đang hoạt động trên cả 9 tỉnh, thành trong khu vực. Triển lãm mỹ thuật khu vực này cho thấy sự phát triển của mỹ thuật Đông Nam bộ là rất mạnh mẽ, có hiệu quả.

  Triển lãm lần này còn là dịp để các họa sĩ biết thêm về vùng đất Bình Dương hiền hòa mến khách, là dịp để mọi người trao đổi kinh nghiệm sáng tác.

QUỲNH NHƯ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1863
Quay lên trên