Tôn vinh những người “thổi hồn vào đất”

Cập nhật: 24-06-2010 | 00:00:00

Cuộc họp báo công bố chương trình Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 vừa diễn ra tại TP.HCM hôm qua khẳng định nghề gốm có vị trí hết sức quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đây là Festival gốm sứ đầu tiên tại Việt Nam được Bình Dương đăng cai tổ chức nhằm tôn vinh nghề gốm và những người làm gốm. Để chuẩn bị cho Festival gốm sứ lần đầu tiên này, từ tháng 5-2009 lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có đề án trình Bộ VH-TT&DL về kế hoạch tổ chức và đã được Bộ VH-TT&DL đồng ý; Chính phủ cũng nhất trí đưa lễ hội này vào chương trình lễ hội quốc gia nhằm chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Từ lâu đất Bình Dương đã nổi tiếng với những làng nghề truyền thống, trong đó nghề gốm sứ chiếm giữ vị trí khá quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và đã đi vào nhạc, vào thơ. “Ai về chợ Thủ / bán hủ bán ve / bán bộ đồ chè / bán cối đâm tiêu...” là những câu thơ mộc mạc nói về sản vật của những làng nghề truyền thống đất Thủ xưa. Hiện tại, sản phẩm gốm sứ của Bình Dương cũng thuộc hàng “top” trong ngành gốm sứ cả nước và vươn xa ra thị trường quốc tế với những thương hiệu quen thuộc như Minh Long I, Minh Long II, Cường Phát... Mỗi thương hiệu tuy sở hữu một dòng sản phẩm khác nhau, nhưng đều nổi tiếng và được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao.

Trong những năm gần đây, người dân trong nước biết đến Bình Dương là một địa phương năng động trong phát triển kinh tế, ít người biết Bình Dương là địa phương nổi tiếng với nghề gốm sứ. Đăng cai tổ chức Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010, người Bình Dương muốn giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế một nghề truyền thống nổi tiếng từ lâu đời, những sản phẩm của nghề gốm sứ Bình Dương và đặc biệt là để tôn vinh những làng nghề truyền thống nói chung, nghề gốm sứ nói riêng và trên hết là để tôn vinh những nghệ nhân “thổi hồn vào đất”; khẳng định vị trí, tiềm năng của nghề gốm sứ trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tương lai.

Ngoài những ý nghĩa như đã nêu, Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 còn là nơi hội tụ các nghệ nhân những làng nghề gốm sứ trong cả nước như Bát Tràng, Bàu Trúc, Phù Lãng, Biên Hòa... để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nhằm giữ nghề và phát triển nghề. Với những nội dung như triển lãm gốm sứ; trưng bày bộ sưu tập gốm cổ do một số địa phương khu vực miền biển trục vớt được và một số hiện vật do Bình Dương sưu tầm... sẽ giúp các nghệ nhân và người yêu gốm mãn nhãn, từ đó rút kinh nghiệm để cho ra đời những sản phẩm gốm sứ chất lượng cao, mang tính mỹ thuật phục vụ người tiêu dùng.

Mục đích, ý nghĩa của Festival gốm sứ Việt Nam- Bình Dương 2010 là quá rõ ràng, tuy nhiên làm thế nào để Festival thành công như mong đợi của lãnh đạo địa phương và sự kỳ vọng của người dân, nhất là những người yêu gốm, còn phụ thuộc nhiều vào khâu chuẩn bị và tổ chức của Ban tổ chức lễ hội. Đây là trách nhiệm và cũng là uy tín của Bình Dương, của nghề gốm sứ Bình Dương, vì vậy đừng để Festival diễn ra một lần rồi rơi vào quên lãng.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên