Mức
lương tối thiểu có nơi chưa kịp tăng thì “anh giá” đã chạy trước. Cứ như thế,
những tổ ấm công nhân (CN) cũng... hụt hơi khi chạy theo giá cả cho đủ chi tiêu
hàng tháng. Một chị nói đến gạo cũng “mỗi ngày một giá thế này thì chỉ có cách
đổi loại gạo thôi”... Trong
phòng trọ này, bà Năm vừa trông cháu ngoại vừa nhận giữ thêm 2 đứa trẻ để có thêm
thu nhập
“Tui làm thêm để phụ con”
Sáng thứ bảy, khu nhà trọ ở ấp Bình Đức, (Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương) vắng lặng. Đa số vẫn đi làm ca một. Vài CN giặt giũ, phơi phóng quần áo. Nhiều phòng khác đóng cửa im ỉm vì làm ca ba giờ ngủ bù. Duy chỉ có phòng trọ của bà Năm vẫn rộn ràng. Bởi ở đây có đến ba đứa trẻ. Bà Năm nói trong mệt mỏi: “Hễ đứa này ngủ thì đứa kia thức. Cả phòng có một cái võng nên chúng ngủ... thay ca! Tui mệt lắm nhưng cả ngày có ngủ được đâu!”.
Đó là tổ ấm của hai vợ chồng CN Tuấn và Thắm, quê ở An Giang. Họ lên Bình Dương làm CN, cưới nhau và khi sinh cu Đạt, Thắm phải nhờ mẹ lên trông con giùm để đi làm. Phòng trọ có gác lửng. Nền nhà theo tôi... đếm gạch men thì khoảng trên dưới 12m2. Bà Năm đang đưa võng cho một đứa bé mấy tháng tuổi ngủ. Hai đứa trẻ khác thì loanh quanh chơi trong phòng đã được gắn thanh chắn ngay cửa. Bà Năm đưa tay “giới thiệu” với tôi: “Cháu ngoại tôi chỉ có thằng nhóc này. Con bé này 4 tuổi mà... đẹt vậy đó. Trong võng là thằng em nó. Ba nó cũng làm CN ở dãy nhà trọ này. Mẹ nó đi bán trứng cút. Tui nhận giữ giúp hai đứa nhỏ để ba mẹ nó đi làm”. Tôi hỏi phòng quá chật chội, lại mất một góc làm bếp với đủ thứ nồi niêu, bếp gas, bình gas... có an toàn để giữ trẻ đâu, bà Năm nói: “Biết là thế nhưng ba mẹ hai đứa nhỏ này cũng khổ. Tui không trông giúp thì nó không đủ tiền đi gửi bên ngoài. Tui chỉ trông giùm thôi, đến bữa mẹ nó đem cơm cho đứa lớn, cháo, sữa cho đứa nhỏ”. Theo bà Năm, tiền công giữ hai đứa trẻ của bà được 500.000 đồng/tháng. Bà phụ thêm cho con gái trả tiền phòng trọ.
Bà Năm kể thêm: “Con gái và con rể tui đi làm thu nhập tổng cộng gần 5 triệu một tháng nhưng hễ tăng lương thì giá cả cũng lên chóng mặt. Tiền phòng 400.000 đồng. Tiền điện, nước đều lên nên khổ lắm. Tằn tiện lắm mới đủ lo cho 4 miệng ăn”.
Giảm chi tiêu
Một bà mẹ CN khác mà tôi đến thăm cũng áp dụng cách... tiết kiệm tối đa là chị Mai ở khu phố 2, Phú Thọ, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Chị Mai đi làm nuôi hai đứa con nhỏ. Chồng chị thất nghiệp liên miên nên tình cảnh của chị càng bi đát! Bé đầu 6 tuổi học lớp một theo chị là đã “cai sữa lâu thật lâu rồi”. Đứa bé trai gần 2 tuổi đang được mẹ cho bú bình mỗi đêm một cữ. Ban ngày là cai hẳn! Chị Mai nói: “Em chỉ dám mua sữa nội, loại rẻ nhất. Mua sữa hộp giấy để bớt tiền... bao bì”. Chị còn nói thêm: “Hồi mới thuê nhà, bà chủ lấy trọn gói tiền phòng, tiền điện, nước 500.000 đồng/tháng nhưng từ khi em sinh thằng nhóc sau một tuần là bà chủ đòi tăng thêm 50.000 đồng/tháng với lý do có thêm con nhỏ, xài nước nhiều. Gần đây, giá điện lên nên bà làm lại hợp đồng xài điện nhiêu tính nhiêu, gộp chung, khoản tiền nhà tăng quá chừng so với trước...”.
Tại một chợ chồm hổm chuyên bán thực phẩm cho CN, tôi còn gặp Minh, một CN may lựa mua đúng một lạng tôm! Giá hơn 10.000 đồng/lạng. Mua xong tôm, Minh ghé hàng rau mua một trái bí xanh nhỏ xíu và “xin thêm cọng hành ngò”. Minh mua thêm 2 cái trứng gà công nghiệp giá 4.500 đồng nữa. Chỉ hơn 20.000 đồng cho một bữa đi chợ. Hỏi Minh làm sao nấu, cô cười: “Tôm này em nấu cháo cho con ăn 2 bữa lận đó chị. Nấu cháo nhừ cho tôm và mấy miếng bí xanh vô rồi nghiền ra cho con ăn. Chủ yếu lo cho con, mình ăn sao cũng được. Một bữa tụi em ăn trong công ty rồi. Bữa sáng thì ăn tàm tạm...”.
Đến một quán tạp hóa có bán gạo, nhiều CN cho biết họ cứ phải... đổi loại gạo riết vì mua gạo theo giá tiền chứ không phải theo loại mình thích ăn! Cứ khi nào mỗi kg lên 2 - 3 giá là tụi em đổi loại gạo. Một chị khác nói mình thích ăn loại gạo dẻo, thơm và nghĩ tiền gạo không bao nhiêu nên thường mua loại giá 16.000 đồng/kg. Nhưng giờ đến mua thấy để giá 18.000 đồng/kg nên chắc đổi loại khác đồng giá. Tất cả những CN tôi gặp khi đi chợ đều có chung mong ước là “giá như... giá cả đừng tăng nữa!”. Nhưng họ cũng đúc kết rằng có mấy khi giá dừng lại hay đi xuống mà chỉ thấy tăng hoài. Sắp đến tết còn lo nữa. Họ nói không biết tính toán sao để đi chợ, để làm bài toán chi tiêu hàng tháng cho... tròn!
QUỲNH NHƯ