Tránh lãng phí thức ăn!

Cập nhật: 13-12-2019 | 09:30:20

Một trong những thứ lãng phí mà người viết luôn cảm thấy tiếc và có phần… áy náy cho chủ nhân bữa tiệc đó là việc lãng phí thức ăn. Điều này thật sự cần được nhìn nhận, tính toán lại sao cho không còn xảy ra nữa. Cuộc sống còn có vô số người khó khăn nên khi nhìn thấy sự thừa mứa, thực phẩm ngon lành bị bỏ không dùng tới thật đáng tiếc.

Chủ nhân một bữa tiệc cho biết khách mời hôm đó hơn 400 người. Dù đã chủ động giảm bớt 100 khách, nhà bếp chuẩn bị 30 bàn ăn (10 người/bàn) nhưng số bàn ăn bị dư lại rất nhiều. Lý do là người tham dự ra về sớm, không ở lại dùng bữa. Những người phục vụ từ tiếp tân đến nhà bếp phải đem thức ăn đi cho nếu không sẽ bị hư. Nhìn số bàn ăn còn để lại ai cũng… xót xa về sự lãng phí cũng như công sức họ đã bỏ ra.

Vào dịp cuối năm cũ, đầu năm mới, rất nhiều tiệc, liên hoan… diễn ra và chuyện ăn uống thừa mứa, lãng phí sẽ “đến hẹn lại lên”! Ban tổ chức, chủ nhân các bữa tiệc lại sẽ “đau đầu” tính toán sao cho không lãng phí thức ăn, chỉ chuẩn bị ở mức vừa đủ. Tuy nhiên, tâm lý sợ thiếu, sợ bị khách chê bai sẽ khiến họ “thà dư một chút còn hơn thiếu hụt” và kết quả lại là dư thừa thức ăn!

Nhiều nơi đã có cách làm hay là khách mời nhắn tin xác nhận có tham dự tiệc hay không để ban tổ chức chuẩn bị đón tiếp để vừa chu đáo, vừa tránh lãng phí. Việc ăn uống cũng nên đơn giản, gọn nhẹ chớ có cầu kỳ, bày vẽ! Có như thế thì cảnh ê hề, thừa mứa thức ăn trên những bàn tiệc vắng khách may ra được giảm bớt.

Tiết kiệm, tránh lãng phí từ chuyện ăn uống thực ra không phải là chuyện nhỏ. Đó là chuyện văn hóa trong lối sống hàng ngày của mỗi người vậy!

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên