Trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng đã đi thẳng vào vấn đề

Cập nhật: 13-06-2015 | 18:55:32

Đó là nhận xét khái quát của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sau phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Quốc hội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 13-6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận được 30 câu hỏi với 24 lượt đại biểu tham gia chất vấn trong thời gian 100 phút.

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết Phó Thủ tướng đã đi thẳng vào vấn đề đặt ra.

Theo Chủ tịch Quốc hội, có những nội dung còn phải tiếp tục làm thêm mới có kết quả nhưng các vấn đề Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra cùng với báo cáo bổ sung đã làm rõ thêm mặt đạt được cũng như mặt tồn tại trong điều kiện đất nước ta chuẩn bị hội nhập để khắc phục.

Khắc phục tình trạng cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến (Quảng Trị) bày tỏ bức xúc về một số cán bộ, công chức Nhà nước vô cảm với nhân dân. Theo đại biểu, gần đây xuất hiện một bộ phận cán bộ “quên hẳn trong bộ nhớ hai từ 'cảm ơn', 'xin lỗi'”, rồi làm khó người dân. Về vấn đề này, Chính phủ có giải pháp nào để cải cách chế độ công vụ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nước ta có gần 4 triệu người trong bộ máy phục vụ nhân dân, nếu đội ngũ này làm tốt thì sẽ đưa được chủ trương của Đảng và Nhà nước tới nhân dân. Tuy nhiên, một bộ phận trong số này còn xa dân, quan liêu. Vấn đề này liên quan đến đạo đức công vụ.

Theo Phó Thủ tướng, ngoài Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức cũng như nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, tới đây Chính phủ sẽ có chế độ thanh tra, kiểm tra, xây dựng vị trí việc làm, giảm biên chế, tổ chức thi tuyển đề tìm cán bộ tốt phục vụ nhân dân, có đánh giá kịp thời để đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ không tốt và từng bước tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Trả lời chất vấn lại của đại biểu Tiến về dư luận nêu có hiện tượng công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, Phó Thủ tướng cho biết đây là vấn đề phải quản lý, giáo dục, thanh tra kiểm tra chặt chẽ của cơ quan chức năng và sự giám sát của nhân dân để sàng lọc. Tới đây sẽ tiếp tục có những biện pháp quyết liệt để tinh giản biên chế, loại những người không đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức ra khỏi bộ máy Nhà nước để đáp ứng mong mỏi của nhân dân.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đặt câu hỏi tại sao việc thi tuyển lãnh đạo của một số bộ, ngành như GTVT, Tư pháp được hoan nghênh nhưng chưa triển khai rộng rãi.  Phó Thủ tướng cho biết, việc thi tuyển sẽ nhằm lựa chọn những cán bộ có năng lực, trình độ vào bộ máy Nhà nước. Hiện nay, Bộ Chính trị đã có chủ trương về minh bạch, công khai, hiệu quả việc thi tuyển.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chất vấn về tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật mấy tháng gần đây có dấu hiệu gia tăng và đề nghị xác định rõ trách nhiệm để xảy ra tình trạng này.

Không né tránh câu hỏi, Phó Thủ tướng nói rõ: Trách nhiệm trước hết là của Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Hiện tại số văn bản nợ đọng lên tới 67 văn bản. Qua chất vấn, ghi nhận ý kiến của đại biểu để từng bước xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành nhằm hạn chế tình trạng này để luật đi vào cuộc sống.

Đề nghị các cơ quan, đoàn thể cùng giám sát

Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) chất vấn về các giải pháp đối với tình trạng khai thác và xuất khẩu trái phép khoáng sản hiện nay. Phó Thủ tướng nhấn mạnh những năm gần đây, công tác quản lý, khai thác và xuất khẩu khoáng sản có nhiều tiến bộ bởi đã có những chấn chỉnh quyết liệt từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ TN&MT và các địa phương có chế tài mạnh mẽ hơn trong vấn đề này, nhất là việc xem xét, cho phép khai thác khoáng sản cũng như cấm xuất khẩu khoáng sản thô.

Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân vào cuộc cùng giám sát nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý khoáng sản thời gian tới.

Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) có ý kiến liên quan đến việc chúng ta đã có chủ trương phát triển ngành Điện lực cạnh tranh nhưng chưa thấy triển khai, khả năng thực hiện có đạt lộ trình và mục tiêu đặt ra hay không?

Phó Thủ tướng nói rõ: Phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh và bán lẻ cạnh tranh là lộ trình phát điện cạnh tranh. Khi xã hội hóa, người mua điện có thể lựa chọn nhà cung cấp như thủy điện, nhiệt điện.

Ngay tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Công Thương, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần tìm ra giải pháp đột phá để thực hiện chủ trương này có hiệu quả.

Xét xử nghiêm cán bộ thoái hóa, biến chất

Đề cập đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, với tư cách là người đứng đầu Ban Chỉ đạo quốc gia 389, Phó Thủ tướng cho biết: Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng và đạt kết quả đáng khích lệ trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, thu về cho ngân sách Nhà nước hơn 18 nghìn tỷ đồng…

Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương cũng phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ có hành vi bao che, tiếp tay cho buôn lậu hay tiêu cực, nhũng nhiễu, từng bước hạn chế thấp nhất tình trạng này.

Đối với một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ đưa hàng Việt Nam bảo đảm chất lượng xuống nông thôn mà trà trộn hàng kém chất lượng để bán cho nông dân thì trách nhiệm của các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, cảnh sát phải kịp thời phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh những đối tượng này.

Đối với vấn nạn tin nhắn rác từ các thuê bao di động, Phó Thủ tướng cho hay: Cần có giải pháp căn cơ, tập trung quản lý  đầu vào (sim điện thoại) với các chế tài mạnh mẽ hơn. 8 doanh nghiệp cung cấp mạng phải chịu trách nhiệm trong việc này vì chúng ta đang có hơn 100 triệu thuê bao di động và 8 triệu thuê bao internet.

Quan điểm của Chính phủ đã rõ

Về phòng chống tham nhũng, bày tỏ hài lòng với phần trả lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) cho biết Phó Thủ tướng đã nói trúng các vấn đề, nói rõ được Chính phủ đã và phải làm những gì.

Cùng vấn đề này, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) cho rằng chúng ta thấy rất rõ trong quá trình chỉ đạo, điều hành thời gian qua.

Phần trả lời của Phó Thủ tướng cho thấy Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Tuy nhiên lĩnh vực này cũng cần có quá trình thực tiễn để đạt được hiệu quả cao hơn nữa.

Về “việc Hà Nội chặt cây xanh” và việc lấp sông Đồng Nai, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho biết Chính phủ đã thể hiện rõ quan điểm.

Theo Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên