Tổ quốc bên bờ sóng: Nỗi nhớ biển da diết

Cập nhật: 13-08-2014 | 14:26:12

Kỳ 38: Nỗi nhớ biển da diết Khí phách người Việt Nam từ bao đời vẫn thế. Sinh ra trên dải đất hình chữ S, bên bờ sóng vỗ miên man, ngàn đời nay người Việt yêu biển, gắn liền với biển. Bởi thế, đã trót một lần đến, sống ở biển, khi xa người ta nhớ biển vô cùng…

Thành công vẫn quay về với biển
  Chiều trên bến cảng Hàm Tử (TP.Quy Nhơn, Bình Định), chúng tôi bắt gặp hai ngư dân Trần Công Thế (42 tuổi) và Võ Văn Khương (40 tuổi) cùng ở xã Hoài Hương (Hoài Nhơn). Anh Trần Công Thế từng có 17 năm thâm niên đi biển. Ngày xưa, tàu của anh chỉ có công suất 45 CV. Tàu nhỏ nên ra ngư trường thường xuyên gặp rủi ro, đánh bắt không hiệu quả. Chính vì thế, sau một lần đi biển bị tàu nước ngoài cố tình gây chuyện, quấy phá, anh đã từng bỏ biển lên bờ làm kinh doanh. Công việc kinh doanh của gia đình anh Thế gặp nhiều thuận lợi nhưng nỗi nhớ biển da diết không bao giờ nguôi ngoai trong lòng. Anh tâm sự: “Đêm về nằm ngủ, chợp mắt một cái đã nghe mùi mặn nồng của biển, sự hào sảng và khí phách của anh em bạn tàu. Họ cũng gặp khó khăn như mình nhưng vẫn quyết tâm bám biển, giữ biển, mình lên bờ sao đành. Trăn trở mãi tôi quyết định dốc vốn đầu tư đóng tàu, đi biển trở lại…”.

2 chiếc tàu BĐ 97279 TS, BĐ 97268 TS lớn nhất nhì tỉnh Bình Định được hai anh em ngư dân Trần
Công Thế và Võ Văn Khương đóng mới, đang neo ở cảng Hàm Tử chờ ngày ra khơi

  Đồng lòng với người anh vợ, ngư dân Võ Văn Khương cũng quyết chí đóng tàu lớn vươn khơi xa, dù anh cũng đã bỏ tàu hơn 25 năm và có kế sinh nhai ổn định trên bờ. Cách đây 25 năm, tàu cá của anh với công suất 260 CV, gọi là có tiếng trong vùng nhưng ra khơi xa vẫn gặp nhiều khó khăn, dù có lần anh đã đóng tàu lớn hơn, công suất 380 CV nhưng vẫn làm ăn không hiệu quả.


Giờ thì hai anh em yêu biển, nhớ biển đã thỏa ước nguyện. Đầu năm 2014, cả hai quyết định dốc vốn, vay mượn thêm tiền ngân hàng để đóng 2 con tàu công suất lớn, tiếp tục vươn khơi. Trong năm 2014, tình hình biển Đông có những diễn biến phức tạp, nhiều tàu của ngư dân Việt Nam liên tục bị cản trở, quấy rối từ các tàu nước ngoài, nhưng hai anh vẫn cương quyết đóng tàu lớn ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa khai thác hải sản. Anh Khương tâm sự: “Bao nhiêu tâm huyết ấp ủ bấy lâu, không lẽ giờ mình chùn bước trước những sự khiêu khích sai trái? Riêng tôi cho rằng, mỗi ngư dân là một cột mốc chủ quyền trên biển của đất nước. Chính vì thế, đóng tàu lớn, khai thác nhiều nguồn lợi từ biển cũng là một hành động yêu nước và góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo quốc gia…”.


Chuẩn bị đón những mùa vui
  Theo thông tin mới nhất từ Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn (Bình Định), sau hơn 4 tháng thi công, 2 con tàu vỏ gỗ của hai anh em Trần Công Thế và Võ Văn Khương đã hoàn thiện các công đoạn cuối để chuẩn bị xuất bến ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt hải sản. Đây được xem là 2 con tàu mới, hiện đại, có công suất lớn nhất nhì Bình Định. Mỗi chiếc tàu cóchiều cao 3,5m, dài 22,7m vàrộng 6,7m, tải trọng 70 tấn, có 8 hầm chứa khối lượng 50 tấn cá... Trong đó, tàu cá mang số hiệu BĐ 97279 TS của anh Trần Công Thế có tổng công suất 1.200 CV, máy chính 730 CV, 2 máy phụ hơn 470 CV. Còn tàu cá BĐ 97268 TS của anh Võ Văn Khương có tổng công suất hơn 1.400 CV, trong đó máy chính là 1.020 CV, 2 máy phụ 400 CV.

Với tình yêu biển, anh Trần Công Thế đã quyết tâm đóng tàu lớn để vươn khơi


  Chúng tôi đứng trên cầu cảng Hàm Tử mải mê ngắm nhìn 2 con tàu của anh Trần Công Thế và Võ Văn Khương. Mùi nước sơn còn sực lên, từng thớ gỗ vỏ tàu bóng mượt, thơm phức. Tàu kiêu hãnh vươn mình đón từng con sóng biển, gió lộng làm tung bay lá cờ đỏ sao vàng trên nóc cabin. Rồi đây, 2 con tàu lớn sẽ đi biển, mỗi chuyến từ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng tại ngư trường truyền thống trên biển Đông.Không chỉ mạnh dạn bỏ vốn lớn đóng tàu lớn, hai anh em ngư dân này cũng đã học hỏi kỹ thuật, chuẩn bị rất kỹ cho việc vận hành con tàu. “Những năm gần đây, chúng tôi xin đi bạn cho các tàu cá có công suất từ 650 - 800 CV để học hỏi thêm kinh nghiệm trước khi quyết định đóng tàu lớn. Hiện nay, nhiều bạn theo tàu chúng tôi đều là những ngư dân có thâm niên từ 10 - 30 năm tham gia đánh bắt trên các tàu công suất lớn. Họ sẽ hỗ trợ chúng tôi trong quá trình đánh bắt dài ngày trên biển nên rất yên tâm…”, anh Thế nói và dẫn chúng tôi lên tận boong tàu để xem bộ lưới vây rút trị giá gần 1 tỷ đồng, loại lưới chuyên dùng đánh bắt xa bờ. Máy móc trang thiết bị trên tàu để dò cá, định vị đều cực kỳ hiện đại...


  Sinh ra từ vùng biển, luôn yêu biển, anh Trần Công Thế và Võ Văn Khương đã biến tình yêu biển thành hành động cụ thể bằng việc đóng tàu lớn, vươn khơi xa. Chúng tôi chia tay hai ngư dân dám nghĩ, dám làm trong một ngày nắng đẹp trên cảng Hàm Tử. 2 con tàu lớn dần xa trong tầm mắt, chuẩn bị ra vươn khơi theo dấu biết bao con tàu của ngư dân Việt, mang về những mùa vui từ đại dương bao la.

KHÁNH VINH - KIẾN GIANG


Kỳ 39: Gió lộng… buồm căng ta ra khơi!

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1067
Quay lên trên