Toàn cảnh "đám cưới thế kỷ" của nước Anh

Cập nhật: 29-04-2011 | 00:00:00

Chuyện tình 10 năm lãng mạn của hoàng tử William và bạn gái Kate Middleton hôm nay bước sang trang mới, với đám cưới hoàng gia thu hút sự chú ý của cả thế giới.

Cuối năm 2010, đôi uyên ương đính hôn và tuyên bố sẽ làm lễ cưới vào ngày 29/4/2011. Kể từ đó, sức nóng từ sự mong chờ của dư luận đối với sự kiện này tăng dần. Người Anh và các hãng truyền thông thế giới như phát sốt trước những thông tin về kế hoạch chuẩn bị cho sự kiện được mệnh danh là "đám cưới thế kỷ".

Đây cũng là sự kiện lớn nhất của hoàng gia Anh kể từ khi Thái tử Charles kết hôn với Công nương Diana cách đây 3 thập kỷ. Điểm đáng chú ý đầu tiên đó là hôn lễ hoàng gia này được tiến hành tại Tu viện Westminster, nơi dành riêng để tổ chức các nghi lễ trang trọng của hoàng gia Anh suốt 1.000 năm qua.

 

William và Kate, vua và hoàng hậu tương lai của nước Anh

Cũng không phải ngẫu nhiên mà ngày 29/4 được chọn để tổ chức hôn lễ. Đó là ngày lễ thánh Catherine ở Siena (Italy) và bởi thế Kate Middleton sẽ được đổi tên thành Catherine Elizabeth Middleton, sau khi kết duyên vợ chồng với hoàng tử xứ sương mù.

Chi phí của đám cưới thế kỷ cũng là một trong những chủ đề được quan tâm và nhắc tới nhiều. Nhiều người Anh lo ngại rằng hôn lễ của William và Kate sẽ tiêu tốn của chính phủ nước này một khoản tiền lớn, trong hoàn cảnh nền kinh tế đang không mấy sáng sủa.

Tuy nhiên, đôi uyên ương nhanh chóng dẹp tan mọi nghi ngại khi tuyên bố toàn bộ chi phí đám cưới gồm dịch vụ trong nhà thờ, nhạc cưới, hoa, trang trí, lễ tân và trăng mật sẽ do hoàng gia và gia đình cô dâu chi trả. Chính phủ Anh chỉ hỗ trợ chi phí an ninh và di chuyển trong đám cưới.

Yên tâm về chi phí cho ngày trọng đại, William và Kate thoải mái chọn danh sách 1.900 khách mời, gồm rất nhiều thành phần khác nhau. Từ người đưa thư, ông chủ quán rượu, người bán thịt ở quê hương Bucklebury của Kate, tới người phục vụ quán rượu tại hòn đảo Mustique ở biển Caribbe, nơi gia đình cô hay đi nghỉ, đều được nhận thiệp mời.

Bên cạnh đó không thể thiếu khách mời là các chính trị gia, nhà ngoại giao, các nhân vật nổi tiếng nước Anh cũng như trên thế giới và những gia đình hoàng gia ngoại quốc. Tuy nhiên, chi tiết gây bất ngờ là hai cựu thủ tướng Anh thuộc Công đảng Tony Blair và Gordon Brown lại chỉ có thể theo dõi sự kiện này qua Youtube hoặc truyền hình mà không được đến dự.

Là một sự kiện mang tính toàn cầu, an ninh cho đám cưới thế kỷ của hoàng tử Anh tất nhiên cũng được đặc biệt quan tâm. Trong số hàng trăm nghìn người đổ ra các con phố của London hôm nay, không ai dám chắc sẽ không có những phần tử Hồi giáo cực đoan, những kẻ quá khích hay đơn giản nhất là những fan cuồng của hoàng gia thích gây rối.

Bởi vậy, nhiều ngày trước lễ cưới, cảnh sát Anh đã phải đau đầu lên các phương án đối phó với các nguy cơ an ninh. Khoảng 5.000 cảnh sát được điều động để đảm bảo hôn lễ hoàng gia diễn ra một cách an toàn và vui vẻ. Thậm chí, cảnh sát Anh tuyên bố họ sẵn sàng áp dụng những biện pháp mạnh tay trước bất cứ nguy cơ an ninh nào.

Bên cạnh đó, trang phục của cô dâu Kate Middleton trong lễ cưới cũng là chủ đề được bàn luận sôi nổi. Thậm chí, Kate còn lên tới 3 phương án váy cưới và quyết giữ bí mật cho tới phút chót. Báo giới Anh đồn đoán rằng Sarah Button, giám đốc sáng tạo của hãng thời trang cao cấp Alexander McQueen, được chọn là người thiết kế váy cưới cho Kate. Trong khi đó, báo chí Mỹ lại cho rằng nhà thiết kế Sophie Cranston của hãng Libedula sẽ được chọn, nhưng đồng thời cũng có nguồn tin khẳng định Kate tự thiết kế váy áo cho ngày trọng đại nhất đời mình.

Trong bộ váy cưới vẫn còn bí mật này, cô sẽ cùng hoàng tử William bắt đầu làm lễ thành hôn lúc 11h trưa nay giờ London tại tu viện Westminster. Sau khi hôn lễ được tổ chức và không có màn trao nhau những nụ hôn, đôi uyên ương sẽ cùng đi trên một cỗ xe cưới qua hàng loạt địa điểm quan trọng ở London theo lộ trình có sự tháp tùng của đội kỵ binh. Tâm điểm trước công chúng là hai người cùng xuất hiện trên ban công của Điện Buckingham lúc 13h25 chào đón các thần dân.

Khoảng 650 người được mời tới Điện Buckingham để dùng bữa trưa cùng đôi uyên ương. Đó là một bữa tiệc đứng có thể kéo dài tới giữa buổi chiều. Sau đó, khoảng 300 người trong số này tiếp tục được mời dự một bữa tối trang trọng cùng hoàng gia Anh.

Sẽ có rất nhiều sơn hào hải vị được dùng trong các bữa ăn, nhưng đặc biệt nhất vẫn là hai chiếc bánh cưới. Đầu tiên là chiếc bánh hoa quả của cửa hàng bánh ngọt Pháp Fiona Cairns nổi tiếng. Chiếc bánh này được trang trí với 16 loại hoa mang những ý nghĩa biểu tượng khác nhau, trong đó có hạnh phúc (hoa hồng), nhân hậu (hoa loa kèn) và hôn nhân (hoa thường xuân).

Chiếc bánh thứ hai khiêm tốn hơn, chỉ là một loại bánh chocolate thông thường nhưng là loại mà hoàng tử William ưa thích và được làm từ nguyên liệu của hãng McVitie trứ danh.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên