Trồng lan cắt cành ngày càng được nông dân ưa chuộng

Cập nhật: 25-08-2010 | 00:00:00

(BDO) Với mức lãi bình quân cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác, nghề trồng hoa lan cắt cành đang được bà con nông dân trong tỉnh ta ưa chuộng. Nhiều bà con nông dân thuộc vùng ngoại ô thị xã đã nhắm đến mô hình này từ vài năm nay, kết quả cho thấy rất khả quan. Anh Quốc Nam (bên phải) tại vườn lan của anh ở phường Phú Mỹ, TX.TDM

Theo chân ông chủ tịch Hội nông dân phường Phú Mỹ, TX.TDM, chúng tôi tới thăm vườn lan cắt cành rộng 1.000m2 của gia đình anh Lê Quốc Nam ở khu 8, phường Phú Mỹ, TX.TDM. Trước mắt chúng tôi là một vườn lan đang ra hoa và phát triển tươi tốt, vườn lan tuy nhỏ nhưng được chủ nhân đầu tư rất qui mô. Giàn lưới che được làm hai lớp để chống nắng, hệ thống tưới nước (phun sương) tiện lợi, mỗi ngày chỉ cần gạt cầu dao tưới nước cho cây 2 lần.

Anh Lê Quốc Nam trước đây là thợ chụp hình có tiếng ở thị xã Thủ Dầu Một, do sở thích đam mê hoa lan, anh tìm hiểu và sưu tầm nhiều loại lan rừng. Sau đó, anh kết thân với vài người bạn chuyên trồng lan ở huyện Củ Chi và tỉnh Tây Ninh. Nhận thấy mô hình trồng lan cắt cành ít tốn công mà hiệu quả cao, năm 1998, anh trồng thử vài ngàn gốc lan ở xã An Tây, huyện Bến Cát. Không ngờ trồng chơi mà ăn thiệt, lan không kịp ra hoa cung cấp cho các bạn hàng đến tận vườn thu mua. Đến năm 2005, anh Quốc Nam quyết định mạnh dạn đầu tư một vườn lan rộng 8.000m2 ở tại xã An Tây, Bến Cát trồng 30.000 gốc lan Mokara. Tiếp theo, năm 2008, anh đầu tư gần 400.000.000 đồng trồng thêm 4.000 gốc lan Mokara ở phường Phú Mỹ, TX.TDM. Anh Nam cho biết, hiện nay thu nhập từ vườn lan ở An Tây là 2.000.000 đồng/đợt, cách ngày cắt 1 đợt. Vườn lan ở Phú Mỹ 1.000.000 đồng/đợt, tuần cắt 2 đợt.

Về kinh nghiệm trồng lan, anh Nam cho biết bây giờ có rất nhiều kênh thông tin hướng dẫn kỹ thuật trồng lan nên việc chăm sóc cho lan ra hoa cũng khá thuận lợi. Bên cạnh đó, anh cũng thường xuyên tham khảo ý kiến của các cán bộ trung tâm khuyến nông và trao đổi, học tập kinh nghiệm với các nghệ nhân hoa lan trong Hội Sinh vật cảnh của thị xã, của tỉnh và các vùng lân cận. Theo anh, sau khi trồng 3 ngày tưới thêm vitamin B1 để kích thích cây ra rễ. Sau 7 ngày tưới phân NPK 30-10-10. Khi cây nảy chồi mới và ra rễ nhiều thì tăng lượng phân. Kinh nghiệm riêng của anh là phải bón phân cho cây thường xuyên nhưng bao giờ cũng pha loãng hơn chỉ dẫn trên bao bì. Từ khi trồng tới lúc cây ra hoa là khoảng 40 ngày. Khi cây bắt đầu cho thu hoạch, anh chỉ việc gọi điện thoại là có người đến cắt hoa đóng gói, giao cho các shop hoa tươi ở thị xã.

Ngoài việc trồng lan cung cấp hoa tươi cho thị trường, anh Quốc Nam còn làm đại lý nhập cây giống từ Thái Lan về cung cấp cho bà con. Thu nhập từ việc trồng lan cắt cành, và cung cấp cây giống mỗi năm gia đình anh Nam thu nhập trên 200 triệu đồng. Anh cho biết: “Đang chuẩn bị trồng thử nghiệm 300m2 giống mới Mokara nến 3 (độ tươi sáng màu sắc của hoa) và dự định hợp tác với vài người bạn phát triển thêm các vườn lan cắt cành”.

Hiệu quả từ việc trồng lan cắt cành của anh Quốc Nam đã thu hút sự quan tâm của bà con nông dân quanh vùng. Trước sự lo ngại của bà con về vốn đầu tư cho việc trồng lan khá cao, anh Nam cho biết: "Khi tôi quyết định mạnh dạn đầu tư trồng lan, má tôi cũng ngăn cản dữ lắm, nhưng nay thấy công việc đem lại hiệu quả cao, chính má tôi là người chăm sóc vườn lan này mỗi khi tôi đi vắng, bà “cưng” vườn lan này lắm!"

MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên