Tổ quốc bên bờ sóng : Quyết bám biển để bảo vệ chủ quyền

Cập nhật: 16-07-2014 | 00:00:00
Bài 15: Quyết bám biển để bảo vệ chủ quyền

> Bài 1: Nam quốc sơn hà

> Bài 2: “Tắt muôn đời chiến tranh”

> Bài 3: Đất thiêng Trà Cổ

> Bài 4: Nước non vững bền

> Bài 5: Bến Vân Đồn - nhớ chiến công xưa

> Bài 6: Đưa những con tàu ra khơi

> Bài 7: Bạch Đằng Giang - Hào khí muôn đời

> Bài 8: “Chủ quyền lãnh thổ là bất biến”

> Bài 9: “Hãy tin tưởng ở chúng tôi”

> Bài 10: Vững vàng hậu phương

> Bài 11: Con rồng ngẩng đầu bên bờ biển

> Bài 12: Săn Sá Sùng trên biển Quan Lạn

> Bài 13: “Có chết cũng phải giữ biển…”

> Bài 14: Thành phố biển xanh

 Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngư dân Hải Phòng vẫn cương quyết bám biển để bảo vệ chủ quyền theo lời Bác Hồ dạy: “Biển bạc của ta do dân t a làm chủ”…

 Càng thêm quyết tâm bám biển

Chiều trên Bến Xăm (phường Ngọc Hải, Đồ Sơn, Hải Phòng), bao hương vị mặn nồng của biển quyện vào trong gió. Những chuyến tàu đầy ắp cá tấp nập trở về trong niềm vui trào lên từng khuôn mặt vươn khơi. Giữa muôn trùng sóng gió và khó khăn do các tàu của Trung Quốc gây ra, ngư dân Hải Phòng vẫn kiên cường bám biển khai thác thủy sản. Ngư dân Ngô Văn Thanh, một chủ tàu khai thác xa bờ tâm sự: “Vùng biển của mình, thủy sản nhiều, có tàu, có lao động nên chúng tôi vẫn khai thác bình thường. Chúng tôi cũng rất yên tâm vì các lực lượng chức năng như cảnh sát biển, kiểm ngư luôn đồng hành, hỗ trợ thường xuyên, bảo đảm an toàn cho ngư dân khai thác. Mặt khác, anh em ngư dân trên biển không chỉ gắn bó, chia sẻ cùng nhau mà luôn có sự cảnh giác, cẩn trọng hơn trong mỗi chuyến ra khơi nên càng yên tâm…”.

   Biển mang lại nguồn lợi thủy sản to lớn cho ngư dân. Trong ảnh: Tàu của lão ngư Đinh Văn Sở, xã Phả Lễ, huyện Thủy Nguyên cập Bến Xăm với 5 tấn cá mú

Mùa cá năm nay thời tiết không ổn định, gió mùa khiến biển động nhiều hơn, lại thêm những phức tạp xảy ra ở biển Đông khiến ngư dân không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng trước mỗi chuyến ra khơi, lại được động viên kịp thời của cơ quan chức năng nên ngư dân Hải Phòng không quản ngại khó khăn, bám biển đánh bắt. Thượng úy Phạm Thanh Tùng, Trạm trưởng Trạm biên phòng Bến Xăm (Đồn Biên phòng Đồ Sơn) cho biết, trạm quản lý khoảng 700 phương tiện, trong đó có 24 tàu khai thác xa bờ với hàng ngàn lao động nhưng chưa có một va chạm hay diễn biến bất thường nào đến với ngư dân trên biển. Đặc biệt, tàu về hay chuẩn bị ra khơi, cán bộ biên phòng và địa phương luôn tiếp cận, gần gũi để tuyên truyền, giải thích về tình hình hiện nay trên biển để bà con yên tâm.

Là địa bàn không có nhiều tàu thuyền, nhưng âu cảng Bạch Long Vỹ luôn là điểm tựa của ngư dân khai thác thủy sản xa bờ. Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vỹ Đào Trọng Tuệ cho biết, thường xuyên có hàng trăm tàu của ngư dân Hải Phòng và các tỉnh, thành trong cả nước vào neo đậu trong âu cảng này. Trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, huyện Bạch Long Vỹ bố trí lực lượng tuyên truyền trực tiếp, qua hệ thống loa phát thanh trên đảo, đề nghị bà con tiếp tục yên tâm bám biển, bám ngư trường khai thác thủy sản. Đặc biệt, ở khu vực ngư trường Bạch Long Vỹ thường xuyên có một số tàu của lực lượng Cảnh sát biển vùng 1 và Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ, hỗ trợ bà con ngư dân yên tâm bám biển, vươn khơi, khai thác thủy sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Cột mốc sống” trên biển

Chúng tôi gặp lão ngư Ðinh Như Sở, 61 tuổi ở xã Phả Lễ (Thủy Nguyên), người gắn bó với biển khơi hơn 40 năm, thuộc biển như lòng bàn tay trên chuyến tàu đánh bắt được hơn 5 tấn cá biển các loại vừa trở về. Ông Sở cho biết, nghề khai thác cá trên biển là nghề cha truyền, con nối bao đời nay không chỉ với gia đình ông mà còn nhiều ngư dân khác ở Hải Phòng. Cho dù trên biển hiểm nguy thế nào, trừ thiên tai, gió bão chứ không gì cản được ngư dân ra biển, bởi đó là nghiệp, là cuộc sống và hơn cả là tâm huyết trọn đời. Cũng vì hiểu ngư dân, gắn bó với ngư dân và từng đi biển nhiều lần nên Trưởng phòng Kinh tế quận Đồ Sơn Hoàng Đình Dũng cho rằng, không nên xem ngư dân đánh bắt trên biển là lao động thuần túy mà hãy nhìn nhận họ như những người chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc nơi tuyến đầu.

Là địa phương có hàng trăm tàu khai thác xa bờ, TP.Hải Phòng đã phối hợp với lực lượng biên phòng chú trọng công tác tuyên truyền đến bà con ngư dân về ý thức bảo vệ an ninh trật tự trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trung tá Nguyễn Văn Hoán, Chính trị viên Đồn biên phòng Đồ Sơn khẳng định: “Nếu không dựa vào dân sẽ khó nắm bắt thông tin, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm. Năm 2013, qua nguồn tin của ngư dân, Đồn biên phòng Đồ Sơn phát hiện, xử lý kịp thời 93 tàu cá Trung Quốc hoạt động đánh bắt, xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam. Ngư dân của ta đi đến đâu, chủ quyền biển đảo được bảo vệ vững chắc vì họ chính là “cột mốc sống” trên biển…”.

Phó Chi cục trưởng Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hải Phòng Nguyễn Quý Thạc cho biết, ngoài số tàu đánh bắt gần bờ ra thì 72 tàu khai thác xa bờ với gần 500 lao động trên biển của Hải Phòng vẫn tiếp tục vươn khơi, bám biển, duy trì và tăng sản lượng khai thác. Thành phố và chi cục tiếp tục có cách thức động viên bà con yên tâm sản xuất, bám biển. Ngoài việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hiện có hai tàu kiểm ngư của chi cục ra khơi, đồng hành với bà con ngư dân, kịp thời hỗ trợ, xử lý các vấn đề trên biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Đây là hoạt động kịp thời để bà con bám biển, phát triển sản xuất, tham gia đấu tranh với những hành động sai trái, bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo Việt Nam.

Chia tay bà con ngư dân bám biển Hải Phòng, chúng tôi không thể không khâm phục trước tinh thần cưỡi sóng, đạp gió vươn khơi của ngư dân nơi đây. Tinh thần kiên cường của họ cộng với những hoạt động thiết thực, kịp thời của các lực lượng thực thi pháp luật, gìn giữ hòa bình, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển như kiểm ngư, cảnh sát biển… chính là bản lĩnh và ý chí tuyệt vời cho tinh thần giữ biển, bám biển Việt Nam.

Bài 16: Nhớ thuở cha ông lấn biển

 KHÁNH VINH - KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên