Tội phạm còn độ tuổi học trò!

Cập nhật: 13-07-2010 | 00:00:00

  Người dân đến xem phiên xét xử lưu động vụ án Đào Văn Ngọc và Nguyễn Văn QuýTòa án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã mở phiên tòa lưu động công khai tại trụ sở UBND xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh để xét xử sơ thẩm hình sự vụ án đặc biệt nghiêm trọng đối với các bị cáo Đào Văn Ngọc và Nguyễn Văn Quý về tội giết người. Điều đau lòng là 2 bị cáo này còn độ tuổi học trò.

 Hậu quả của trò chơi điện tử?

Đứng trước vành móng ngựa là hai khuôn mặt trẻ thơ còn quá non nớt, bị cáo Ngọc vẫn còn mặc trên người chiếc áo đồng phục học sinh. Chúng ngây thơ, vì khi phạm tội ác tày trời thì Ngọc mới 15 tuổi 5 ngày (SN 1994) còn Quý chưa đủ 17 tuổi (SN 1992). Nhưng tội ác mà chúng gây ra thì đến ngay cả những người làm cha làm mẹ của chúng cũng phải rùng mình toát mồ hôi lạnh vì họ không thể tưởng tượng được ở độ tuổi như vậy mà bọn chúng lại có thể có hành vi giết người một cách lạnh lùng và dã man, chẳng khác gì đối với những kẻ giết người chuyên nghiệp chỉ có ở trong các bộ phim hành động của nước ngoài.

Sinh ra và lớn lên trên một vùng quê nghèo của huyện Quế Võ trước đây, nay được sát nhập về thành phố Bắc Ninh. Gia đình của cả Ngọc và Quý đều là những gia đình thuần nông quanh năm gắn bó với đồng ruộng, song cả Ngọc và Quý đều được gia đình quan tâm chăm sóc cho ăn học tử tế với mong muốn chúng sẽ là những con người hiếu thảo đối với gia đình và có ích cho xã hội.

Đáp lại sự kỳ vọng của gia đình, thì bọn chúng lại sớm trở thành những đứa trẻ càn quấy, lêu lổng đua đòi luôn trốn học để sa đà vào các trò chơi game thâu đêm suốt sáng. Ở độ tuổi 16, Quý đã một lần bị đưa ra xét xử về tội trộm cắp tài sản còn Ngọc mới 14, 15 tuổi cũng đã bị một án cảnh cáo về hành vi trộm cắp tài sản và trở thành một đứa trẻ ngỗ ngược mà cả xóm ai cũng phải lắc đầu khi nhắc đến tên. Do đều là những đối tượng hư hỏng, nên cả Ngọc và Quý đã sớm liên kết với nhau để trở thành những đệ tử của các trò chơi game và chát thâu đêm suốt sáng. Để có tiền, hai tên đã không ngần ngại vi phạm pháp luật mà đỉnh điểm là tội ác chúng gây ra đêm 8-8-2009.

Như mọi khi, tối 7-8-2009, Ngọc và Quý rủ nhau đi chơi, khi đi Ngọc mang theo một con dao nhọn, khi tới nhà anh Điển nhìn thấy anh Giàng, SN 1988 là người cùng thôn đi một xe máy mới, cả hai tên đã đưa mắt nháy nhau và cùng nảy sinh ý định chiếm đoạt xe máy của anh. Bọn chúng đã rủ anh Giàng đi ra nhà văn hóa chơi. Tại đây do thấy có anh Quang người cùng thôn ở đó, không thể ra tay được nên Ngọc và Quý tìm mọi cách để anh Quang đi về. Sau đó, hai tên rủ anh Giàng đi lên Bắc Ninh chơi game “Thiên long bát bộ” qua đêm. Anh Giàng đồng ý chở Ngọc ngồi giữa, Quý ngồi sau tới đầu thôn Đa Cấu, Ngọc bảo anh Giàng cho xe vào bãi cát để lấy chiếc máy hàn đi bán lấy tiền ăn chơi. Tưởng thật, anh Giàng đã điều khiển xe đi theo sự chỉ dẫn của Ngọc.

Tới bờ mương vắng vẻ, Quý đã xuống xe còn Ngọc vẫn ngồi sau xe anh Giàng, Ngọc bảo anh Giàng: “Ga to lên xem có ai không”, anh Giàng siết ga cho máy nổ to, lợi dụng lúc anh Giàng không để ý Ngọc đã một tay túm tóc anh Giàng, một tay rút dao cứa vào cổ anh Giàng. Anh Giàng kêu lên một tiếng và ngã xuống đất, Ngọc ngã theo, anh Giàng và Ngọc vật nhau một lúc thì anh Giàng vùng ra bỏ chạy. Ngọc đã đuổi theo và tiếp tục vật ngã anh Giàng rồi đưa hai tay bóp cổ anh Giàng, lúc này Quý đã chạy đến và cùng tham gia đè anh Giàng ra và cùng bóp cổ cho đến lúc thấy anh Giàng nằm im thì bọn chúng mới thôi.

Lục túi lấy tài sản rồi Quý dùng ngay thắt lưng của anh Giàng thít vào cổ anh, cả hai tên kéo Giàng ra bãi cát, Quý ở lại trông còn Ngọc đi mượn xẻng đào hố để lấp xác, khi vứt xuống hố, thấy đầu anh Giàng chưa lọt hẳn xuống, Ngọc còn cầm cán xẻng thúc nhiều cái vào đầu anh Giàng cho tụt hẳn xuống. Sau khi lấp xác  thì hai tên đã mang xe của anh Giàng đi bán được 10 triệu đồng và cùng ăn tiêu, chơi bạc hết số tiền trên. Với tội ác mất hết tính người như vậy, đáng lẽ các bị cáo phải chịu mức án cao nhất mới thỏa đáng. Song do các bị cáo khi phạm tội còn đang ở độ tuổi chưa thành niên (Ngọc mới 15 tuổi, Quý mới 17 tuổi), theo quy định tại Điều 74 BLHS thì mức hình phạt cao nhất đối với Ngọc không quá 12 năm, đối với Quý không quá 18 năm, nên Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Ngọc 12 năm tù về hai tội giết người và cướp tài sản, Quý 18 năm tù về hai tội giết người và cướp tài sản buộc gia đình các bị cáo phải bồi thường cho gia đình người bị hại theo quy định của pháp luật.

Đâu là nguyên nhân?

Phiên tòa đã khép lại, nhưng đằng sau đó còn quá nhiều những trăn trở đáng để chúng ta phải suy ngẫm. Nguyên nhân gì để hai đứa trẻ mới lớn ở một vùng quê đa phần thuần nông lại có những hành vi tội ác mất hết nhân tính như vậy? Phải chăng đây chính là hệ quả của những trò chơi đầy bạo lực trên các game mà bọn chúng đã ngồi thâu đêm suốt sáng?

Trách nhiệm của gia đình và xã hội đến đâu, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường như thế nào? Tại phiên tòa, bố mẹ hai bị cáo đều thừa nhận đã giáo dục con hết sức nghiêm khắc, song cũng thừa nhận chúng là những đứa trẻ hư và đành bất lực phó mặc chúng cho xã hội. Bản thân các bị cáo thường xuyên trốn học song phía nhà trường cũng không hề có ý kiến đối với gia đình để cùng phối hợp trong việc giáo dục đối với học sinh của mình. Phải chăng đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội ác mà chúng đã gây ra ngày hôm nay?

Để hạn chế tình trạng trẻ chưa thành niên phạm tội như hiện nay, thiết nghĩ, cái gốc vẫn là gia đình, không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh gia đình do nghèo đói hay cho xã hội với vòng xoáy của cơ chế thị trường mà những người làm cha làm mẹ chỉ nghĩ mải mê làm giàu. Lo cho sự nghiệp bản thân, bỏ mặc con cái muốn làm gì thì làm, việc học hành phó mặc cho nhà trường, chúng muốn đi đâu thì đi, chơi với ai cũng được rồi khi chúng đã hư hỏng, đi vào con đường phạm tội lại đẩy trách nhiệm về phía nhà trường và xã hội. Như thế, chính là sự vô trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ. Chỉ cần để ý đến con một chút, quản lý con chặt chẽ hơn sẽ phần nào giảm thiểu được những hành vi phạm tội của những đứa trẻ. Ví dụ: khi thấy chúng có biểu hiện ăn tiêu hoặc xin tiền nhiều cần phải hỏi cho kỹ, mục đích sử dụng tiền của chúng, khi thấy chúng đem bất cứ tài sản gì không phải là của gia đình về nhà cũng cần phải hỏi cho kỹ nguồn gốc của những tài sản đó... Có như vậy chúng cũng e dè hơn, sự bỏ mặc không hỏi han gì cũng chính là sự dung túng cho những cái sai mà chúng đã thực hiện. Hoặc thấy chúng ham mê chơi game, thường xuyên tụ tập bạn bè chơi khuya ngoài đường thì cần ngăn chặn kịp thời chứ không nên dễ dàng chấp nhận, thỏa hiệp.

Thời gian qua, trên mạng

Internet xuất hiện rất nhiều những video clip quay lại những cảnh tra tấn bạn học mà thủ phạm là những nữ sinh vẫn còn đang mặc những trang phục của các trường THPT. Sau khi những video clip trên được tung lên mạng đã gây nên nỗi lo ngại của nhiều bậc phụ huynh, họ không thể hiểu được tại sao những nữ sinh ngày nay lại có thể thờ ơ, vô cảm khi coi việc hành hạ bạn học là một thú vui tiêu khiển? Trong khi đó lại có kẻ vô cảm hơn, điềm nhiên chăm chú quay lại cảnh bạn mình bị hành hạ đau đớn, quằn quại đỡ đòn vào đầu, vào mặt để tung lên mạng coi đó như là một chiến tích? Không hiểu khẩu hiệu tại các trường phổ thông “tiên học lễ, hậu học văn” được các nhà trường giáo dục cho các em hiểu đến đâu mà lại có những tệ nạn như vậy?

Ở lứa tuổi học trò mà chúng còn coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bạn học như vậy thì tới tuổi trưởng thành chúng sẽ như thế nào?

Việc xử lý như hiện nay xem ra chưa có tác dụng ngăn ngừa những hành vi bạo lực nơi chốn học đường. Liệu có phải vì tính nhân đạo với một số ít trẻ hư hỏng mà lại vô tình trở thành vô nhân đạo với đa số học sinh hiền ngoan?

Phạm Minh Tuyên (Phó Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh)

KHÁNH VÂN (ghi)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên