Trở về sau 41 năm là liệt sĩ

Cập nhật: 13-10-2010 | 00:00:00

Sự trở về đường đột của “liệt sĩ” Lò Văn Cân khiến cho bản người Thái ở xã Xuân Chinh (Thường Xuân, Thanh Hóa) vui như hội. Dân làng đã mổ bò, giết trâu ăn mừng sự “sống lại” của đứa con tưởng như đã ra đi vĩnh viễn.

 

Một tháng qua, ngôi nhà anh Lò Văn Thành luôn tấp nập khách sau khi ông Lò Văn Cân, cha anh được xác định hy sinh, nay đã trở về quê. Những cụ già cho đó là phép lạ nên đã làm lễ cảm tạ thần núi, mẹ sông dẫn lối chỉ đường cho người con của buôn làng tìm về nơi chôn rau cắt rốn.

 

Còn ông Cân, dù tuổi cao, sức yếu, lúc thì tập tễnh bước đi, lúc lại ngồi trên xe lăn, nhưng luôn tỏ ra háo hức khi thăm lại bản làng. Gặp lại người quen, ông ngọng nghịu hỏi han. Sau hơn 40 năm không giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, đến nay vốn tiếng Việt của ông đã mai một.

 

 “Liệt sĩ” Cân đang say sưa kể về hành trình trở về sau hơn 40 năm lưu lạc ở chiến trường Lào. 

Sinh năm 1941, năm 1962, dù mới cưới vợ chưa được bao lâu, nhưng chàng trai Lò Văn Cân đã lên đường nhập ngũ, tham gia làm nhiệm vụ chiến đấu tại nước bạn Lào. Ông được biên chế ở Tiểu đoàn 923.

 

Chiến trường bom đạn khốc liệt, đường xá xa xôi cách trở, mãi sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968 ông Cân mới về phép. Trong thời gian ngắn ngủi đó, ông để lại giọt máu duy nhất cho người vợ trẻ ở quê nhà. Năm 1969, ông được nghỉ phép một lần nữa và chỉ kịp bàn với vợ, bà Vi Thị Huyên, mai này đặt tên con là Thành, bất kể dù trai hay gái.

 

"Tôi muốn đặt tên con là Thành bởi niềm khát khao mong kháng chiến thành công, cách mạng thành công để người lính không còn phải rời xa quê, nhân dân không còn chứng kiến cảnh mất mát đau thương”, ông chia sẻ.

 

Sáng hôm sau, bên bến sông Ạc, dân làng Chinh nhìn thấy người vợ trẻ tiễn chồng về lại chiến trường trong niềm lưu luyến, nước mắt lưng tròng. Trong tiếng nấc nghẹn ngào ông Cân bảo "không ngờ đó là lần cuối cùng nhìn thấy vợ. Hôm nay tôi về thì vợ đã ra đi tự lúc nào”.

 

Ông Cân kể, hết kỳ nghỉ phép, ông lên đường làm nhiệm vụ quốc tế hỗ trợ nước bạn Lào, đơn vị chiến đấu tại tỉnh Sầm Nưa. Trong một lần bắn nhau trực diện với không quân Mỹ, đơn vị bị địch phản công, bủa vây tứ phía. Đồng đội người bỏ mạng, người bị bắt giữ, còn ông bị cụt chân phải và lạc mất đơn vị từ đó.

 

Tưởng sẽ bỏ mạng nơi rừng hoang núi thẳm, nhưng rất may có ba cô gái người Lào lên rừng hái măng đã phát hiện và đưa ông Cân về trạm cứu thương. Người dân sau đó đưa ông về bản Bạc Nhỏ, huyện Lào Am, tỉnh Xa La Văn dưỡng thương. Trong thời gian nằm dưỡng bệnh, một trong ba cô gái Lào cứu mạng ông lại đem lòng yêu thương anh lính trẻ người Việt nói tiếng Lào câu được câu chăng. Dân bản sau đó đã tác hợp cho đôi trai gái nên duyên chồng vợ.

 

Có với nhau ba người con được đặt tên là Nọi, Đui, Đây, người vợ Lào đã bỏ bố con ông ra đi. Nơi xứ người, nỗi nhớ quê hương luôn đau đáu trong ông Cân. "Nhớ quê lắm chứ, nhưng cuộc sống bên ấy vất vả, đầu tắt mặt tối không đi đâu được, mà hỏi thăm cũng không biết hỏi ai. Bao nhiêu năm qua, tôi chỉ mong sao gặp được người mình để hỏi đường về quê thôi”, ông Cân kể.

 

Một ngày tháng 5, nghe có người đàn ông lạ đến xóm hỏi mua tóc, lại thấy nói tiếng Việt, ông Cân lân la hỏi dò mới biết đó là người Việt Nam sang Lào đi buôn tóc. Ông đã đưa địa chỉ nơi mình sinh ra kèm theo bức ảnh chụp thời trẻ cho vị khách người Việt nhờ về quê tìm giúp thân nhân.

 

Lúc ấy ông Cân cũng không kịp hỏi tên vị khách, mãi sau này về quê mới biết ân nhân là Phan Thế Hạnh, quê ở Thái Hòa, Nghệ An. Sau chuyến hàng, anh Hạnh trở về nước và cất công đi tìm người thân cho “liệt sĩ Cân”. Lặn lội tới rất nhiều bản làng vùng cao của huyện Thường Xuân như ghi trong địa chỉ, cuối cùng anh Hạnh cũng tìm ra. Xã Xuân Cao những năm 1969 nay đã được tách thành ba xã, địa chỉ ông Cân ghi nay đổi thành làng Chinh, xã Xuân Chinh.

 

Khi nghe anh Hạnh kể lại câu chuyện, người con trai Lò Văn Thành cầm ảnh cha mà không biết thực hư thế nào, vì khi anh cất tiếng khóc chào đời đến hôm nay chưa một lần được trực tiếp nhìn thấy mặt cha. "Nhưng một số người họ hàng đã nhận ra ông cụ. Lúc đó tôi không biết phải diễn tả niềm vui của mình thế nào nữa”, anh Thành kể lại và sau đó đã thu xếp lên đường tìm cha...

 

Vượt hàng trăm cây số, cuối cùng cha con họ đã gặp nhau trong tiếng khóc vỡ òa hạnh phúc. Anh Thành cho biết, gia đình đã dò hỏi khắp nơi nhưng cũng không có tin tức gì của cha, đến năm 1992 thì nhận được giấy báo tử của ông. Bao nhiêu năm vò võ ngóng tin chồng, nhưng bặt vô âm tín, năm 1994, vợ ông, bà Vi Thị Huyên mất mà không hề biết rằng chồng mình còn sống.

 

Ông Lò Văn Quyên, em trai ông Cân, xúc động kể: “Ngày anh tôi về, gia đình đã mổ một con bò lớn, một con lợn... để cúng ma làng rồi mời dân bản đến chia vui. Khi gặp lại anh chúng tôi đã khóc mãi. Anh tôi đã chịu khổ quá nhiều. Những năm tháng cuối đời, chúng tôi được ở bên nhau, cùng chia bắp ngô, củ sắn cũng thấy hạnh phúc lắm rồi”.

 

Trở về đất mẹ, gặp lại người thân, “liệt sĩ” Cân rất vui, nhưng vẫn canh cánh nỗi lo về hai trong số ba người con còn lại của ông vẫn ở bên Lào. Dù biết hai nước Việt - Lào không cách xa là mấy, nhưng các con ông đều nghèo khổ nên muốn gặp nhau không phải dễ. Trong chuyến trở về quê Việt Nam lần này, ông Cân mang theo người con trai thứ hai là Lò Văn Đui về quê sinh sống. Mỗi ngày ông Cân đều dành thời gian dạy con trai học nói tiếng Việt.

 

Ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết, sau khi gia đình đưa ông Cân về quê, chính quyền địa phương đã gửi hồ sơ đề nghị Sở Lao động Thương binh và Xã hội xem xét để giải quyết chế độ sớm nhất cho ông. "Hiện nay, huyện chờ kết quả xác minh từ cấp trên vì hồ sơ lý lịch của cụ Cân đều được viết bằng tiếng Lào nên phải đem đi dịch thuật. Trước mắt, huyện cũng đã ủng hộ một phần quà chia vui với gia đình”, ông Xuân nói.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên