Trời mưa - nước ngập: Phòng hay trị?

Cập nhật: 22-09-2010 | 00:00:00

Hiện tượng trời mưa lớn, các con đường lớn nhỏ bị ngập nặng, tắc đường, xe sụp hố... đã không còn khu trú ở TP.HCM nữa mà đã lan rộng ra các địa phương khác đang trong quá trình đô thị hóa mạnh, mà Bình Dương là một ví dụ! Là “người đi sau” và cũng trong giai đoạn điều chỉnh, hoàn thiện lại quy hoạch, Bình Dương phải làm gì để phòng và trị vấn nạn ngập nước triền miên này.

Thực trạng

Những ngày đầu tháng 9, trời liên tục đổ mưa to kéo dài không chỉ làm nhiều tuyến đường “truyền thống” trong tỉnh bị ngập nặng mà cả những tuyến đường có độ dốc lớn, nằm cạnh cống thoát nước như đường Thích Quảng Đức, Phan Đình Giót (TX.TDM) cũng lâm vào tình trạng ngập nặng. Có những đoạn nước dâng lên cả mét làm xe cộ chết máy, người đi đường vất vả chống, đẩy, tìm chỗ sửa chữa và cả người dân sống dọc hai bên đường cũng một phen hú vía vì đồ đạc trong nhà bị cuốn trôi, hư hỏng. Tại các miệng cống, cầu ngang đường nước đã vượt lên trên tạo thành những vực xoáy rất nguy hiểm... Rất may không có người tử nạn do sụp hố, bị nước cuốn vào lòng cống!

 

Ngập đường khi mưa tại ngã ba Đông Tân, xã Tân Đông Hiệp (Dĩ An) chiều 16-9

Chiều 16-9 vừa qua có mặt tại Dĩ An chứng kiến người dân đi lại trên đường ĐT743 đoạn ngã ba Đông Chiêu, xã Tân Đông Hiệp mới thấy nỗi khổ của nước ngập. Một con lộ nhỏ thuộc nhánh rẽ vào khu dân cư, lượng nước mưa đã dâng lên gần cả mét khiến chiếc xe du lịch đời mới đậu bên đường không kịp di chuyển đã bị nước dâng ngập tràn vào trong. “Xe du lịch đời mới còn thế huống chi xe máy, người đi bộ” - một cụ già nằm trong vòng khốn khó đã cất tiếng than với chúng tôi và không đưa ra lời bình luận.

Từ ngã 6 An Phú thuộc địa bàn giáp ranh hai huyện Thuận An, Dĩ An đã có dấu hiệu xe dồn cục vì người lái băn khoăn không dám đi vào đường 22-12 do sợ bị ngập, tắc đường. Đầu đường đã có xe dồn cục thì đoạn ngập nặng không thể tránh kẹt xe do tập trung nhiều doanh nghiệp, chợ, khu nhà trọ, dân cư. Xe phải nhích từng tí từng tí dù trời vẫn đổ mưa cộng với mùi nước đen hôi thối bốc lên từ dưới cống. “Thật khổ không kể hết” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Thanh Cung một lần bị kẹt xe ở đây đã trao đổi với lãnh đạo huyện Thuận An như thế.

Phòng

Tìm hiểu nguyên nhân tại các điểm bị ngập nặng nêu trên cho thấy: Khu vực đường Phan Đình Giót, Thích Quảng Đức của TX.TDM tuy là con đường dốc, nằm cạnh mương thoát nước chính nhưng “mọi nẻo đường thoát nước trong khu vực đều đổ về con rạch nhỏ bé, nên mưa lớn rạch không bị tràn bờ mới lạ!” - anh Lê Thành Phương, người dân sống dọc con rạch mỉa mai. Tương tự ở hai khu vực còn lại là đường 22-12 của huyện Thuận An và khu ngã ba ấp Đông Chiêu, huyện Dĩ An cho thấy, nơi đây trước kia là đồng ruộng, do tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh dẫn đến quy hoạch cũ bị quá tải kết hợp với cửa thoát nước bị tắc. Một lãnh đạo huyện Thuận An từng giải thích: “Bài toán ngập đường 22-12 chỉ được giải khi cửa thoát ở hạ lưu được khai thông ra rạch Chòm Sao chảy ra sông Sài Gòn” và ý kiến trên đã được lãnh đạo tỉnh tán thành bằng giải pháp tạm thời: “Nếu có ngập thì làm trước, báo cáo sau cũng được để giúp dân bớt khổ”.Đó là giải pháp tạm thời còn hướng giải quyết lâu dài là cần bổ sung, điều chỉnh lại quy hoạch theo hướng cân đối, hài hòa giữa khu vực, cộng với dự báo, dự đoán chính xác, cụ thể nhằm đề phòng có hiệu quả hơn chuyện nước ngập.

Trị

Không chỉ mưa lớn mà cả khi triều cường dâng cao, tại các hố ga, đoạn đường thấp nước thải từ các nhà máy sản xuất vô tư tràn ra đường gây hôi thối, ảnh hưởng người đi đường. Người dân đã nhiều lân lên tiếng phản ánh các doanh nghiệp lợi dụng mưa lớn xả nước thải ra cống, ra đường vừa gây ảnh hưởng giao thông vừa là mầm móng lan truyền dịch bệnh. Ông Lê Văn To ở thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên bức xúc: “Đường ĐT746 trước đây thi công không có cống thoát nước. Mấy năm gần đây doanh nghiệp vào làm ăn nhiều không có khu xử lý nước thải nên cứ vô tư đổ đại bất cứ chỗ nào, thậm chí tìm cách làm đường thoát nước để xả nước thải vào”. Không riêng ở huyện Tân Uyên mà hầu khắp các huyện, thị trong tỉnh, các nhà máy, khu sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp do hình thành trước đây nên cũng lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” và con đường duy nhất để giải quyết là lén lén hoặc lợi dụng thời tiết thì “xả” thải!Pháp luật đã rõ ràng, lộ trình cũng cụ thể nên không thể viện lý do không có đường thoát mà đổ thẳng nước thải, chất thải ra môi trường để cả cộng đồng gánh chịu. Bên cạnh việc dự phòng chính xác cũng cần nghiêm trị các biểu hiện không tôn trọng pháp luật, xem nhẹ cộng đồng, nhằm bảo đảm môi trường sống tốt đẹp hơn.

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên