Lần đầu tiên, các nhà khoa học chứng kiến trái đất tự liền lại sau một trận động đất, giống như việc cơ thể tự lành lại sau khi bị thương.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ công bố trên tạp chí Science tuần trước cho thấy, chỉ trong vòng hai năm - nếu xét về thời gian địa chất thì giống như sau một cái chớp mắt, các vết nứt trên bề mặt trái đất sau động đất có thể được nối liền lại qua quá trình tự hàn gắn.Các vết nứt gãy hình thành trên bề mặt trái đất sau khi động đất xảy ra. Ảnh: personal.psu.edu
Quá trình động đất xảy ra khiến bề mặt trái đất xẻ toang thành nhiều vết nứt gãy. Nhóm dự án nghiên cứu trận động đất mạnh 7,9 độ Richter tại Vấn Xuyên, Trung Quốc năm 2008 đã tìm dấu tích của quá trình tự liền lại của trái đất, thông qua việc khoan hàng loạt các lỗ sâu dưới lòng đất dọc theo các vùng nứt gãy. Kết quả, chất lưu (gồm chất nước và chất khí) được sinh ra để làm liền các vết nứt của trái đất, tương tự như việc máu đông lại để làm lành các vết thương.
Dự án khoan lòng đất vì mục đích nghiên cứu khoa học sau trận động đất ở Vấn Xuyên, Trung Quốc được người dân Trung Quốc ủng hộ. Dự án bắt đầu thực hiện chỉ 178 ngày sau khi trận động đất diễn ra ngày 12/5/2008, thảm họa cướp đi sinh mạng của 80.000 người.
Trong vòng 18 tháng, nhóm dự án theo dõi độ thấm nước của vùng đất bị nứt gãy. Họ thấy rằng, dần dần, độ thẩm thấu chất lưu tại vùng nứt gãy giảm đi. Theo các chuyên gia, các lỗ hở và vết nứt được lấp đầy bởi các khoáng chất do chất lưu tích tụ lại tạo nên, hoặc vết hở trên bề mặt trái đất, theo thời gian nó bị co ép và khép kín lại khiến cho độ thấm nước giảm dần.
Emily Brodsky, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, quá trình giảm độ thẩm thấu nước xảy ra nhanh hơn nhóm dự đoán, lý do chính là sự tự hàn gắn nhanh chóng của bề mặt trái đất. Tuy nhiên, bà chưa đưa ra lời giải thích rõ ràng về sự tự hàn gắn đó diễn ra như thế nào.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chấn động từ các trận động đất lớn khác xảy ra cách xa khu vực bị nứt gãy cũng gây ảnh hưởng, khiến các vết hở bị nứt rộng thêm, ví dụ điển hình là trận động đất ở Nhật tháng 3/2011 và trận động đất mạnh 7,8 độ Richter ở Sumatra tháng 4/2010.
"Điều này thực sự thôi thúc chúng tôi quay lại và tiếp tục nghiên cứu về độ căng động lực học của trái đất”, ông Chris Marone, nhà địa vật lý tại Đại học bang Pennsylvania của Mỹ nói.
(Theo VNE)