TP.Thuận An: Khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở bờ bao do triều cường

Cập nhật: 18-11-2020 | 07:59:17

 Những ngày qua, đỉnh triều trên sông Sài Gòn đạt 1,73 - 1,74m, vượt mức báo động III (1,60m) từ 0,13 - 0,14m. Triều cường đã làm nước tràn bờ, gây sạt lở một số đoạn bờ bao thuộc các tuyến kênh, rạch các phường An Thạnh, Bình Nhâm và Vĩnh Phú. Hiện chính quyền TP.Thuận An đang huy động lực lượng, phương tiện và vật tư để khẩn trương khắc phục, gia cố các đoạn bờ bao xung yếu.

 Lực lượng Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ phường Bình Nhâm đang khẩn trương khắc phục, gia cố đoạn bờ bao bị vỡ

 Chiều 17-11, trao đối với phóng viên, ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết hiện thành phố đang tập trung chỉ đạo các địa phương bị ảnh hưởng do đợt triều cường trên sông Sài Gòn gây các sự cố nước tràn bờ, sạt lở một số đoạn bờ bao các tuyến kênh, rạch tại địa phương. Theo thống kê ban đầu, đỉnh triều xảy ra vào chiều ngày 16-11 trên sông Sài Gòn đo tại Bà Lụa đạt mức 1,73m cao hơn báo động III (1,60) là 13cm. Đỉnh triều dâng cao đã làm nước tràn bờ, gây sạt lở một số đoạn bờ bao tại các phường An Thạnh, Bình Nhâm và Vĩnh Phú. Bước đầu thống kê triều cường không gây các sự cố thiệt hại về người, nhưng có 26ha bị ngập cục bộ từ 30 - 80cm khiến 520 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó phường Vĩnh Phú 300 hộ, phường Bình Nhâm 200 hộ và 20 hộ ở phường An Thạnh.

Tại phường Bình Nhâm có 3m đê bao bị vỡ khiến nước ngập trên diện tích khoảng 5ha làm 200 hộ ở khu phố Bình Phước bị ảnh hưởng. Nước ngập bất ngờ khiến một số hộ dân không kịp di dời, cơi nâng đã gây hư hỏng một số tài sản, vật dụng. Thiệt hại hiện vẫn đang được địa phương thống kê. Bà Võ Huỳnh Ngọc Thủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bình Nhâm, cho biết ngay trong chiều tối 16-11 khi đỉnh triều dâng cao gây tràn bờ, sạt lở đoạn bờ bao, địa phương đã tổ chức lực lượng cùng giúp người dân di dời tài sản, tổ chức phương tiện, vận chuyển vật tư để xử lý. Đến chiều 17-11, lực lượng địa phương vẫn đang khẩn trương khắc phục đoạn bờ bao bị vỡ.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Phụng và nhiều người dân ở khu phố Bình Phước, phường Bình Nhâm, cho biết đây là đợt triều cường gây ngập nặng ở địa phương trong vòng 10 năm trở lại. “Nước tràn vào nhà rất nhanh, khiến nhiều người dân không kịp trở tay để di dời tài sản lên cao, nhiều vật dụng sinh hoạt, giường ngủ trong nhà đã bị ngập sâu trong nước 30-50cm”, bà Phụng nói. Ông Nguyễn Hoàng Vũ, cán bộ thủy lợi phường Bình Nhâm, cho biết ngay trong chiều 16-11, lực lượng địa phương đã được huy động để hỗ trợ giúp người dân di dời tài sản những khu vực ngập sâu, đồng thời huy động phương tiện, cừ tràm, bao cát để nhanh chóng khắc phục. Tuy nhiên, triều cường đã làm trên 300m bờ bao bị nước tràn bờ, trong đó có đoạn bờ bao dài 3m, cao 2m đã bị vỡ khiến khu phố Bình Phước bị ngập nặng.

Bà Nguyễn Thị Tuyến, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Bình Dương, cho biết đỉnh triều cường vào 19 giờ 30 phút tối 16-11 tại trạm Thủ Dầu Một sông Sài Gòn (Cảng Bà Lụa) đạt mức 1,73m và tăng lên 1,74m lúc 6 giờ 10 phút ngày 17-11; cao hơn mức báo động III (1,60m) là 0,13 - 0,14m, đến 19 - 20 giờ xuống còn 1,7m.

Cũng theo bà Tuyến, dự báo đỉnh triều cường xuất hiện từ ngày 15 - 17 tháng 12- 2020 và kỳ triều cường giữa tháng 1-2021 khả năng đỉnh triều ở mức từ 1,62 - 1,67m tại Trạm Thủy văn Thủ Dầu Một. Dự báo tình hình triều cường vẫn còn nhiều diễn biến bất thường, do đó người dân thường xuyên theo dõi, xem thông tin cảnh báo triều cường trên hệ thống phát thanh, truyền hình và báo Bình Dương. Người dân và các địa phương cần chủ động gia cố đê bao, sửa chữa các đoạn đê bao xung yếu nhằm phòng, chống ngập úng cục bộ do triều cường trong các kỳ tiếp theo.

 MINH DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên