Trung Quốc tham vọng 'bá chủ' không gian

Cập nhật: 25-01-2010 | 00:00:00

Vụ thử tên lửa đánh chặn của Trung Quốc ngày 11-1 đã gây không ít sự chú ý - đặc biệt là tại Washington.

 

Đó không chỉ là bước đầu tiến tới phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa; mà còn là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi căn bản trong quan điểm của nước này đối với vấn đề quân sự hóa vũ trụ. Có vẻ như như tiếng chuông cảnh tỉnh đã vang lên với Mỹ rằng, về dài hạn, Trung Quốc có thể thách thức ưu thế vượt trội về chiến lược của Mỹ trong không gian.

 

Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã công khai chiến lược mới của mình trong lễ kỷ niệm 60 năm Lực lượng không quân vào tháng 11-2009. Chiến lược này có vẻ được hình thành từ năm 2004, nhưng thế giới mới chỉ được biết đến sau khi tổng tư lệnh Không quân PLA Sử Kỳ Lang "nói gọn lại" là "hiệu quả hóa hội nhập vũ trụ và trên không, sở hữu khả năng hoạt động cả về phòng thủ và tấn công".

 

Các nhà ngoại giao Trung Quốc trước đó vẫn tiếp tục quan điểm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình vào năm 1985, khi ông nói với cựu tổng thống Mỹ Richard Nixon rằng Trung Quốc "phản đối bất cứ ai muốn phát triển vũ khí ngoài không gian". Trung Quốc đã khởi động các chiến dịch ngoại giao và tuyên truyền mạnh mẽ chống các chương trình phòng thủ tên lửa hiện tại của Mỹ. Gần đây nhất, Bắc Kinh tham gia chiến dịch của Vladimir Putin, góp phần thuyết phục tổng thống Mỹ Barack Obama đương nhiệm rút lại cam kết xây dựng hệ thống phòng thủ trên mặt đất của người tiền nhiệm tại châu Âu nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa hạt nhân của Iran.

 

Còn hiện tại, Trung Quốc đã bắt đầu để lộ ra những nỗ lực phòng thủ tên lửa của mình, và tuyên bố ý định xây dựng quyền lực không gian đối để thách thức Mỹ. Sau tuyên bố của tướng Sử, những bình luận của truyền thông Trung Quốc đã giải thích rằng chiến lược vũ trụ "mới nổi" này xuất phát từ nhà lãnh đạo đảng Cộng sản và cựu tư lệnh PLA Hồ Cẩm Đào vào tháng 12-2004, kêu gọi PLA phải thực hiện "sứ mệnh lịch sử" mới, bao gồm cả việc bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài. Riêng Không quân PLA sẽ chuyển từ một "lực lượng trên không truyền thống" phục vụ cuộc chiến đảm bảo an ninh trong nước (như nhằm kiểm soát Đài Loan) và cùng hợp tác với Lực lượng an ninh, Hải quân và Lực lượng pháo binh thứ hai, thành "không quân chiến lược" ngày càng có khả năng tác chiến độc lập xa hơn ở nước ngoài.

  Không quân Trung Quốc đang được đặc biệt quan tâm với chiến lược với tầm nhìn rộng về cả không gian và thời gian

Quan trọng đặc biệt là khả năng sẵn sàng điều chỉnh sứ mệnh chiến đấu trong không gian của PLA. Trong khi còn chưa rõ cơ quan nào nào sẽ dẫn đầu sứ mệnh này, thì Không quân PLA vẫn là lực lượng phát triển mạnh nhất. Trong cuộc phỏng vấn ngày 31-10-2009, tướng Sử đã tuyên bố rằng, "cạnh tranh giữa các lực lượng vũ trang đang hướng tới phạm vi không gian và đang mở rộng từ phạm vi hàng không sang không gian gần, và thậm chí cả không gian xa... có thể kiểm soát vũ trụ và trên không có nghĩa là kiểm soát được mặt đất, trên biển và đại dương, và không gian điện từ, và cũng có nghĩa là phải có được sáng kiến chiến lược trong tay..."

 

Sự thẳng thắn của tướng Sử đã khiến Bộ Ngoại giao phải đính chính vào tháng sau đó: "Chúng tôi phản đối vũ khí hóa vũ trụ hay chay đua vũ trang trong không gian...". Nhưng cũng trong tháng 11, chính một chuyên gia quân sự Trung Quốc đã khẳng định rằng, chừng nào "chủ nghĩa bá chủ" (chỉ Mỹ) còn phổ biến trong vũ trụ, "thì phi quân sự hóa trên không và không gian chỉ đơn thuần là sự ảo tưởng ngây thơ, hay chỉ là một khẩu hiệu mà thôi".

 

Đây không phải là lời cảnh tỉnh đầu tiên đối với Washington. Năm 2006, PLA đã sử dụng tia laser trên mặt đất để "làm lóa" một vệ tinh Mỹ, và tháng 1-2007, đã trình diễn lần đánh chặn vệ tinh phóng từ mặt đất. Tháng 11 năm ngoái, các chuyên gia Trung Quốc đã nói rằng, PLA có thể phát triển vệ tinh "tiêu diệt" ("assassin" satellites) và vệ tinh "trang bị laser", và rằng Trung Quốc có thể còn đang phát triển "máy bay đạn đạo" (máy bay ném bom phản lực từ quỹ đạo). PLA cũng đang tính đưa các tài sản quân sự lên mặt trăng - tàu thăm dò "Chang’e Three" đầu tiên được trang bị một ra-đa nhỏ và thiết bị phát hiện ra-đa dò phạm vi laser nhằm mục đích khoa học.Chính sách sử dụng kép quân sự - dân sự để điều hành chương trình vũ trụ của Trung Quốc có thể có nghĩa là sẽ có các căn cứ điều khiển tự động lớn hơn trên mặt trăng được sử dụng để định vị các vệ tinh trong không gian xa của Mỹ.

 

Trung Quốc đang phát triển hay triển khai 4 tên lửa liên lục địa có trang bị hạt nhân di chuyển trên mặt đất và tên lửa hạt nhân có căn cứ trên biển. Vấn đề chủ yếu là liệu PLA có sẽ trang bị nhiều đầu đạn những tên lửa này hay không, mà như một số nguồn tin tại châu Á nói rằng, Trung Quốc có thể nhanh chóng đạt được 400 đầu đạn hay hơn thế. Những nguồn thông tin này cũng dự tính khả năng phòng thủ tên lửa quốc gia có thể đạt được vào khoảng giữa những năm 2020.

 

Trung Quốc còn đang nâng cấp khả năng không gian gần hơn với trái đất. Kể từ lễ kỷ niệm 60 năm Không quân PLA, các nhà lãnh đạo PLA đã tuyên bố máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Trung Quốc sẽ xuất hiện sớm và chính thức đi vào hoạt động vào khoảng năm 2017-2019, trước so với dự đoán của chính phủ Mỹ khoảng 1 thập kỷ. Những nguồn tin khác của Trung Quốc thì nói rằng PLA có thể sẽ sản xuất 300 những máy bay chiến đấu loại này.

 

Khi Trung Quốc thể hiện ý định muốn tạo dựng khả năng chiến đấu trong không gian, tăng cường quy mô và khả năng tồn tại của các lực lượng tên lửa hạt nhân, và xây dựng hệ thống chiến đấu trên không thế hệ thứ năm mới, thì chính phủ Obama có vẻ lại đang ra tín hiệu rút khỏi những mặt trận này. Tuyên bố quay lưng với các vũ khí thời chiến tranh lạnh hồi đầu năm 2009, Obama  ít có khả năng sẽ khởi động chương trình chiến đấu trong vũ trụ có thể ngang bằng hoặc ngăn chặn được Trung Quốc trong không gian. Đầu năm 2009, Obama đã giảm số lượng vốn đã hạn chế các thiết bị đánh chặn tên lửa trên mặt đất đặt tại Alaska và chấm dứt một chương trình phòng thủ tên lửa cho phép một vũ khí đánh chặn có thể hạ nhiều đầu đạn. Vào tháng 8-2009, chính quyền Mỹ đã phản đối nỗ lực của quốc hội - mở rộng sản xuất hơn 187 chiếc Lockheed Martin F-22, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Mỹ.

 

Nếu quá trình này cứ tiếp diễn thì có nguy cơ Mỹ sẽ mất đi ưu thế trên không. Nếu PLA có thể tấn công các tài sản vũ trụ của Mỹ, thì tức là có thể hạn chế khả năng của quân đội Mỹ trong việc phát hiện và và phản ứng trước những hành động của PLA. Nếu Trung Quốc quyết định tăng số đầu đạn lên hàng trăm, thì khả năng đánh chặn tên lửa của Mỹ mở rộng sang Nhật Bản và các đồng minh khác sẽ không còn đủ tin cậy nữa. Và nếu số lượng lớn hơn các máy bay chiến đấu tiêm kích thế hệ thứ 5 của PLA có thể lấn át số lượng đang ít đi các máy bay F-22 của Mỹ, thì lực lượng và các căn cứ hải quân Mỹ tại tây Thái Bình Dương sẽ dễ bị tổn thương hơn trước các vụ tấn công, nếu có, của không quân và tên lửa PLA.

 

Trong khi chính phủ mới của Mỹ đang cố "bỏ lại" cuộc chiến tranh lạnh, chủ yếu bằng cách giảm sức mạnh quân sự, thì Trung Quốc lại đang "có dấu hiệu" tăng cường sức mạnh vũ trang. Do đó, một số nước sẽ phải đứng giữa hai lựa chon không thể chấp nhận được: hoặc là ủng hộ Trung Quốc hoặc là tìm kiếm khả năng răn đe quân sự. Cả hai đều sẽ làm gia tăng bất ổn chính trị và đe dọa tăng trưởng kinh tế.

(Theo VNN)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên