Tổ quốc bên bờ sóng: Nước non vững bền

Cập nhật: 03-07-2014 | 00:00:00

> Bài 1: Nam quốc sơn hà

> Bài 2: “Tắt muôn đời chiến tranh”

> Bài 3: Đất thiêng Trà Cổ

 Cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đến thăm đình Trà Cổ từng nói: “Đình Trà Cổ như anh lính biên phòng bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Cho nên phải giữ lấy đình, coi như là bảo vệ người giữ biên cương cho đất nước”. Chính vì thế, đình Trà Cổ không chỉ là nơi thờ tự của người dân địa phương mà còn là biểu tượng của tinh thần coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững chủ quyền của người Việt Nam.

 Cột mốc văn hóa Việt

Sau nhiều nỗ lực cải tạo đất hoang, dựng cơ nghiệp trên đất mới, những cư dân đầu tiên của Trà Cổ đã nhanh chóng xây dựng đình Trà Cổ để thờ tự Thành hoàng, các bậc tiền nhân. Vào thế kỷ XV, ngôi đình được xây dựng công phu, mang đậm phong cách kiến trúc Việt Nam. Căn cứ theo thần tích, sắc phong - những cứ liệu lịch sử, đình Trà Cổ được xây dựng vào năm Quang Thuận thứ 2 (1461). Đến nay, đình đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc đặc trưng thời Lê, đó là các trang trí rồng, phượng trên cốn, cột, đầu bẩy. Đặc biệt, đình Trà Cổ là một trong số ít các ngôi đình ở Việt Nam giữ được sàn ván - kiểu kiến trúc đình phổ biến thời Lê, tựa như Đình Bảng của Bắc Ninh. Ván đình cao cách mặt nền 0,4m, bưng kín bằng những bức chạm trổ.

   Đình làng Trà Cổ với kiến trúc độc đáo thời Lê được xem là “cột mốc” văn hóa Việt đối với Trung Quốc

Đình Trà Cổ gồm tiền đường có 5 gian, 2 chái, hậu cung có 3 gian. Bên trong đình có 48 cột cái và cột quân bằng gỗ lim đặt trên tảng kê bằng đá xanh. Các cột được giằng đan bởi những xà ngang dọc, ở các đầu xà gồ đều chạm đầu rồng. Hai đầu hồi là hai bức hoành phi sơn son thếp vàng ghi tám chữ: “Nam sơn tịnh thọ” (Nước Nam bền vững), “Địa cửu thiên trường” (Đất vững trời dài). Đề tài trang trí trên các cấu kiện gỗ của đình rất phong phú và đa dạng với các hình rồng chầu mặt trời, rồng hóa mây, cá chép hóa rồng, hình hoa lá, mây xoắn... Điều đặc biệt là mỗi chi tiết gỗ đều có những nét chạm trổ riêng, không trùng lặp. Tất cả được những người thợ xưa thể hiện rất công phu, tài nghệ, mang đậm nét văn hóa cổ truyền của người Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Hưu, thủ từ trông coi đình cho biết: “Ngôi đình này về mặt tâm linh là để nhớ ơn tổ tiên đã khai phá ra mảnh đất Trà Cổ. Ngoài ra, đây còn là cột mốc, chủ quyền Việt Nam bên cạnh nền văn hóa của Trung Quốc. Đình bao đời nay là nhân chứng, vật chứng không thể chối cãi được”. Quả vậy, đình Trà Cổ không chỉ thể hiện nét văn hóa Việt, niềm tự hào chủ quyền lãnh thổ mà còn là một biểu tượng văn hóa không hề bị lai căng, pha tạp. Điều đó cho thấy, ngay từ thời xưa, các bậc tiền nhân đã ý thức rất rõ vấn đề chủ quyền đất nước, bản sắc văn hóa dân tộc. Và đến nay, truyền thống ấy được các thế hệ người dân Việt Nam gìn giữ, noi theo.

Độc đáo tục nuôi “ông voi”

Cũng ngay tại đình làng Trà Cổ, chúng tôi được nghe về một tục lệ cổ xưa rất độc đáo: Tục nuôi lợn chầu thần. Đây là phong tục của người dân địa phương nhằm tưởng nhớ công lao khai khẩn của 12 ngư dân đầu tiên ra đất này khai hoang, mở cõi. Lễ hội đình Trà Cổ được tổ chức vào ngày 30-5 và 1-6 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, ngay từ trước đó đã diễn ra nhiều hoạt động nghi thức trịnh trọng. Thường là ngày 25- 5, dân làng sẽ cắt cử một nhóm bô lão và thanh niên trai tráng gióng thuyền rước bài vị tiên công từ Trà Cổ đi về Đồ Sơn rồi quay ngược trở lại Trà Cổ để tưởng nhớ đến công lao khai hoang, lập đất của tiền nhân.

Tuy nhiên, để có được mấy ngày lễ thì dân làng phải chuẩn bị cả năm trời. Trong đó, việc quan trọng nhất là nuôi đủ 12 “ông voi”. Cũng giống như nhiều địa phương khác ở miền Bắc, thường nuôi lợn để chầu thần, tuy nhiên người Trà Cổ dùng từ “ông voi” để thể hiện sự kính trọng của mình. Mỗi năm dân làng tụ họp bình bầu rồi chọn ra 12 người có đạo đức, ít điều tiếng gọi là những ông đám. Mỗi ông đám nhận nuôi một “ông voi”.

Chiều ngày 30-5 âm lịch, sau lễ tế gia tiên, các cai đám sẽ dùng cũi sơn đỏ có mái che nắng rước “ông voi” đã được tắm rửa sạch sẽ ra xếp thành hai hàng trước sân đình để chầu thần. Sau lễ tế cáo yết thần, Ban tổ chức lễ hội sẽ dùng thước đo từ đầu đến đuôi, đo vòng cổ từng “ông voi”. “Ông voi” nào thân dài nhất, vòng cổ to nhất, đẹp nhất sẽ giành giải nhất. Ngay sau phần chấm giải, các “ông voi” trở lại là những chú lợn bình thường, gia đình cai đám có thể bán luôn cho thương lái ngay tại cổng đình hoặc đưa về nhà giết thịt khao họ hàng. Riêng “ông voi” đạt giải nhất thì được giữ lại để mổ tế thần. Trong mâm lễ, ngoài thủ lợn, không thể thiếu túm lông đuôi của “ông voi” này. Lễ trao thưởng cho cai đám có “ông voi” giải nhất sẽ được tổ chức vào sáng ngày chính hội hôm sau.

Nói thì ngắn gọn, nhưng việc nuôi “ông voi” trong vòng một năm cũng lắm công phu. Những ông đám được chọn, theo lệ phải làm lễ cúng gia tiên trước khi rước “ông voi” về nhà. Lợn nuôi để cúng thần tuyệt đối không được gọi là lợn nữa mà là “ông voi”, được cho ăn no, ngủ kỹ sạch sẽ vô cùng, ngủ còn được mắc màn riêng, đến khi ốm đau được gọi ngay bác sĩ thú y đến chăm sóc… Đặc biệt, thời xưa tục lệ khắt khe, các ông đám được chọn còn không được phép ngủ với vợ trong vòng một năm. Nay đã nới lỏng đôi chút nhưng ông đám vẫn phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo khác như độ tuổi chỉ từ 25 - 35, không được ăn thịt chó, mèo và cãi vã với mọi người…

Sáng 1-6 âm lịch là chính hội, làng tổ chức đám rước thần. 12 cai đám mới được bầu cho lễ hội năm sau đảm nhiệm phần khiêng kiệu và cầm lọng đi hai bên. Đám rước đi từ đình ra miếu Đôi, làm lễ cáo yết Thành hoàng rồi quay trở lại đình. Dọc hai bên đường đám rước đi qua, các gia đình bày các mâm quả, sản vật biển như tôm, cua… thắp hương thành kính để tỏ lòng biết ơn trời đất, thần linh và tổ tiên năm qua đã phù hộ cho mạnh khỏe, cuộc sống ấm no, đi khơi đánh bắt được nhiều tôm cá. Các nghi lễ tế thần được tiếp diễn trong các ngày hội còn lại. Trong những ngày hội thường có một số trò chơi được tổ chức như cướp cờ, kéo co, đi cà kheo...

Kiến trúc độc đáo, đậm đà bản sắc cộng với lễ hội đình Trà Cổ cùng tục thi “ông voi” ở vùng viễn biên bên cạnh một láng giềng luôn có tư tưởng bành trướng, như một lời khẳng định nước non vững bền, cho thấy sức sống bền bỉ, trường tồn muôn đời của văn hóa Việt. Đó cũng là sự khẳng định đanh thép và mạnh mẽ về chủ quyền đất nước, sức mạnh không gì so sánh được của dân tộc Việt Nam.

 Bài 5: Bến Vân Đồn - nhớ chiến công xưa

 KHÁNH VINH - KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên