Trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng: Là bảo vệ môi trường sống

Cập nhật: 12-05-2011 | 00:00:00

Nước ngầm là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu của con người. Thời gian gần đây, nguồn nước ngầm ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường; tác nhân gây ô nhiễm phát sinh từ tự nhiên và nhân tạo...

Ô nhiễm nguồn nước đến mức báo động...

Các nhà chuyên môn phân tích, ô nhiễm nước có nguồn gốc tự nhiên chủ yếu do mưa, gió bão, lũ lụt đưa vào môi trường nước chất thải bẩn, các sinh vật và vi sinh vật có hại kể cả xác chết. Còn ô nhiễm nước có nguồn gốc nhân tạo là do quá trình thải các chất độc hại chủ yếu dưới dạng lỏng như các nước thải sinh hoạt, phân rác, xác chết động vật, công nghiệp, nông nghiệp vào môi trường nước... Các chất bẩn nguồn gốc tự nhiên và nhân tạo sẽ thấm qua các giếng hư hỏng, không sử dụng được và từng bước xâm nhập vào tầng chứa nước.

Giếng đào và giếng khoan của người dân đang sử dụng

Trao đổi với chúng tôi, cán bộ Phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm có nhiều tác hại đối với cuộc sống, sức khỏe con người. Trên thực tế, nhiều người đã sinh bệnh do sử dụng nguồn nước ô nhiễm nhưng không biết. Tác hại các chất gây ô nhiễm thường gặp trong nước gồm có chì (sinh ra bệnh thận, thần kinh); amoni, nitrat, nitrit (bệnh xanh da, thiếu máu, gây ung thư); asen (bệnh dạ dày, bệnh ngoài da, hàm lượng nhiều gây tử vong); natri (bệnh cao huyết áp, tim mạch); lưu huỳnh (bệnh về đường tiêu hóa); kali cadimi (bệnh thoái hóa cột sống, đau lưng); titan (đau thần kinh, thận, hệ bài tiết); kẽm (bệnh viêm xương, thiếu máu); sắt chì, cadimi, asen, thủy ngân (khó thở, đau thần kinh, rối loạn hệ bài tiết).

Các chất gây ô nhiễm trong nước còn có hợp chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, diệt côn trùng, diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo quản, phốt- pho... (gây ngộ độc, viêm gan, nôn mửa, tiếp xúc lâu dài sẽ gây ung thư nghiêm trọng các cơ quan nội tạng); vi trùng các loại (gây bệnh như các loại ký sinh trùng bệnh tả, lỵ, thương hàn, sốt rét, siêu vi khuẩn viêm gan B, siêu vi khuẩn viêm não Nhật Bản, giun đỏ, trứng giun); gỉ sét, chất thải, cát, đất (làm đau gan, dạ dày, thận, rối loạn chức năng các cơ quan nội tạng)...

Lời khuyên của nhà chuyên môn

Trước thực trạng này, các nhà chuyên môn đã có lời khuyên đối với người dân, để hạn chế việc gây ô nhiễm nguồn nước ngầm do các chất bẩn từ trên thấm vào tầng nước ngầm thông qua những giếng khoan hoặc giếng đào bị hư hỏng, không sử dụng, các giếng đó cần trám lấp theo một quy trình cụ thể. Đối với giếng đào, nên sử dụng vật liệu đất sét trám lấp từ dưới đáy lên, trám lấp từng đoạn, sau mỗi đoạn khoảng 2m thì đầm nén chặt. Công việc cứ tiếp tục cho đến khi lấp đầy miệng giếng. Đối với giếng khoan, nếu giếng có đường kính từ 90mm trở lên, vật liệu trám lấp phải có tính thấm nước kém hoặc không thấm nước, cụ thể như hỗn hợp vữa (vữa xi măng, vữa xi măng trộn với sét tự nhiên hoặc bentonit, vữa bentonit, sét tự nhiên); vật liệu dạng viên (sét tự nhiên dạng viên, vật liệu dạng viên khác có tính thấm nước, trương nở tương đương với sét); không sử dụng nước thải, nước bẩn, nước mặn, các loại chất độc hại và các hóa chất gây ô nhiễm môi trường để trộn vữa, làm phụ gia hoặc vật liệu trám lấp.

Khi trám lấp, chú ý thực hiện trám lấp từng đoạn, từ dưới lên trên, bắt đầu từ đáy giếng, ít nhất 10m trên cùng của giếng phải được trám lấp bằng hỗn hợp vữa xi măng với nước, miệng giếng phải được đổ bê tông với kích thước lớn hơn 0,3m so với đường kính miệng giếng; trường hợp sử dụng hỗn hợp vữa dạng lỏng phải bảo đảm vữa được dẫn qua ống tới độ sâu của từng đoạn trám lấp bằng bộ dụng cụ, thiết bị phù hợp; trường hợp sử dụng vật liệu dạng viên phải bảo đảm không tạo thành nút ở trong giếng; vật liệu được đổ từ từ, khối lượng phù hợp với thể tích của từng đoạn, kết thúc mỗi đoạn trám phải đầm, nén vật liệu bằng bộ dụng cụ thích hợp, chiều dài mỗi đoạn trám không quá 10m.

Nếu giếng khoan có đường kính 60mm trở xuống có thể trám lấp đơn giản như pha trộn hỗn hợp lỏng bao gồm xi măng, nước; dùng phễu đưa hỗn hợp dung dịch vào giếng từ từ cho đến khi đầy miệng giếng khoan, sau đó trên mặt đất sẽ được đổ bệ xi măng để kết thúc quá trình trám lấp. 

Trám lấp giếng hư hỏng nhằm bảo vệ tốt môi trường

Để góp phần trám lấp hết những giếng hư hỏng, không sử dụng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thống kê danh sách các giếng cần phải trám lấp và gửi đến UBND các xã. Cán bộ Phòng Tài nguyên nước cho biết thêm, dự kiến đến cuối tháng 5 này, sở tiến hành tập huấn cho cán bộ xã về kỹ thuật trám lấp giếng. Vấn đề này cũng đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương hỗ trợ cán bộ xã làm công tác vận động, giám sát với 30.000 đồng/giếng trên tổng số 6.100 giếng.

Thực hiện việc trám lấp giếng hư hỏng là nhằm bảo vệ môi trường nước dưới đất là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân. Mỗi hộ gia đình, mỗi tổ dân phố... thực hiện tốt việc trám lấp giếng hư hỏng là thực hiện tốt chủ trương, chính sách Nhà nước. Đây cũng là một trong những tiêu chuẩn xét gia đình văn hóa ở địa phương thực hiện hàng năm.

MAI HUY

Theo kết quả điều tra của Phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương, toàn tỉnh hiện có 6.433 giếng hư hỏng, không sử dụng cần trám lấp, trong đó có 1.315 giếng khoan và 5.118 giếng đào. Trong tổng số giếng hư hỏng, không sử dụng trên có 333 giếng thuộc đối tượng hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được UBND tỉnh hỗ trợ trám lấp, còn lại 6.100 giếng chưa được trám lấp (1.249 giếng khoan, 4.851 giếng đào).

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên