Kể từ ngày 1-7, TP.HCM (mới) chính thức đi vào hoạt động, vì vậy trang web tạm ngừng cập nhật thông tin để chờ hướng dẫn. Trong thời gian này mọi thông tin liên quan đến địa bàn Bình Dương (cũ) sẽ được cập nhật trên báo Sài Gòn Giải Phóng và các ấn phẩm, nền tảng liên quan. Trân trọng!

Trách nhiệm và ý thức cá nhân

Thứ hai, ngày 11/01/2021
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Mặc dù đã ngăn chặn được dịch bệnh Covid-19 xâm nhập, nhưng thiệt hại mà dịch bệnh để lại với nền kinh tế - xã hội Việt Nam là không hề nhỏ. Hậu quả có thể nhìn thấy trước mắt là nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh sản xuất, kinh doanh đình đốn, người lao động mất việc làm, nhiều gia đình mất nguồn thu nhập, học sinh gián đoạn việc đến trường, nguy cơ tái nghèo tăng cao… Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê, trong năm 2020 dịch bệnh Covid-19 đã đẩy hơn 1,3 triệu người vào tình trạng không có việc làm, đa phần người mất việc làm đều trong độ tuổi lao động. Nếu tính về thu nhập, năm 2020 mỗi lao động giảm 215.000 đồng/tháng. Thiệt hại về kinh tế là những con số cụ thể có thể sớm được khắc phục, nhưng thiệt hại về sức khỏe là không thể cân đo và để lại hậu quả nặng nề, dai dẳng, là nỗi đau tinh thần khó có thể bù đắp của mỗi gia đình. Hãy nghĩ, chúng ta vô cùng may mắn khi được sống tại một quốc gia mà Chính phủ luôn quan tâm đến sức khỏe của người dân. Với lá chắn “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ đã đem lại sự bình an cho mọi gia đình trên đất nước này trước tình hình dịch bệnh chưa từng có trong lịch sử. Hãy nhìn, số người lây nhiễm và số ca tử vong do dịch bệnh Covid-19 gây ra tại một số quốc trên thế giới. Từ những con số đó, chúng ta có thể hình dung nỗi đau mà người dân những quốc gia này đang gánh chịu. Hãy so sánh, Việt Nam tuy chưa giàu, nhưng Chính phủ luôn quan tâm để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Một đất nước tuy nhỏ bé, không mạnh về kinh tế nhưng có thừa năng lực để ứng phó hiệu quả với dịch bệnh. Lời bài hát “Khát vọng tuổi trẻ” của nhạc sĩ Vũ Hoàng vẫn còn vang vọng: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc”. Hãy nghe, hãy nhìn và hãy so sánh những việc mà Tổ quốc đã làm cho mỗi gia đình để thấy Tổ quốc đã cho ta quá nhiều. Vậy chúng ta “phải làm gì cho Tổ quốc” để đưa đất nước này tiến lên trong tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp? Câu trả lời đơn giản là hãy nâng cao trách nhiện và ý thức cá nhân đối với cộng đồng. Dịch bệnh chưa biết đến bao giờ mới dứt, nên đừng đem thêm nỗi rắc rối đến với đất nước này thông qua việc trở về bằng đường mòn, lối mở xuyên biên giới. Mỗi gia đình có người thân trở về từ nước ngoài cần nhanh chóng khai báo để được cách ly. Tổ quốc luôn giang rộng vòng tay chào đón những người con xa xứ. Về với đất mẹ xin hãy đàng hoàng ngẩng cao đầu để dịch bệnh không có điều kiện lây lan.

LÊ QUANG