Trả lời bạn đọc

Cập nhật: 02-12-2017 | 09:09:57

Hỏi: Vợ tôi mang thai được 3 tháng và đang bị tạm giam tại Trại giam Bến Lớn. Hỏi theo quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 sắp có hiệu lực thi hành thì trường hợp của vợ tôi được hưởng chế độ như thế nào?

TRẦN MẠNH H. (TX.Tân Uyên)

Trả lời: Khoản 1 Điều 35 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) quy định về chế độ ăn, ở và quản lý đối với người bị tạm giam là phụ nữ có thai như sau:

- Người bị tạm giam là phụ nữ có thai được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai, được chăm sóc y tế, được hưởng chế độ ăn uống bảo đảm sức khỏe; nếu sinh con thì được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ hoặc bác sĩ, được cấp thực phẩm, đồ dùng, thuốc men cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh, được bảo đảm thời gian cho con bú trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ.

- Cơ sở giam giữ có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị đăng ký khai sinh. UBND cấp xã nơi cơ sở giam giữ đóng trụ sở có trách nhiệm đăng ký và cấp giấy khai sinh.

- Người bị tạm giam là phụ nữ có thai ở cùng thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu là 3 mét vuông (m2).

Như vậy, theo quy định trên, vợ anh sẽ được hưởng những quy định về chế độ ăn, ở và quản lý đối với người bị tạm giam là phụ nữ có thai.

Hỏi: Cháu tôi năm nay 17 tuổi, đã bị bắt vì thực hiện hành vi cướp giật tài sản của người đi đường và đang bị tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện Dầu Tiếng. Hỏi theo quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 sắp có hiệu lực thi hành thì trong trường hợp này gia đình tôi bao lâu được thăm cháu một lần? Mỗi lần được thăm gặp cháu tôi trong bao lâu? Tôi cần làm thủ tục gì để xin được thăm gặp cháu?

HUỲNH MINH T. (huyện Dầu Tiếng)

Trả lời: Do cháu ông là người dưới 18 tuổi đang bị tạm giam nên được áp dụng chế độ gặp thân nhân theo quy định tại Điều 34 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, như sau: Người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự quy định tại Điều 22 của luật này với số lần thăm gặp được tăng gấp đôi so với người bị tạm giam là người đủ 18 tuổi trở lên.

Căn cứ quy định trên, gia đình ông có thể thăm gặp cháu đang bị tạm giam hai lần trong một tháng, trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ.

Người đến thăm gặp phải xuất trình giấy tờtùy thân, giấy tờxác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong trường hợp là thân nhân của họ. Việc thăm gặp phải chịu sự giám sát, theo dõi chặt chẽ của cơ sở giam giữ; không làm ảnh hưởng đến các hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền; tuân thủ quy định về thăm gặp; trường hợp cơ quan thụ lý vụ án có yêu cầu thì phối hợp với cơ sở giam giữ để giám sát, theo dõi việc thăm gặp. Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm thăm gặp; thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án về việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam. (theo Khoản 2 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015).

SỞ TƯ PHÁP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên