Tình yêu Việt Nam của Farkas Aladár

Cập nhật: 15-06-2010 | 00:00:00

38 tác phẩm của nghệ sĩ điêu khắc quá cố Hungary về chiến tranh Việt Nam bay đến Hà Nội và được trưng bày từ 13 đến 17-6 tại Bảo tàng Cách mạng, như bằng chứng tình yêu của nghệ sĩ.

 

Bà Farkas Luca, con gái nghệ sĩ kể: “Khoảng năm 1964, 1965 cha tôi bỏ ra hàng năm trời sáng tác về Việt Nam, không để ý đến kiếm sống. Ông sinh ra trong gia đình rất nghèo, có chín người con, dưới còn hai em. Ông nếm trải hai cuộc thế chiến, nghe nhiều về chiến tranh ở nhiều quốc gia. Chính thế ông luôn nhạy cảm trước chiến tranh và người mẹ. Giai đoạn chiến tranh Việt Nam gay go, ông nghe đài, đọc báo, rồi đến sứ quán Việt Nam tại Hungary yêu cầu cho xem những bức ảnh về Việt Nam. Trước đó, ông chưa từng đến Việt Nam, nhưng luôn mong tự do cho đất nước các bạn”.

 Bác Hồ và Farkas Aladár tại Việt Nam năm 1967. Ảnh tư liệu

 

Năm 1967 tác phẩm của ông được trưng bày ở Budapest. Trong đó tác phẩm điêu khắc Hồ Chí Minh được phổ biến qua ảnh chụp, từ đó nghệ sĩ vinh dự được Bác mời tới Việt Nam. Bà Luca khoe, còn giữ bức ảnh có bút tích Hồ Chủ tịch đề tặng. Sau chuyến thăm Việt Nam, nghệ sỹ sáng tác thêm bức bán thân về Hồ Chủ tịch. Bộ sưu tập đến Việt Nam lần này còn thiếu vài bức, gia đình kể công đoạn vận chuyển không phải dễ. Người đàn bà Việt Nam, Nguyễn Văn Trỗi trước khi bị tử hình, Người du kích cụt chân, Qua cầu, Mùa xuân Việt Nam, Việt Nam chiến đấu... xuất hiện ở phòng trưng bày, được nhận xét đậm chất Việt Nam hơn cả.

 

Việt Nam chiến đấu tạc một người cưỡi trâu, cầm súng, theo bà Luca luôn được ông Farkas Aladár lựa chọn làm áp phích mỗi đợt trưng bày. Qua cầu lại là cái nhìn thú vị về chiến thắng của nhân dân Việt Nam, từ đầu cầu bên này đến bên kia là chặng đường chiến đấu, thương vong để chiến thắng. Nét Việt Nam trong tác phẩm của Farkas Aladár thể hiện qua khuôn mặt, dáng điệu, một số chi tiết tinh tế: Chiếc đòn gánh tre trên vai người mẹ, một phụ nữ khom lưng gặt lúa nhưng để mắt tới cây súng.

 

“Sau hơn 30 năm cha tôi đến Việt Nam, giờ tôi có thể đứng đây. Tôi vô cùng cảm động, vì đây là giấc mơ lớn của ông. Ông luôn ao ước tác phẩm đến với công chúng Việt Nam. Giấc mơ thành sự thật. Nhân 100 năm ngày sinh của cha tôi, đại sứ quán Việt Nam tại Hungary có ý kiến tổ chức cuộc triển lãm tại Budapest. Sau này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm Hungary tháng 9-2009 có ý kiến ủng hộ, chúng tôi quyết định triển lãm ở Việt Nam”, bà Luca chia sẻ.

 

Hỏi về tương lai tác phẩm của Farkas Aladár, đại diện gia đình nghệ sỹ hi vọng tặng lại một số cho Việt Nam bởi xét đến cùng, các tác phẩm này bắt nguồn từ Việt Nam. Bà Lucas dự định cho làm bản sao bộ sưu tập và đưa đi triển lãm tại các nơi khác ở Việt Nam và thế giới.

 

Nhà điêu khắc Farkas Aladár sinh 1909 tại Budapest. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghệ thuật tạo hình Paris. Ông luôn đứng về những thân phận bất hạnh, gặp nạn, bị áp bức. Ở Budapest, xưởng sáng tác của Farkas Aladár được nhiều người ghé thăm. Ông để lại hơn 400 bức tượng, bộ sưu tập về chiến tranh Việt Nam từng có mặt ở Đức, Bỉ, Phần Lan.

(THEO TIỀN PHONG)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên