Tọa đàm giữa đoàn đại sứ, tổng lãnh sự việt nam tại nước ngoài với lãnh đạo các địa phương khu vực phía nam: Cầu nối hội nhập và phát triển bền vững

Cập nhật: 25-09-2020 | 08:44:05

Sáng 24-9, tại khách sạn Becamex Bình Dương, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Tọa đàm giữa đoàn Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023 với lãnh đạo các địa phương khu vực Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Chủ trì buổi tọa đàm có các đồng chí: Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao; Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương; Đặng Minh Khôi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Tham dự tọa đàm có 27 Đại sứ và Tổng Lãnh sự nhiệm kỳ 2020-2023; đại diện hiệp hội các ngành hàng của Bình Dương.

Toàn cảnh buổi tọa đàm giữa đoàn Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2020- 2023 với lãnh đạo các địa phương khu vực phía Nam. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Chủ động hội nhập

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, thời gian qua công tác đối ngoại đã được triển khai tích cực, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, góp phần nâng cao vị thế của đất nước, mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng. Tọa đàm lần này là cơ hội để các địa phương khu vực phía Nam chia sẻ những tiềm năng, thế mạnh; đồng thời đề xuất những ý kiến, kiến nghị cụ thể đến các Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài. Trên cơ sở đó, Bộ Ngoại giao cùng các Đại sứ và Tổng Lãnh sự sẽ có định hướng về chương trình hành động và những hoạt động thực chất, hiệu quả giúp các địa phương trong quá trình hợp tác đối ngoại, tranh thủ các điều kiện ở bên ngoài, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Trần Văn Nam cho biết, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 19 tỉnh và thành phố. Hiện nay, khu vực này đã đóng góp 33% GDP, hơn 53% giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước; tỷ trọng công nghiệp chiếm 62,8% trong cơ cấu, GRDP cao gấp 2 lần, tăng trưởng kinh tế bình quân cao gấp 1,2 - 1,4 lần của cả nước. Tọa đàm lần này là cơ hội để Bình Dương và các địa phương khu vực phía Nam chia sẻ những tiềm năng, thế mạnh; đồng thời đề xuất những ý kiến, kiến nghị cụ thể, nhất là trong việc tăng cường hợp tác, liên kết, chủ động phát huy lợi thế và nội lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Đồng chí Trần Văn Nam nhấn mạnh, Bình Dương đang là tỉnh có nền kinh tế công nghiệp phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài không ngừng gia tăng. Tính đến nay, Bình Dương có hơn 3.900 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư hơn 35 tỷ đô la Mỹ, các nhà đầu tư đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bình Dương hiện nay cũng tham gia vào 4 hiệp hội lớn trên thế giới. Có được kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực chung của tỉnh trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, Bình Dương luôn quan tâm đến công tác đối ngoại và hợp tác song phương với nhiều nước trên thế giới. Đồng thời, có sự đóng góp tích cực của Bộ Ngoại giao và các đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài. Trong giai đoạn sắp tới, Bình Dương tiếp tục triển khai các dự án mang tầm chiến lược, cụ thể như Vùng đổi mới sáng tạo, thành phố thông minh, trung tâm thương mại thế giới... Lãnh đạo tỉnh Bình Dương mong muốn Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục phối hợp giúp đỡ các địa phương trong khu vực phía Nam nói chung và Bình Dương nói riêng triển khai công tác xúc tiến đầu tư, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà các địa phương đã lựạ chọn.

Nỗ lực đồng hành

Tại tọa đàm, các địa phương khu vực phía Nam mong muốn Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện tại nước ngoài chia sẻ thông tin, thế mạnh thị trường từ các nước, làm cầu nối để xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hơn nữa thu hút FDI, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, đại diện các tỉnh đã nêu rõ những thế mạnh của địa phương, lĩnh vực ưu tiên trong công tác đối ngoại và những dự án thu hút đầu tư trọng điểm của địa phương mình. Bộ Ngoại giao vàcác Cơquan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong giới thiệu, kết nối với các DN nước ngoài. Các Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ các địa phương trong việc kết nối, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thu hút đầu tư, đẩy mạnh hội nhập quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ luôn là cầu nối giữa địa phương và các đối tác nước ngoài, hỗ trợ kết nối, tăng cường hợp tác quốc tế, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và các địa phương khu vực phía Nam nói riêng. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, đã đến lúc cần đổi mới tư duy hội nhập của địa phương để thực sự bứt phá trong thời gian tới. Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện sẵn sàng đồng hành cùng địa phương triển khai toàn diện công tác đối ngoại địa phương.q

Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Becamex IDC: Xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI đã và đang diễn ra, nhất là từ sau khi có dịch bệnh Covid-19. Với những lợi thế và nền tảng phát triển của mình, Becamex IDC mong muốn các Đại sứ, Tổng Lãnh sự làm cầu nối để giúp Becamex IDC hoàn thành sứ mệnh mà địa phương giao trong giai đoạn mới là thúc đẩy sản xuất gắn với phát triển khoa học công nghệ, đưa Bình Dương phát triển lên tầm cao mới.
Ông Nguyễn Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương: DN nào cũng mong muốn có được những thông tin đầy đủ và chính xác về thị trường các nước để kịp thời có những đối sách thị trường, nhất là trong bối cảnh mà ngành gỗ đang có lợi thế phát triển các đơn hàng như hiện nay. Các Đại sứ, Tổng Lãnh sự cần tăng cường cung cấp thông tin, đặc biệt là các thông tin về cơ cấu kinh tế, thị trường, đối tác, thế mạnh, rào cản thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế nhập khẩu và phân phối hàng hóa. Các DN gỗ Bình Dương cũng cần tư vấn, hỗ trợ xúc tiến thương mại và đầu tư, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của DN Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Minh Long I: Ngoài thông tin về thị trường, các DN cũng rất cần những thông tin về đối tác và nguồn cung hàng hóa, nguyên vật liệu, vì nền sản xuất của nước ta còn phụ thuộc khá nhiều vào thị trường bên ngoài. Các đại sứ nên có thêm những thông tin mang tính chiều sâu về thị trường mình làm việc để giúp đỡ DN. Mỗi Đại sứ quán cần có một trang thông tin riêng để DN tiện tham khảo. Được như vậy thì sự hợp tác chặt chẽ giữa DN và cơ quan đại diện ngoại giao sẽ càng bền vững và tốt hơn trong thời gian tới.

N.THANH - T.MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên