Tổ quốc bên bờ sóng

Cập nhật: 23-07-2014 | 00:00:00
Kỳ 21: Người lính trở về từ hải chiến Gạc Ma

>>> Tiếp theo kỳ trước

Cái bắt tay giữa tôi với anh Lê Minh Thoa hẫng đi một chút, bởi tôi phát hiện ngón trỏ bàn tay anh không còn nữa. Di chứng để lại trên cơ thể của người lính trở về sau trận hải chiến Gạc Ma 25 năm trước vẫn còn nặng nề lắm…

Thầm lặng ngày về

Chúng tôi tìm đến thăm anh Lê Minh Thoa trong một căn nhà nhỏ ở số 5D, đường Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn (Bình Định). Anh bảo, ngày xảy ra hải chiến Gạc Ma, anh là sĩ quan tổ máy tàu. Tàu địch gầm rú rồi nã đạn vào tàu HQ406 chỉ chở toàn lính công binh đi xây đảo. Anh Thoa dính ngay những loạt đạn đầu tiên khi tay không một tấc sắt. Tàu chìm, anh vội nhảy khỏi tàu cùng hai quả bí xanh vừa lặn ngụp vừa bơi. Sau đó, anh Thoa bị tàu địch bắt giữ cùng 8 đồng chí khác. Chúng giam các anh ở bán đảo Lôi Châu 3 năm 9 tháng rồi trao trả ở cửa khẩu Hữu Nghị!

  Anh Lê Minh Thoa mở quán phở Trường Sa để luôn nhớ về các đồng đội đã ngã xuống

Ngày về, 9 chiến sĩ trận hải chiến Gạc Ma mừng mừng, tủi tủi. Tuy nhiên, khi được hỏi mong muốn cá nhân, 8 người còn lại đều bày tỏ nguyện vọng về quê, riêng anh Lê Minh Thoa lại… xin tiếp tục phục vụ trong hải quân! Anh nói: “Những năm ngồi trong nhà tù địch, bị hành hạ, bỏ đói, đánh đập và lao động như tù khổ sai nhưng chúng không thể nào bẻ gãy ý chí của tôi. Bởi thế, khi trở về tôi chỉ mong muốn một điều, là tiếp tục được cống hiến sức lực còn lại của mình cho Tổ quốc”.

Căn nhà nhỏ với diện tích chưa đầy 30m2 của anh Thoa hằn in những lam lũ, cực khổ của người cựu binh trở về từ hải chiến Gạc Ma. Phục vụ trong quân đội từ năm 1991 đến năm 1996 thì sức khỏe không còn bảo đảm, anh được cho nghỉ hưởng chế độ một lần. Sau đó, anh vật lộn mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm ở TP.Hồ Chí Minh trước khi về ở hẳn cùng cha mẹ già vào năm 2005 ở Quy Nhơn.

“Năm nào tôi cũng cúng cho đồng đội đúng vào ngày 14-3. Tôi buồn lắm, đồng đội mất cả, chỉ còn lại 9 người bị bắt làm tù binh. Những ngày vật lộn mưu sinh ở TP.Hồ Chí Minh tôi vẫn tiếc không còn cơ hội để tiếp tục sống, chiến đấu trong màu áo Hải quân Việt Nam”, anh Thoa kể. Thầm lặng trở về sau trận hải chiến kinh hoàng, anh Thoa sống trong khốn khó, đến mức năm 2005, khi đứa con trai thứ 3 ra đời, người vợ đầu ấp, tay gối không chịu nổi cảnh sống kham khổ đã bỏ con lại cho anh đi biệt xứ.

Khí phách người lính biển

Trong căn nhà nơi phố nhỏ, anh Thoa tự hào chỉ cho tôi nhiều bằng khen, huân chương, huy chương những ngày còn trong quân ngũ. Cái nghèo, cái khó không làm nhụt chí và lu mờ khí phách của người lính biển. Trong cuộc đời binh nghiệp ngắn ngủi của mình, anh được cố Chủ tịch nước Võ Chí Công tặng Huân chương Chiến công hạng ba năm 1988. Sau khi trở về và tiếp tục phục vụ trong lực lượng Hải quân, anh lại được cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh 2 lần tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang vào các năm 1995 và 1996.

Trở về quê hương sau nhiều năm lưu lạc, không ai ở địa phương biết Lê Minh Thoa là nhân chứng sống trong trận hải chiến Gạc Ma năm nào. Anh lặng lẽ vá xe đạp, sửa xe máy cùng người cha già của mình và tiếp tục tham gia lực lượng dân quân tự vệ tại địa phương. Anh Lâm Hữu Nghĩa, một người dân sống cạnh nhà anh Thoa, cho biết: “Trong suốt mấy năm trời bọn tui chơi với nó mà không biết Thoa là cựu binh trận hải chiến Gạc Ma. Thấy nó bị thương tật ở chân, ở tay hỏi đến nó đều nói tai nạn lao động. Mãi sau này nghe các phương tiện thông tin đại chúng đề cập mới biết sự thật”.

Sau khi trở về, anh Lê Minh Thoa được giám định thương tật 11%, bảo đảm sức khỏe và không thể công nhận là thương binh với tỷ lệ thương tật 22%. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, anh thường bị đau đầu dữ dội và đi khám ở Bệnh viện Đa khoa TP.Quy Nhơn. Tại đây, các bác sĩ bệnh viện đã giật mình khi phát hiện ở vai và trong đầu anh Thoa vẫn còn mảnh đạn. Mong muốn duy nhất của anh Thoa lúc này là được phép giám định lại thương tật và phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn mảnh đạn trong cơ thể mình ra để bảo đảm sức khỏe và tiếp tục kiếm tiền nuôi 3 con nhỏ học hành đến nơi đến chốn.

Giờ thì Lê Minh Thoa vẫn ngày ngày sửa xe và… bán phở tại nhà. Cái tên quán phở của anh cũng toát lên khí khái của người lính biển. Quán phở Trường Sa ngày ngày vẫn đón khách tìm đến ăn sáng và trò chuyện cùng người cựu binh trở về từ trận hải chiến không cân sức. Anh Thoa cho biết: “Tôi trở về đất liền mưu sinh nhưng vẫn nhớ Trường Sa nhiều lắm! Năm 1985 tôi đã ra với Trường Sa rồi, lái tàu đi xây đảo giữ gìn chủ quyền được 3 năm thì xảy ra trận hải chiến Gạc Ma. Từ đó đến nay trải qua nhiều biến cố cuộc đời nhưng tôi chưa một lần được quay lại Gạc Ma, về lại Trường Sa thân yêu. Tôi nhớ Trường Sa, nhớ đồng đội đã ngã xuống!”.

Chúng tôi lặng nhìn người cựu binh trở về từ trận hải chiến Gạc Ma, trải qua bao sóng gió cuộc đời, đôi mắt anh vẫn ánh lên những tia nhìn sắc lạnh khi nhắc về Hoàng Sa, Trường Sa. Những giọt nước mắt đã rơi khi chúng tôi và anh lần giở trang giấy ngả màu ghi tên từng chiến sĩ hy sinh và cả những người sống sót trong cuốn tạp chí của Hội Khoa học lịch sử Bình Dương. Anh khóc như một đứa trẻ khi nhớ về những ngày tháng chưa bao giờ quên trong tâm trí.

Chúng tôi rời Quy Nhơn với lời dặn của anh Lê Minh Thoa: “Anh em có điều kiện đi thực hiện loạt bài “Tổ quốc bên bờ sóng”, đến địa phương nào gặp người thân của đồng đội tôi xin thắp giùm nén hương. Ai còn sống xin cho Thoa này số điện thoại, địa chỉ để liên lạc với nhé!”. Người lính biển trở về sau những đắng cay, tủi uất của trận hải chiến không cân sức, trở về sau những đòn roi, tra tấn dã man vẫn không bị bẻ gãy ý chí chiến đấu, nghĩa tình là thế!

Kỳ 22: Đoàn tàu bám biển Bùi Thanh Ninh

KHÁNH VINH - KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=642
Quay lên trên