Trung Quốc mở đại chiến dịch kéo nhân tài hồi hương

Cập nhật: 16-01-2010 | 00:00:00

Để thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển về công nghệ - kỹ thuật, Trung Quốc không tiếc tiền của để lôi kéo các nhà khoa học và học giả hàng đầu ở nước ngoài hồi hương.

 

Các nhà khoa học ở Mỹ không quá ngạc nhiên vào năm 2008 khi Viện y học Howard Hughes danh tiếng ở Maryland trao thưởng khoản tài trợ nghiên cứu trị giá 10 triệu USD cho Thi Nhất Công - một nhà nghiên cứu sinh vật học phân tử của Đại học Princeton.

Tiến sĩ Thi Nhất Công đã từ chối khoản tài trợ nghiên cứu trị giá 10 triệu USD và xin nghỉ việc ở Đại học Princeton (Mỹ) để trở về Trung Quốc đảm nhiệm vị trí chủ nhiệm Khoa các môn khoa học cuộc sống ở Đại học Thanh hoa, Bắc Kinh.

 

Các nghiên cứu tế bào của Tiến sĩ Thi đã mở ra một hướng nghiên cứu mới trong việc chữa trị bệnh ung thư. Tại Princeton, phòng thí nghiệm của ông chiếm trọn một tầng và có ngân sách 2 triệu USD mỗi năm.

 

Điều ngạc nhiên, thực tế là sốc, xảy ra một vài tháng sau đó khi Tiến sĩ Thi, một công dân nhập tịch Mỹ đã sống 18 năm tại đất nước này, tuyên bố rằng ông sẽ ra đi mãi mãi để theo đuổi khoa học ở Trung Quốc. Ông từ chối khoản tài trợ nghiên cứu, xin nghỉ việc ở Đại học Princeton và trở thành chủ nhiệm Khoa các môn khoa học cuộc sống ở Đại học Thanh hoa ở Bắc Kinh.

 

"Tới ngày hôm nay, nhiều người không hiểu tại sao tôi quay trở về Trung Quốc, đặc biệt ở vị trí của tôi, từ bỏ mọi thứ đã có", Tiến sĩ Thi mới đây thổ lộ trước một đám đông khách viếng thăm tại văn phòng của ông ở Đại học Thanh Hoa.

 

"Ông ấy là một trong 4 ngôi sao của chúng tôi", Robert H. Austin - một giáo sư vật lý thuộc Đại học Princeton cho biết qua điện thoại. "Tôi nghĩ đó là hành động điên khùng hoàn toàn".

 

Bước đi đột phá

 

Các lãnh đạo Trung Quốc không như vậy. Nhất quyết đảo ngược tình trạng cạn kiệt tài năng hàng đầu, vốn đã đeo đuổi nước này kể từ khi mở cửa với thế giới bên ngoài trong suốt 3 thập kỷ qua, họ đang sử dụng các nguồn tài chính dư dật hiện tại của mình và niềm tự hào quốc gia để lôi kéo các nhà khoa học và học giả hồi hương.

 

Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, vẫn là những nơi hấp dẫn hơn để học tiếp và nghiên cứu đối đối với nhiều học giả Trung Quốc. Tuy nhiên, sự trở về của Tiến sĩ Thi và một vài nhà khoa học tiếng tăm khác là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang thành công nhanh chóng hơn nhiều chuyên gia đã dự đoán trong việc thu hẹp khoảng cách giữa nước này với các nước phát triển về công nghệ.

 

Chi phí của Trung Quốc vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R & D) đã tăng liên tục trong một thập kỷ và hiện chiếm tới 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Mỹ hiện dành 2,7% GDP cho R & D nhưng tỉ lệ này ở Trung Quốc cao hơn nhiều so với phần lớn các nước đang phát triển.

 

Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đang chịu nhiều áp lực hơn để cạnh tranh với những đồng nghiệp ở nước ngoài và trong một thập niên qua, họ đã nhân lên gấp 4 lần số công trình khoa học xuất bản trong 1 năm. Tổng số công trình khoa học được công bố năm 2007 của họ chỉ đứng thứ hai sau Mỹ. Theo một cuốn sách gần đây - “Lĩnh vực công nghệ mới nổi của Trung Quốc" - của Denis Fred Simon và Công Cao, hai chuyên gia về Trung Quốc tại MỹKhoảng 5.000 nhà khoa học Trung Quốc đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ nano mới nổi.

 

Một nghiên cứu năm 2008 của Viện Công nghệ Georgia kết luận rằng, trong vòng một hoặc hai thập niên tới, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về khả năng chuyển đổi hoạt động R & D của mình thành các sản phẩm và dịch vụ có thể rao bán cho thế giới.

 

"Khi Trung Quốc trở nên thành thạo hơn trong các quá trình cách tân, liên kết hoạt động R.&D đang đâm chồi nảy lộc của họ với các doanh nghiệp thương mại, hãy chờ xem", nghiên cứu nhấn mạnh.

 

Quyết tâm

 

Số lượng không tương đương với chất lượng. Bất chấp việc đầu tư lớn, Trung Quốc vẫn đang vật lộn trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ. Không một nhà khoa học nào sinh ra ở Trung Quốc từng được trao giải Nobel vì nghiên cứu được tiến hành ở đại lục, mặc dù rất nhiều người đã nhận được giải vì công việc đó ở phương Tây. Trong khi nỗ lực tiến lên, Trung Quốc chỉ xếp vị trí thứ 10 về số bằng sáng chế được cấp tại Mỹ trong năm 2008.

 

Các học sinh Trung Quốc tiếp tục lũ lượt ra đi. Gần 180.000 người đã xuất ngoại năm 2008, cao hơn năm 2007 xấp xỉ 25% vì ngày càng có nhiều gia đình có khả năng chi trả học phí ở hải ngoại cho con em họ. Theo các số liệu thống kê của chính phủ Trung Quốc, cứ 4 học sinh đi du học trong thập niên vừa qua thì chỉ có một người trở về. Những người giành được bằng tiến sĩ khoa học hoặc kĩ thuật tại các trường đại học Mỹ nằm trong số những du học sinh ít khả năng trở về nhất.

 

Mặc dù vậy, mới đây, Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng việc lôi kéo ngược. Trong 3 năm qua, các nhà khoa học danh tiếng giống như Tiến sĩ Shi đã bắt đầu quay về một cách nhỏ giọt. Và họ đang quay trở về với một sứ mệnh: cải tổ văn hoá đề cao chủ nghĩa vây cánh và sự tầm thường trong khoa học, vốn thường được trích dẫn như trở ngại lớn nhất đối với thành tựu khoa học của Trung Quốc.

 

Họ bị lôi kéo bởi lòng yêu nước, khát vọng được cống hiến như những chất xúc tác cho sự đổi thay và niềm tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ ủng hộ họ.

 

"Tôi cảm thấy mình nợ Trung Quốc một cái gì đó. Ở Mỹ, mọi thứ không ít thì nhiều cũng đã được định hình. Bất kỳ cái gì tôi làm ở đây, tác động có thể gấp 10 hoặc gấp trăm", Tiến sĩ Thi nói. Nhà khoa học 42 tuổi này được các sinh viên Đại học Thanh Hoa miêu tả là người chu đáo và vô cùng tham vọng.

 

Tiến sĩ Thi và những người khác giống như ông rời nước Mỹ ít hối tiếc hơn suy nghĩ của một số người Mỹ. Mặc dù bản thân ông được một loạt các trường đại học hàng đầu của Mỹ vồ vập và vươn lên nhanh chóng qua các học vị của Đại học Princeton nhưng Tiến sĩ Thi tin rằng nhiều người châu Á đang đối mặt với sự kỳ thị ở Mỹ.

 

Nghiêu Nghi, một nhà nghiên cứu sinh vật học 47 tuổi đã rời Đại học Northwestern (Mỹ) vào năm 2007 để trở thành hiệu trưởng Trường Khoa học cuộc sống thuộc Đại học Bắc Kinh, đã làm nổi bật sự khác biệt giữa "cuộc tìm kiếm tâm hồn" của Trung Quốc với sự tự mãn của Mỹ. Khi Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh yêu cầu ông giải thích lí do tại sao muốn từ bỏ quyền công dân Mỹ, ông đã viết thư trả lời rằng Mỹ đã để mất vai trò lãnh đạo đạo đức sau các cuộc khủng bố 11-9. Tuy nhiên, "người dân Mỹ vẫn đang say sưa với sự vĩ đại của đất nước và bản thân họ", trích bức thư của ông Nghiêu.

 

Nỗ lực cải cách

 

Tuy nhiên, những người trở về cũng có các bạn bè quyền lực, kể cả các vị chủ tịch trường đại học của họ và một số quan chức thuộc Ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tiến sĩ Thi và Tiến sĩ Nghiêu đã giúp phác thảo chương trình mới của đảng nhằm thuê mướn các nhà khoa học, danh nhân và chuyên gia hàng đầu khác ở hải ngoại - biểu hiện mới nhất cho chiến dịch lôi kéo các học giả hồi hương của chính phủ.

 

Tháng 5-2008, Tiến sĩ Thi được mời tới để trình bày về tương lai của nền khoa học và kỹ thuật Trung Quốc cho Phó Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác tại Trung Nam Hải, khu liên hợp dành cho giới lãnh đạo ở Bắc Kinh.

 

Tiến sĩ Nghiêu nói, chính phủ rất hào phóng - có thể quá mức như vậy - trong tài trợ cho khoa học. Theo ông, thách thức là phải chắc chắn rằng các nguồn quỹ được chi tiêu một cách khôn ngoan, không đơn giản là trao theo kiểu ân huệ quan liêu.

 

Cách đây 5 năm, khi còn là lãnh đạo một viện khoa học tại đại học Northwestern, ông từng có lập luận tương tự trên tờ Nature của Anh. Tiến sĩ Nghiêu viết rằng, các mối quan hệ có sức nặng hơn nhiều sự xứng đáng khi các khoản tài trợ được trao ở Trung Quốc. Ông đã đề xuất bãi bỏ Bộ Khoa học và kỹ thuật Trung Quốc và tái phân bổ ngân sách của bộ này cho một cơ quan "đáng tin cậy hơn".

 

Bài phê bình của ông bị cấm ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc nhật báo - tờ báo tiếng Anh của chính phủ Trung Quốc, đã tổng kết nó trong một bài hồ sơ về Tiến sĩ Nghiêu với tựa đề "Một người đàn ông với một sự mệnh".

 

"Đó sẽ là một cuộc chiến khó khăn. Họ là các nhà khoa học xuất sắc. Nhưng họ phải hình thành một số đông phê bình để cải cách hệ thống. Nếu họ không cải cách nó, họ sẽ phải ra đi", ông Cao, tác giả một cuốn sách về Trung Quốc, nhận xét.

 

Tại Đại học Thanh Hoa, Tiến sĩ Thi cho hay, ông rất lạc quan. Trong không đầy 2 năm, ông đã tuyển dụng khoảng 18 nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, phần lớn từ Mỹ. Mỗi người đã mở một phòng thí nghiệm độc lập. Trong vòng một thập kỷ, ông nói, Khoa khoa học cuộc sống của Đại học Thanh Hoa sẽ mở rộng gấp 4 lần.

 

Tiến sĩ Thi đã không nói quá lên rằng, khoa học ở ĐH Thanh Hoa hiện ngang tầm với ở ĐH Princeton. Đúng hơn là, ông ví ĐH Thanh Hoa với một trường đại học công lập đáng kính trọng của Mỹ. Nhưng "chỉ trong vài năm, chúng tôi sẽ tới được mức đó", Tiên sĩ Shi nói.

 

(Theo VNN)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên