Triển vọng thị trường: Nhu cầu yếu nhưng khó có gói kích cầu lớn

Cập nhật: 14-08-2012 | 00:00:00

Nhận định từ nhóm nghiên cứu của HSBC về kinh tế vĩ mô và triển vọng thị trường của Việt Nam trong báo cáo thường kỳ tháng 8 đã cho thấy điều đó. Theo HSBC, lạm phát tháng 7 vừa qua đã giảm còn trên 5% từ mức đỉnh điểm 23% của năm 2011; thâm hụt thương mại được thu hẹp, dự trữ ngoại tệ tăng cho thấy sự thành công trong việc củng cố cân bằng phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát và triển khai các biện pháp cải cách cần thiết... Tuy nhiên, nhu cầu yếu đã khiến ngành sản xuất tiếp tục chậm lại!

Nhu cầu đang được cải thiện dần

Theo nhận định từ nhóm nghiên cứu, trong giai đoạn này, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ nhu cầu nội địa giảm sút và tăng trưởng toàn cầu đang khá yếu. Chỉ số PMI của HSBC trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ thời điểm bắt đầu vào tháng 4-2011. Tình hình này cho thấy người tiêu dùng không sẵn lòng chi tiêu, do cả hai yếu tố nợ cao và triển vọng tăng trưởng thấp. Hành vi chi tiêu của người dân và cả DN đang ngày cẩn trọng, cộng với lạm phát giảm dần cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ còn tiếp tục đưa ra các biện pháp nới lỏng trong thời gian tới. Trên thực tế, NHNN đã cắt giảm 500 điểm ở hầu hết các mức lãi suất cơ bản nhằm thúc đẩy nhu cầu yếu kém trong nước. Tuy nhiên, động thái này vẫn chưa tác động lên chi tiêu do người tiêu dùng và các DN vẫn đang nặng gánh nợ nần hoặc khá cẩn trọng về viễn cảnh của nền kinh tế.

 Tính đến thời điểm này, một số DN sử dụng nhiều lao động như ngành may đã hết đơn đặt hàng trong năm, khiến tình hình sản xuất chậm lại

Theo một khảo sát từ HSBC, lượng đơn đặt hàng mới và lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đều giảm xuống mức thấp nhất. Do vậy, Việt Nam không những chịu ảnh hưởng từ nhu cầu cẩn trọng tại thị trường nội địa mà còn do nhu cầu hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Trung Quốc sụt giảm mạnh. Xét về xu hướng, ngành xuất khẩu có chiều hướng sút giảm mạnh do sự giảm sút các mặt hàng thủy hải sản, cao su, linh kiện máy vi tính, hàng điện tử, than... Nhập khẩu cũng xuống thấp từ 13,6% trong tháng 6 còn 9% trong tháng 7. Tình hình đó cho thấy không chỉ riêng các mặt hàng tiêu dùng đang sụt giảm mà các nguyên vật liệu sử dụng cho việc sản xuất giày dép và may mặc cũng đang giảm xuống. Điều này cho thấy, mặc dù Chính phủ đang tăng cường các biện pháp nới lỏng để kích thích tiêu dùng cho đến hết năm 2012, nhưng nhu cầu sẽ chỉ được cải thiện dần dần trong thời gian tới.

Khó có gói kích cầu lớn

Cũng theo nhận định từ nhóm nghiên cứu của HSBC, các yếu tố vĩ mô vừa qua đã cho thấy một sự dễ dàng hơn nhưng cũng khó có tác động lớn đến nhu cầu của nền kinh tế. Lạm phát toàn phần đã chậm lại từ mức 6,9% trong tháng 6 xuống còn 5,3% trong tháng 7. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản tháng 7 sau khi loại bỏ giá cả thực phẩm và năng lượng vẫn còn cao ở mức 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét về mặt liên tục, lạm phát cơ bản đã tăng 0,6% so với tháng trước trong khi số liệu tháng 6 là 0,2%. Do đó, một gói kích thích kinh tế tương tự như gói đã thực hiện vào năm 2009 khó có thể được sử dụng lại. Lý do mà HSBC đưa ra nhìn nhận này là lạm phát cao trong năm 2011 đã làm cho tín dụng không còn là một giải pháp hấp dẫn, đặc biệt khi đa số tín dụng đều được rót vào những lĩnh vực kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, các biện pháp kích thích tài chính cho nền kinh tế thông qua chi tiêu Chính phủ đã không còn hấp dẫn khi các nhà làm chính sách vừa mới đây thông báo một chiến lược mới nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách cũng như nhằm tăng cường hiệu quả của đầu tư công.

ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên