Ngành y học cổ truyền thường tâm đắc với câu “thông tắc bất thống, thống tắc bất thông”, nghĩa là từa tựa như kẹt xe, hễ thông thì không đau, còn đã đau thì phải có nơi nào đó trong cơ thể đang kẹt . Thầy thuốc Đông hay Tây y đều hiểu về mối liên hệ mật thiết giữa tình trạng đau nhức và rối loạn tuần hoàn vi mạch. Dòng máu trong mạch tất nhiên không thể loãng như nước lã mà phải có độ nhớt cần thiết cho tiến trình hoán chuyển dưỡng chất.
Trong mọi trường hợp, tế bào khó tiếp nhận đủ dưỡng khí khi độ nhớt của máu quá cao khiến máu chảy chậm rề rề. Nói cách khác, dòng máu loãng vừa phải là phương tiện đơn giản để cơ thể lâu già, ít bệnh.
Có lẽ vì thế mà Lý Thời Trân (danh y đồng thời là nhà dược học nổi tiếng thời nhà Minh, Trung Quốc) đã không ngần ngại xếp nấm mèo vào nhóm thuốc bổ có công năng đến độ “cải lão hoàn đồng”. Nghe qua tưởng chừng như cường điệu nhưng nhờ nhiều công trình nghiên cứu vào cuối thế kỷ XX mới biết thầy thuốc họ Lý hoàn toàn có lý.
Rồi từ phát hiện tình cờ của GS-TS Vitor Gurewich (ĐH Y khoa Tufts, Mỹ) về tác dụng làm loãng máu của nấm mèo mà loại nấm này được nghiên cứu tận tình ở Mỹ và nhiều nước châu Âu, với mục tiêu tìm thuốc cho bệnh nhân tim mạch để tránh tình trạng nghẽn mạch vành cũng như ngăn ngừa biến chứng của cao huyết áp trên não, thận, mắt...
Nếu so sánh với nhiều loại thuốc thuộc nhóm thông mạch thì nấm mèo có cơ chế tác dụng gần như hoàn hảo. Tuy cũng ngăn chặn phản ứng kết dính tiểu cầu trong mạch máu nhưng tác dụng loãng máu của nấm mèo không đơn điệu theo kiểu tắt đèn cái rụp mà là với cường độ hòa hoãn, giúp người bệnh tránh được nguy cơ chảy máu trong khi dùng thuốc.
Mặt khác, nấm mèo chủ động xúc tác phản ứng thoái biến cholesterol trong gan để qua đó gián tiếp giảm thiểu độ nhớt của dòng máu. Dựa trên cơ chế này, nhiều thầy thuốc đã dùng nấm mèo để điều trị viêm gan nhiễm mỡ với kết quả khả quan.
Hơn thế nữa, một số nhà nghiên cứu đã xác định trong nấm mèo hiện diện hoạt chất có tác dụng giảm đau với tác dụng kép, vừa phong bế tín hiệu đau nhức vừa cải thiện hàm lượng dưỡng khí cục bộ của nơi viêm tấy.
Cho nên, không có gì lạ khi nhiều thầy thuốc trọng quan điểm sinh học ở Đức, Áo, Thụy Sĩ... đang mạnh tay dùng nấm mèo cho người đau bụng kinh, đau nửa đầu...
Bệnh lý do tắc mạch vì mạch máu xơ vữa vẫn trước sau là mối đe dọa không tha một ai vì chưa có giải pháp rốt ráo. Mèo thấy mỡ dễ gì bỏ qua! Biết vậy tại sao lại không thử thanh toán mấy miếng mỡ đeo dính trên thành mạch bằng cách vận dụng quy luật của thiên nhiên, chẳng hạn theo kiểu trao mỡ cho... (nấm) mèo?
Theo NLĐ