Gửi 2 mẫu bệnh phẩm tay chân miệng ra nước ngoài xét nghiệm, chiều 20-5, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM nhận kết quả, một phân nhóm mới với ký hiệu B2, thuộc tuýp Enterovirus 71 - vốn dễ gây biến chứng đã xuất hiện.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, virus Entero 71 vốn có rất nhiều phân nhóm tạo nên. Tại Việt Nam, các phân nhóm của Enterovirus 71 đã được xác định nhiều năm nay thuộc nhóm C.
Thấy trẻ sốt kèm nổi bóng nước ở tay-chân-miệng phụ huynh nên đưa con đi khám.
Với hai mẫu bệnh phẩm lấy từ hai ca mắc tay chân miệng đã tử vong ở tại TP.HCM, các
bác sĩ nghi ngờ virus gây bệnh đã thay đổi chủng nên gửi mẫu sang Đài Loan xét nghiệm. Kết quả khẳng định sự nghi ngờ này là đúng. Virus thuộc nhóm B2 chứ không phải C như trước.
Việc xuất hiện phân nhóm B2 của Enterovirus 71 theo bác sĩ Khanh sẽ khiến bệnh tay chân miệng trở nên nguy hiểm hơn. Thực tế là cả 2 mẫu bệnh phẩm lấy từ hai ca tử vong do tay chân miệng đều bị mắc bệnh do nhiễm phân nhóm virus này.
Hiện Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đang tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm khác từ các bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại đây gửi đi kiểm tra.
Xác nhận phân nhóm B2 của Enterovirus 71 gây bệnh tay chân miệng đã được thế giới chứng minh độc tính rất cao, thường gây tử vong. Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cũng cho biết, phụ huynh có con từ 5 tuổi trở xuống phải cảnh giác cao độ với bệnh.
"Người lớn nên hạn chế cho con đến nơi đông người, cách ly trẻ bị bệnh với trẻ khác. Đặc biệt khi thấy trẻ sốt kéo dài hơn 2 ngày kèm nổi bóng nước ở tay chân miệng phải đưa đi khám ngay", ông Thọ nói.
Cũng theo bác sĩ Thọ, cách phòng bệnh tốt nhất hiện nay là giữ gìn vệ sinh môi trường trẻ tiếp xúc. Thường xuyên rửa tay cho trẻ và cả người lớn có tiếp xúc với trẻ.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, từ đầu năm đến nay, thành phố này đã có hơn 1.300 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. 9 trường hợp đã tử vong. Hầu hết các trường hợp nhập viện đều trong tình trạng nặng. Trong đó khoảng 10 ca bị các biến chứng viêm não, viêm cơ tim.
Bệnh tay chân miệng được phát hiện từ năm 2004 do loại virus đường ruột gây nên. Các xét nghiệm sau đó tại Viện Pasteur TP.HCM cho thấy, trong 2 tuýp gây bệnh thường thấy, Enterovirus 71 thường gây biến chứng khiến trẻ tử vong. Loại virus coxsackie A16 vốn lành tính. Trẻ mắc bệnh thường dưới 5 tuổi và trẻ dưới 2 tuổi dễ bị biến chứng nặng và tử vong.
Biểu hiện bệnh thường là sốt khoảng 39 độ C, bóng nước ở miệng, tay, chân, một vài trường hợp nổi ở mông. Bệnh có dấu hiệu nặng khi trẻ giật mình khi ngủ, đi loạng choạng, mắt trợn ngược.
Theo VNE