TP.Thủ Dầu Một: Hiệu quả từ xã hội hóa hoạt động văn hóa

Cập nhật: 13-11-2019 | 08:54:27

Là địa bàn trung tâm của tỉnh với tốc độ phát triển dịch vụ cao, TP.Thủ Dầu Một ngày càng có nhiều đổi thay trong việc mời gọi xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Từ đó cơ sở vật chất, dịch vụ tốt hơn để phục vụ cho nhu cầu của người dân.


Các hoạt động thể dục thể thao cộng đồng thu hút nhiều người tham gia

Văn hóa cơ sở là một trong những hoạt động mang tính chủ đạo của ngành văn hóa và thông tin thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu trên lĩnh vực tinh thần, giải trí của người dân thông qua các hình thức hội thi, hội diễn văn nghệ, thông tin tuyên truyền, các hoạt động lễ hội dân gian... Đây cũng là hình thức tạo điều kiện cho người dân vừa là người sáng tạo, hưởng thụ một cách tích cực vừa là người bảo lưu gìn giữ những giá trị tinh thần. Công tác xã hội hóa các lĩnh vực từ văn nghệ đến thể thao, các dịch vụ vui chơi giải trí khác thời gian qua được UBND TP.Thủ Dầu Một quan tâm thực hiện tốt.

Bà Trần Mỹ Lệ, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP.Thủ Dầu Một, cho biết thực hiện chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam 10 năm từ 2010 đến 2020, Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao thành phố và 14 phường thường xuyên tổ chức hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa nghệ thuật, thông tin lưu động, vẽ tranh mỹ thuật… Trên lĩnh vực xã hội hóa, các tổ chức, cá nhân đã đầu tư vào lĩnh vực văn hóa gồm có dạy nhạc, quảng cáo, nhiếp ảnh, biểu diễn nghệ thuật, khiêu vũ, đờn ca tài tử, cửa hàng sách, mở các lớp dạy organ tại gia ở các phường, Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh, thành lập và đưa vào hoạt động các nhóm ca múa nhạc phục vụ liên hoan, tiệc cưới, sinh nhật, trang bị các khu vui chơi giải trí… Đây là điều đáng mừng bởi người dân ở các lứa tuổi có nhiều lựa chọn cho niềm đam mê của mình để theo học.

Thành phố hiện có 6 Trung tâm Văn hóa Thể thao - Học tập cộng đồng phường; 118/118 khu phố có địa điểm sinh hoạt văn hóa, đạt 100%. Thành phố cũng đang kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa như xây dựng Công viên chuyên đề tri thức, thể chất, tầm vóc Việt, Công viên chuyên đề điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật đường phố và Khu dịch vụ thể dục, thể thao phường Chánh Nghĩa. Xây dựng Công viên chuyên đề nghiên cứu, đào tạo, bảo tồn di sản văn hóa tâm linh và nhận chuyển giao đầu tư công trình Nhà tang lễ TP.Thủ Dầu Một.

Về phát triển dịch vụ văn hóa, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 800 cơ sở dịch vụ văn hóa, hoạt động văn hóa do tư nhân trực tiếp kinh doanh, gồm các loại hình như: In lụa, photocopy, cho thuê băng đĩa, karaoke, khiêu vũ, các tụ điểm hát với nhau... đang hoạt động kinh doanh. Ngoài ra còn có Trung tâm dịch vụ văn hóa tổng hợp với nhiều hạng mục, loại hình đa dạng và có tính liên hợp như: Trung tâm Hội nghị - Triển lãm (phường Hòa Phú). Công ty Cổ phần Đại Nam đầu tư xây dựng Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến cũng là một trong những “gương mặt đại diện” cho xã hội hóa văn hóa, văn nghệ, thể thao trong nhiều năm qua.

Một điều đáng mừng nữa là trên địa bàn thành phố có một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để luyện tập và thi đấu thể thao có quy mô lớn. Đó là Trung tâm Thể dục thể thao Becamex tại phường Hòa Phú với 9 sân quần vợt, 2 hồ bơi, 1 nhà thi đấu, 4 sân bóng đá 11 người, 2 sân bóng đá mini, 2 sân bóng rổ; 1 sân bóng chuyền… Công ty TNHH Toàn Thịnh Phát đầu tư xây dựng 2 sân bóng đá và 1 sân tennis. Câu lạc bộ Bóng đá mini Miền Đông đầu tư xây dựng 3 sân bóng đá mini, diện tích 3.000m2

Bằng cách làm xã hội hóa như thế này, cơ sở vật chất về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phong phú. Người dân được thụ hưởng nhiều hơn, các dịch vụ tốt hơn để họ lựa chọn.

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên