Tò he làng Xuân La - Hà Nội tại Bình Dương

Cập nhật: 17-05-2011 | 00:00:00

Tò he là một loại đồ chơi dân gian của trẻ em Việt Nam mang nét văn hóa dân gian đặc sắc, chủ yếu ở Bắc bộ. Trong thời gian gần đây, khi “cơn lốc” trò chơi hiện đại xuất hiện đã làm cho đồ chơi tò he dần mất chỗ đứng, lãng quên. Để bảo tồn, phát huy giá trị của tò he, mang tò he đến với mọi người, những nghệ nhân làng Xuân La (Hà Nội) đã phải chấp nhận kiếp sống lang thang, du mục.

Kiếp hàng rong

Trong cái nắng gắt của một ngày tháng 4, tại khuôn viên Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến (Bình Dương), tôi chợt bắt gặp nghệ nhân nặn tò he. Anh là Đào Văn Hảo, quê tại làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây), hiện đang sống tại Bình Dương. Trên chiếc bàn nhỏ được gắn mấy tấm xốp có những chú tò he được làm sẵn trông thật đẹp mắt. Với bàn tay thoăn thoắt, điêu luyện, anh tiếp tục tạo ra rất nhiều chú tò he như: Pikachu, Đôrêmon, Tôn Ngộ Không, 12 con giáp...

  Tò he không chỉ thu hút trẻ em mà cả người lớn cũng tò mò tìm đến xemAnh cho biết, gia đình anh vào Bình Dương hành nghề từ năm 1990. Hai vợ chồng anh thuê một căn nhà nhỏ làm chỗ trú ngụ. Để lo cho cuộc sống gia đình và lo cho hai con ăn học, hai vợ chồng anh đã chia nhau đi khắp nơi để nặn tò he. Anh đảm nhận ở các trường học, khu vui chơi, khu du lịch tại TX.TDM, Dầu Tiếng, Tân Uyên, Bến Cát, Phú Giáo. Chị hành nghề tại TX.Thuận An, Dĩ An, Khu du lịch Suối Tiên (Thủ Đức). Hành trang đồ nghề để nặn tò he khá đơn giản, gồm một con dao nhỏ, vài que tre, chút sáp ong, một cái lược và một thùng xốp để cắm tò he lên trưng bày. Anh Hảo tâm sự: “Do yêu nghề nên chúng tôi bám lấy nghề mà sống, chứ làm nghề này nói đến làm giàu khó lắm. Ngày nào thời tiết đẹp, đông khách thì cũng được trăm ngàn, có ngày được mấy chục ngàn, chỉ tạm đủ hai vợ chồng trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học”.

Được biết, cái nôi của nghề nặn tò he là làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây. Lúc đầu, tò he là sản phẩm làm bằng bột dùng để cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, heo, cá... vì vậy, người ta gọi sản phầm này là “đồ chơi chim cò”, hay còn gọi là “con bánh” vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi... Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh “tò te”, thế nên được gọi là “tò te”, sau đọc chệch thành “tò he”.

Theo anh Hảo, cả làng Xuân La làm nghề nặn tò he. Hiện nay, hơn một nửa nghệ nhân nặn tò he trong làng đã đi khỏi quê hương, hành nghề khắp cả nước. Bởi đặc thù của nghề là cuộc sống lang thang và “mang kiếp hàng rong”. Nghệ nhân muốn bán được nhiều hàng phải di chuyển địa điểm liên tục, mỗi tháng ít nhất phải di chuyển 20 lần. “Trước đây, mọi người thường nặn những vật dụng xung quanh, con vật gần gũi, nhưng hiện nay để đáp ứng thị hiếu của từng đối tượng nên tò he cũng được nặn đa dạng, phong phú hơn. Với đối tượng thiếu nhi, chúng tôi phải để ý đến những nhân vật trong các bộ phim hoạt hình mới để nặn các nhân vật trong phim. Đối tượng là thanh niên, chủ yếu ưa chuộng tò he là hình trái tim, cặp chim bồ câu bên hoa hồng”, anh Hảo nói.

Thổi hồn cho bột

Ðể nặn ra tò he chỉ cần những nguyên liệu rất gần gũi với cuộc sống nông dân. Ðó là những sản phẩm nông nghiệp do chính bàn tay họ làm ra: bột gạo, phẩm màu, que tre. Cách làm khá đơn giản: trộn bột nếp theo tỷ lệ 10 phần gạo, 1 phần nếp, trộn đều, ngâm nước rồi đem xay nhuyễn, luộc chín và nhào nhanh tay. Sau đó, nắm bột lại thành từng vắt và nhuộm màu riêng từng vắt. Bốn màu cơ bản là vàng, đỏ, đen, xanh. Các màu sắc trung gian khác đều được tạo từ bốn màu này. Màu sắc dùng để nhuộm bột được lấy từ cây nhà lá vườn: rau ngót cho màu xanh, màu đỏ của gấc, màu vàng từ nghệ, màu đen từ tro bếp...

Cái khó nhất của nghề nặn tò he đó là cách pha chế màu, nếu không nắm bắt được kỹ thuật pha chế màu phù hợp, màu sẽ không được tươi, nặn không đẹp. Nói đến làng nghề truyền thống của làng quê mình, anh Hảo tự hào khoe: “Tất cả những nghệ nhân nặn tò he đều rất tự hào về nghề mà ông cha ngày xưa đã để lại. Những chú tò he được nặn ra được các nghệ nhân gửi gắm vào đó cuộc sống giản dị, mộc mạc giống như chính cuộc sống làng quê Xuân La chất phác”.

Muốn học nghề nặn tò he, người học phải học trong vòng 5 tháng. Bài học đầu tiên là xe bột quanh một que tăm để có một cây gậy, sau đó là nặn đồ vật, rồi nặn con vật. Học xong bài làm thân con người, động vật, đến bài điểm nhãn, tạo thần cho các nét mặt. Nặn tò he rất giống với nghệ thuật vẽ mặt nạ trong tuồng. Tính tượng trưng, ước lệ rất cao. “Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc, đứa nịnh râu thưa mấy sợi còi” (câu ví trong hát tuồng).

Anh Hảo cho biết, theo nguyên tắc từ 300 năm nay, nghệ nhân tò he chỉ truyền nghề cho con trai và con dâu. Hiện nay với sự du nhập của rất nhiều loại trò chơi hiện đại, tò he không còn thu hút sự chú ý của mọi người. Để bảo tồn nghề truyền thống, nhiều gia đình tại làng Xuân La hoặc các gia đình hành nghề tại các tỉnh khác đã “gỡ bỏ” tục lệ truyền thống, sẵn sàng truyền nghề cho những người yêu nghề nặn tò he. Họ mong muốn qua những học trò của mình, những chú tò he làng Xuân La có thể bay cao, bay xa tới các vùng đất mới; qua đó nhằm giới thiệu với mọi người nét đẹp văn hóa trong nghệ thuật tò he.

QUANG TÁM - THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên