Tranh chấp lao động tập thể và đình công: Giảm so với cùng kỳ năm 2011

Cập nhật: 03-08-2012 | 00:00:00

Sáng qua 2-8, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp nghe Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo tình hình tranh chấp lao động tập thể và đình công (TCLĐTT-ĐC) 7 tháng đầu năm 2012 và những giải pháp hạn chế. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã chủ trì cuộc họp. Trong 7 tháng đầu năm 2012, với nỗ lực của các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh, cũng như sự phối hợp của các doanh nghiệp, tình hình TCLĐTT-ĐC đã giảm 17% so với cùng kỳ năm 2011. Cụ thể, đã xảy ra 192 vụ TCLĐTT-ĐC (trong đó có 112 vụ ĐC và 80 vụ TCLĐTT) với khoảng 101.000 người tham gia. Theo ý kiến của các đại biểu, nguyên nhân xảy ra các vụ TCLĐTT-ĐC chủ yếu do người sử dụng lao động chưa chấp hành các quy định của pháp luật lao động dành cho người lao động (NLĐ). Về phía NLĐ, do giá cả sinh hoạt tăng nhanh, mức lương không đủ trang trải các chi phí, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên NLĐ ĐC yêu cầu doanh nghiệp (DN) tăng lương, tăng trợ cấp, cải thiện bữa ăn...

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung, đề nghị các ngành chức năng có liên quan cần đề ra chương trình cụ thể để hạn chế TCLĐTT-ĐC, như: thường xuyên tổ chức đối thoại giữa DN với NLĐ; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động tại các DN, nhằm phát hiện sớm các vi phạm, kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN; tổ chức gặp gỡ tổng lãnh sự các nước có DN tại Bình Dương để phối hợp tuyên truyền việc thực hiện pháp luật của DN đối với NLĐ; nghiên cứu các đối tượng thường xuyên kích động NLĐ ĐC để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên