KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG BINH CHỦNG ĐẶC CÔNG (19.3.1967 - 19.3.2016)

Trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên: Khai sinh lối đánh đặc công

Cập nhật: 19-03-2016 | 08:26:07

Bằng lối đánh thần kỳ, sáng tạo, đêm 18 rạng sáng ngày 19-3-1948, du kích Chiến khu Đ đã đánh sập tháp canh cầu Bà Kiên (nay thuộc phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên) đã làm nức lòng chiến sĩ và nhân dân lúc bấy giờ. Từ đây, lối đánh đặc công chính thức được khai sinh, trở thành lối đánh đặc biệt trong nghệ thuật quân sự của lực lượng vũ trang Việt Nam.

 Trong hàng trăm trận đánh trên vùng đất Chiến khu Đ anh dũng, có một trận đánh đặc biệt, thể hiện cho tinh thần mưu trí sáng tạo, quyết đánh, quyết thắng của lực lượng ta. Đó chính là trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên gắn liền với tên tuổi của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Trần Công An. Người con của vùng đất Chiến khu Đ kiên cường này tên thật là Trần Văn Kìa, hay còn được gọi là Hai Cà. Thời điểm đó, trên chiến trường miền Đông Nam bộ, thực dân Pháp thực hiện chiến thuật Đờ La-tua, xây dựng hàng ngàn đồn bót, tháp canh trên các trục lộ nhằm mục đích bảo vệ đường giao thông, cắt đứt giao thông liên lạc đường bộ của lực lượng kháng chiến; đồng thời dùng hệ thống tháp canh như một phương tiện lấn chiếm, kiểm soát vùng du kích và căn cứ của ta. Là phương tiện bố phòng nên quân Pháp cho xây dựng các tháp canh kiên cố. Tháp có hình vuông, mỗi cạnh từ 4 - 5m, tường dày từ 0,5 - 0,8m, cao từ 8 - 10m, được xây bằng đá hoặc gạch nung. Xung quanh tháp canh được bao bọc bởi lũy đất dày, có nhiều lỗ châu mai, hàng rào kẽm gai và chông mìn dày đặc… Mỗi tháp canh được bố trí cách nhau khoảng 1km để có thể báo hiệu và chi viện cho nhau nếu bị tấn công. Đan xen vào hệ thống tháp canh nhỏ có tháp canh lớn, còn gọi là tháp canh mẹ, cao từ 10 - 12m do một tiểu đội quân Pháp đóng giữ. Tháp canh mẹ được bố trí hỏa lực rất mạnh và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác liên lạc, chỉ huy.

Để tưởng nhớ chiến công ngày 19-3-1948, TX.Tân Uyên đã xây dựng bia tưởng niệm trong khuôn viên 1.800m2. Bia tưởng niệm khắc bức phù điêu 3 chiến sĩ du kích công đồn để nhắc nhở thế hệ sau về chiến công vang dội của du kích Chiến khu Đ, về nơi đã khai sinh ra lối đánh đặc công của quân đội ta. Ảnh: C.SƠN

Khó khăn lớn nhất của lực lượng ta lúc đó là chưa có một loại vũ khí nào phá nổi tường kiên cố của các tháp canh. Vì vậy ta xác định, muốn đánh thắng trước tiên phải dùng mưu trí và lòng dũng cảm kết hợp với các loại vũ khí cải tiến, dám đánh và đánh thắng địch. Vì vậy, khi nhận lệnh của Ban Chỉ huy Huyện đội Tân Uyên phải đánh thắng tháp canh cầu Bà Kiên để mở đầu cho các trận đánh tháp canh tiếp theo, Đại tá Trần Công An và các đồng đội trong đội du kích miệt mài ngày đêm vất vả luyện tập cùng nghiên cứu địa hình tháp canh. Sau một thời gian luyện tập nhuần nhuyễn, đêm 18, rạng sáng 19-3-1948, Đại tá Trần Công An chỉ huy một tổ gồm 2 du kích Trần Văn Nguyên và Hồ Văn Lung bí mật xâm nhập trận địa. Phía bên ngoài, ông cử 2 du kích Nguyễn Văn Ai và Trần Văn Hỏi làm nhiệm vụ cảnh giới. Nhờ ngụy trang tốt và giữ được yếu tố bất ngờ, cả 3 người xâm nhập thành công vào trận địa cùng với chiếc thang dùng để leo tường.

Theo sự phân công, du kích Nguyên leo lên tầng tháp trên, du kích Lung leo lên tầng giữa, ông Hai Cà ở tầng dưới vừa đánh vừa chỉ huy, mỗi người thống nhất ném vào mỗi lỗ châu mai 3 quả lựu đạn. Sau khi ném 3 quả lựu đạn, nghi bọn địch chưa chết hết, ông Trần Công An còn bồi thêm một khối thuốc nổ. Sức nổ quá mạnh khiến ông bị thương, nhưng trận đánh đã giành thắng lợi lớn, ta tiêu diệt 11 tên địch, thu 8 súng và 20 lựu đạn. Sau trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên thắng lợi, Ban Chỉ huy Tỉnh đội và Huyện đội Tân Uyên đánh giá: “Trận đánh cầu Bà Kiên đã mở ra một hình thức tác chiến mới dựa vào dân, nắm chắc địch tình, nắm chắc mục tiêu và cách bố phòng của chúng, chỉ dùng lực lượng rất ít, đánh lực lượng địch đông, với ý chí chiến đấu và tinh thần dũng cảm, gan dạ, mưu trí, tấn công bất ngờ là địch trở tay không kịp, qua kinh nghiệm này, ta có khả năng đánh phá đồn bót của địch nhiều nơi ở chiến trường miền Đông Nam bộ”. Tỉnh đội Thủ Biên phát động thi đua cho dân quân du kích toàn tỉnh học tập và quyết tâm thực hiện.

Trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên với cách đánh bất ngờ, lấy ít đánh nhiều đã khai sinh ra lối đánh đặc công của lực lượng ta và vùng đất Tân Uyên - Chiến khu Đ trở thành nơi khởi phát của cách đánh này. Du kích Tân Uyên về sau thành lập đại đội bộ đội địa phương Nguyễn Văn Nghĩa, được công nhận là đại đội đặc công đầu tiên của cả nước. Sau này, ngày chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên 19-3 được lấy làm ngày truyền thống bộ đội đặc công. Lời huấn thị nhân ngày thành lập Binh chủng Đặc công 19- 3-1967 của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt”. Bác Hồ còn tặng cho Binh chủng Đặc công 4 câu nhân dịp về thăm binh chủng: “Đặc biệt tinh nhuệ. Anh dũng tuyệt vời. Mưu trí táo bạo. Đánh hiểm thắng lớn”.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên