Tranh luận nảy lửa về giá xăng dầu

Cập nhật: 21-09-2011 | 00:00:00

Tranh luận nảy lửa đã diễn ra giữa một bên là lãnh đạo Bộ Tài chính, và bên kia là lãnh đạo Bộ Công Thương và doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu về cách điều hành giá xăng dầu trong nước.

>>> Xem video clip

 Người tiêu dùng đòi hỏi giá xăng dầu phải minh bạch

Tại buổi hội thảo về giá xăng dầu tổ chức sáng 20-9 tại Hà Nội, theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, ngoài số tiền lãi 300 đồng/lít xăng là định mức cố định mà nhà nước đồng ý cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu thì các doanh nghiệp này còn lãi 780 đồng/lít xăng vào thời điểm ngày 26/8/2011 khi Bộ Tài chính có Thông báo số 225/BTC-QLG về việc điều hành kinh doanh xăng, dầu. Theo thông báo này, giá xăng giảm 500 đồng/lít, dầu giảm 300 đồng/lít.

Ông Huệ nói: “Lúc đó tôi đã mời anh Bảo (Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Petrolimex) đến hỏi một câu, có giảm được không? Anh Bảo bảo giảm được”.

Tuy nhiên, Ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Petrolimex, công ty kinh doanh xăng dầu nắm tới 60% thị phần ở Việt Nam, đã phản ứng điều này. Ông Bảo nói cắt lời Bộ trưởng Tài chính: “Không bao giờ tôi nói thế, làm sao tôi biết tôi lãi bao nhiêu được!”.

Dọa “vỡ” hệ thống

Ông Bùi Ngọc Bảo cho biết, Petrolimex dự kiến lỗ 200 tỉ đồng trong riêng tháng 9, và đã lỗ 1.800 tỉ đồng trong 8 tháng đầu năm.

Trong năm 2010, doanh nghiệp này lỗ 172 tỉ đồng từ kinh doanh xăng dầu, nhưng nộp ngân sách nhà nước 23.269 tỉ đồng.

Ông nói: “Chúng tôi không nói dối về giá được, vì giá xăng dầu là minh bạch nhất trong tất cả các mặt hàng”.

Chung quy lại, Petrolimex đã chịu lỗ khi kinh doanh xăng dầu suốt từ năm 2006 đến nay.

Ông Bảo và đại diện một số công ty nhập khẩu xăng dầu lớn có mặt tại hội thảo được sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ Công Thương, cơ quan chịu trách nhiệm phân phối, lưu thông xăng dầu trên toàn quốc.

Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Nguyễn Lộc An nói: “Bộ Tài chính bị làm sao mà nói doanh nghiệp lãi thế!”. Theo ông An, đến hôm qua (19-9), các doanh nghiệp vẫn lỗ 1.100 đồng/lít xăng.

Ông An cho biết, cho đến trước khi Bộ Tài chính có Thông báo 225 về giảm giá xăng dầu thì các doanh nghiệp nhập khẩu đang lỗ. “Như vậy là so với pháp lệnh giá thì không có căn cứ nào để giảm giá xăng".

Ông An kể ông đến thăm kho Nhà Bè hôm thứ Bảy vừa qua thì thấy thấy nguồn hàng xăng dầu đang cạn kiệt.

Ông An dọa Bộ Tài chính: “Nếu điều hành theo kiểu này thì từ giờ đến cuối năm là hệ thống kinh doanh xăng dầu sẽ vỡ. Đây là do con người chứ không phải chính sách sai”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nói thêm: “Ông Vũ Văn Ninh (khi còn làm Bộ trưởng Tài chính) có nói rằng, nguyên tắc cơ bản là để doanh nghiệp không bị lỗ, nhưng tôi thật xấu hổ đến ngày hôm nay, tôi chẳng biết nói gì với các doanh nghiệp cả”.

Ông Tú nói tiếp: “Tức là chúng ta nói và lờ, hứa với doanh nghiệp rất nhiều… nhưng nay thì thích dùng tay chân hơn dùng đầu vì chỉ thích dùng biện pháp hành chính không dùng biện pháp kinh tế”.

“Hệ quả từ cách điều hành chính sách này là tạo cho dư luận hiểu lầm là kinh doanh xăng dầu hời lắm, và quan chức theo đó cũng lời lắm”.

“Quả bóng” thuộc sân Bộ Công Thương

Bộ trưởng Vương Đình Huệ tỏ ra khá rắn rỏi sau khi nghe tất cả các ý kiến.

Ông nói, từ sau khi ký Thông báo 225, ông chưa nhận một văn bản nào của 11 đầu mối nhập khẩu xăng dầu xin từ bỏ nhập khẩu xăng dầu vì quá lỗ. Ông nói thẳng: “Nếu anh nào không tham gia cuộc chơi này, thì nhà nước sẵn sàng”.

Ông bảo vệ Thông báo 225: “Tôi khẳng định lại, điều này hoàn toàn đúng Nghị định 84 (về quản lý giá xăng dầu) và pháp lệnh giá.”

Ông nói tiếp: “Mà Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp là phải làm việc này, Phó thủ tướng trực tiếp chỉ đạo việc này. Tôi gặp Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội để tham khảo. Và tôi nói là giảm được.”

“Nếu chúng ta không giảm giá xăng dầu, làm sao chúng ta giữ được mức CPI (chỉ số giá tiêu dùng), và có điều  kiện để giảm lãi suất để ổn định kinh tế vĩ mô?”.

Ông nói, trong bối cảnh chỉ 3 doanh nghiệp Petrolimex, PV Oil và Petro Sài Gòn đã chiếm 90% thị phần, thì không thể để giá xăng dầu theo thị trường tự do.

Ông nói: “Muốn theo cơ chế thị trường, thì phải có thị trường cạnh tranh đã chứ. Nếu để doanh nghiệp chủ động giá, thì điều gì sẽ xảy ra?”

Ông kết luận: “Chúng tôi làm việc và điều hành có trách nhiệm, không phải vì 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, mà vì cả nền kinh tế và hơn 86 triệu người tiêu dùng xăng dầu trên lãnh thổ  này”.

Theo TBKTSG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên