Trung - Ấn xây dựng lòng tin giữa căng thẳng

Cập nhật: 16-12-2010 | 00:00:00

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đang có chuyến thăm chính thức Ấn Độ cùng phái đoàn thương mại hùng hậu, sự kiện đánh dấu 60 năm quan hệ ngoại giao song phương trong bối cảnh vẫn còn nhiều căng thẳng.

 

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bắt đầu chuyến thăm chính thức ba ngày tới Ấn Độ từ hôm qua, nhằm thúc đẩy thương mại giữa hai nhà khổng lồ châu Á. Ông là nguyên thủ mới nhất trong danh sách các nhà lãnh đạo thế giới tấp nập tới thăm Ấn Độ thời gian gần đây như Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron. Cuối tháng này, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng sẽ tới Ấn Độ.

 

 Đại diện chính phủ Ấn Độ đón Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại sân bay. 

Chuyến thăm của ông Ôn diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc còn chưa hết căng thẳng. Nhưng CNN dẫn lời Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Zhang Yan phát biểu tại New Delhi: "Khi Trung Quốc và Ấn Độ nắm tay nhau họ có thể tạo ra những tác động tích cực, không chỉ cho riêng hai nước mà cho cả thế giới".

 

Những trở ngại

 

Trung Quốc và Ấn Độ chiếm gần 40% dân số thế giới và là hai trong số ba nền kinh tế lớn nhất châu Á. Nhưng khó khăn cho quan hệ song phương chính là việc cả hai cùng nổi lên như thế lực mới của thế giới gần như đồng thời và việc hai nước giải quyết trở ngại này như thế nào có ý nghĩa quan trọng đối với toàn cầu.

 

Những năm gần đây dường như hai nước đã tìm được tiếng nói chung khi đều nhấn mạnh sự hợp tác song phương như là đối trọng với một thế giới lấy Mỹ làm trung tâm. Tuy nhiên tín hiệu này đang qua đi khi Mỹ ngày càng trở nên kiềm chế, trong khi Bắc Kinh tỏ ra thận trọng với mối quan hệ đang phát triển của New Delhi với Washington và các nước châu Á khác.

 

Với Ấn Độ, nước này có mối lo ngại về lợi ích của Trung Quốc ở khu vực Nam Á, đặc biệt là mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Pakistan. Cuối tuần này, ông Ôn Gia Bảo cũng sẽ tới thăm chính thức Pakistan, vốn là đối thủ về hạt nhân tại Nam Á của Ấn Độ. Bắc Kinh đang hợp tác với Islamabad về phát triển tên lửa, xây dựng cơ sở hạ tầng biên giới và xây dựng một cảng nước sâu.

 

Ngoài lo ngại riêng của từng nước, cả Trung Quốc và Ấn Độ cũng còn những căng thẳng có tính lịch sử, đặc biệt là bất đồng về vấn đề biên giới lãnh thổ. Hai nước từng lâm vào một cuộc chiến tranh biên giới chớp nhoáng vào năm 1962. Hiện vẫn còn tranh cãi dai dẳng xung quanh đường biên giới chung dài 3.500 km kể từ cuộc xung đột vài thập kỷ trước.

 

Hồi năm ngoái, quan hệ giữa hai nước đông dân nhất thế giới rơi vào tình trạng nghiêm trọng, khi Bắc Kinh phàn nàn về chuyến thăm của thủ tướng Ấn Độ và lãnh đạo lưu vong Tây Tạng Dalai Lama tới bang miền đông bắc Ấn Độ Arunachal Pradesh, vùng đất mà Trung Quốc đòi chủ quyền toàn bộ. Bắc Kinh cũng kịch liệt chỉ trích Ấn Độ đã cấp quyền định cư cho Dalai Lama.

 

Bên cạnh đó, New Delhi không ít lần bày tỏ sự không hài lòng về việc Trung Quốc luôn được nhìn nhận là có tầm quan trọng hơn Ấn Độ trong các mối quan hệ. Giới phân tích cũng nhận định, ngay cả khi thương mại song phương bùng nổ thì quan hệ này cũng không giúp Ấn Độ có được lợi ích như họ đáng được hưởng. Hiện New Delhi vẫn tìm cách được thâm nhập sâu hơn vào thị trường dược phẩm và IT của Trung Quốc nhưng chưa được đáp ứng.

 

Trọng tâm kinh tế

 

Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tới Ấn Độ lần này được coi là bằng chứng cho thấy quan hệ song phương đang ấm trở lại và hai nước đang nỗ lực xây dựng lòng tin. Đi cùng ông là khoảng 400 lãnh đạo doanh nghiệp và đây là phái đoàn thương mại lớn nhất của Trung Quốc tới Ấn Độ từ trước đến nay. Điều này cho thấy rõ trọng tâm trong chuyến đi của ông Ôn Gia Bảo là hợp tác kinh tế.

 

Trong cuộc hội thảo về hợp tác thương mại tại New Delhi, BBC dẫn lời Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhắc lại: "Thế giới có đủ chỗ cho sự phát triển của cả Trung Quốc và Ấn Độ và có đủ không gian cho chúng ta hợp tác". Trước đó hồi tháng 10, bên lề hội nghị thượng đỉnh khu vực diễn ra tại Hà Nội, ông Ôn Gia Bảo cũng từng khẳng định với người đồng cấp Ấn Độ Manmohan Singh thông điệp tương tự.

 

Ông Ôn cũng nhấn mạnh Trung Quốc và Ấn Độ là các đối tác chứ không phải đối thủ. Theo đó hợp tác thương mại giữa hai bên đang bước vào "giai đoạn mới" với những tiến triển chưa từng có tiền lệ. "Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của hai bên có vai trò như cỗ máy quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế của thế giới", Xinhua dẫn lời ông Ôn nói thêm.

 

Kết quả cụ thể của chuyến đi này là việc các công ty Ấn Độ và Trung Quốc đã ký các thỏa thuận có tổng giá trị khoảng 16 tỷ USD ngay trong ngày thăm đầu tiên của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Có khoảng 50 hợp đồng được ký thuộc các lĩnh vực điện, viễn thông, thép, năng lượng gió, thực phẩm và thủy sản. Con số này vượt qua mốc 10 tỷ USD giá trị hợp đồng mà các doanh nghiệp Mỹ đã ký với Ấn Độ khi Tổng thống Barack Obama tới thăm nước này mới đây.

 

Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ từ năm 2008 và kim ngạch song phương trong năm nay đã đạt mức 60 tỷ USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Ấn Độ sang Trung Quốc là quặng, nguyên liệu may, đồng, đá quý và kim loại. Còn chiều ngược lại là máy móc, sắt thép, phân bón và sữa. Trong khi đó tiềm năng hợp tác còn rất lớn vì theo ước tính đến năm 2050, hai quốc gia khổng lồ châu Á này sẽ trở thành hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

 

Chuyến thăm của ông Ôn Gia Bảo đánh dấu lần đầu tiên một thủ tướng Trung Quốc tới Ấn Độ trong vòng 4 năm qua. Sự kiện này tiếp nối việc Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trở thành nguyên thủ đầu tiên của nước này tới thăm Trung Quốc hồi tháng 5 vừa qua, sau hơn một thập kỷ. Những trao đổi cấp cao được hai bên nhấn mạnh như là yếu tố tích cực của mối quan hệ đang kỷ niệm 60 năm thiết lập.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên