Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An: Mái ấm của những hoàn cảnh đặc biệt

Cập nhật: 31-08-2010 | 00:00:00

  Phần thưởng cho những em đạt thành tích xuất sắcTrung tâm (TT) Giáo dục trẻ khuyết tật (KT) Thuận An từ lâu luôn là nơi dang rộng vòng tay đón những người KT. Tính đến nay cũng hơn 100 năm phục vụ, biết bao thế hệ các sơ, các mẹ, các chị đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình trong công tác chăm sóc và giáo dục các em. Sự yêu thương và tận tụy đó đã đưa những con người kém may mắn ấy vượt qua số phận để bước vào đời và trở thành những con người có ích cho xã hội.

Mái ấm của những hoàn cảnh đặc biệt

Được thành lập từ năm 1886, tính đến thời điểm này, TT Giáo dục trẻ KT Thuận An đã tồn tại hơn 100 năm. TT còn được gọi với cái tên thân thuộc gần gũi và gắn bó với người dân sống ở vùng Lái Thiêu là “Trường Câm điếc Lái Thiêu”. Là một TT chuyên nuôi dưỡng và giáo dục trẻ khiếm thính theo phương thức nội trú và bán trú, TT Giáo dục trẻ KT Thuận An cũng là cơ sở huấn luyện đào tạo cho giáo viên chuyên ngành khiếm thính. Hiện nay, TT có 9 nữ tu trên tổng số 68 cán bộ viên chức, người lao động đang âm thầm ngày đêm phục vụ công tác chăm lo sự nghiệp giáo dục cho trẻ khiếm thính. Song song với chương trình học ngôn ngữ, các em còn được học các môn văn hóa theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Tuy được gọi là TT trẻ KT nhưng ở đây có đủ mọi lứa tuổi tham gia học tập và sinh hoạt, từ những em mới hơn 1 tuổi cho tới những người đã bước vào tuổi 40 - 50. Đây cũng là TT đầu tiên và lớn nhất cả nước dành cho người KT. Mỗi năm, TT đón nhận, chăm sóc và giáo dục cho 200 - 300 em đến từ nhiều địa phương trong cả nước. Hầu hết các em khi đến với TT đều mang trong mình tâm lý mặc cảm, rụt rè và chưa biết gì về giao tiếp. Nhưng sau một thời gian, các em đã có thể trò chuyện với nhau và giúp đỡ những người đến sau mình. Tại đây, các em được học hỏi và phát triển để có thể hòa nhập cùng xã hội như bao người bình thường khác. Phương pháp học đặc thù dành cho người KT là “nghe và nói” bằng những động tác, những ký hiệu ngôn ngữ thân thể do Viện điếc Viataal và Ủy ban II Hà Lan giới thiệu.

Hiện nay, chương trình can thiệp sớm đang áp dụng tại TT rất hiệu quả. Đây là chương trình tư vấn, giúp đỡ phụ huynh có con em khiếm thính cách nghe, nói. Phụ huynh đưa bé từ 0 đến 4 tuổi đến TT để các giáo viên hướng dẫn. Mỗi lần hướng dẫn khoảng hơn một giờ đồng hồ. Mỗi tuần một lần, có khi 2 lần nếu đó là những trường hợp được xác định nặng hơn. Đây là chương trình đã mang lại kết quả tốt, nhiều em đã “nghe” tốt hơn và nói nhiều hơn. Sơ Trịnh Thị Đào, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tính đến hôm nay cũng hơn 100 năm phục vụ, tiếp nối bao thế hệ của các chị đi trước đã yêu thương, chăm sóc và giáo dục những con người bị KT vì thiếu mất ngôn ngữ là dụng cụ để giao tiếp diễn đạt. Chúng tôi cũng có thể cảm nhận và hãnh diện về ơn gọi cao quý của chúng tôi là được hòa mình vào dòng chảy cuộc sống của dân tộc để được chia sẻ nỗi bất hạnh với người KT...”.

Tìm hướng mở cho tương lai

Mỗi ngày vào buổi sáng, các học sinh tại TT được học văn hóa; còn buổi chiều các em được hướng dẫn học nghề. Sơ Trần Thị Mai Phương, giáo viên dạy nghề ở TT cho biết, hiện tại, TT có nhiều nghề để các học sinh lựa chọn, từ may, vẽ, lọng đến thêu, tranh ghép gỗ, mộc... Có nhiều em học vẽ tranh sơn dầu và từng mang tranh đi dự thi ở trong, ngoài tỉnh. Mỗi năm, trung bình có khoảng 50 em tham gia các lớp học nghề. Dạy học, dạy nghề đối với những người bình thường đã khó, ở đây dạy cho những em KT càng khó hơn. Nhưng với sự nhiệt tình của các giáo viên và sự nỗ lực, cố gắng hết mình của các em mà sau khi học xong nhiều em đã tìm được công việc làm phù hợp. Có em còn tự mở tiệm làm nghề để có thể tự lo cho bản thân và còn giúp đỡ gia đình. Thậm chí có em đã trưởng thành vững vàng với tay nghề cao như em Nguyễn Trường Tiền. Với sự nỗ lực vươn lên, Tiền đã trở thành người đứng đầu đội ngũ 30 công nhân KT tại Công ty Yazaki.

Là người khiếm thính nên việc hòa nhập với cộng đồng với các em còn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí ngay cả việc giao tiếp với người thân trong gia đình cũng gặp nhiều hạn chế. Chỉ khi được đến với TT, các em mới được hòa nhập, được là chính mình. Do đó, từ lâu TT đã thực sự trở thành mái ấm những em có hoàn cảnh đặc biệt này. Từ năm 2008, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho mỗi trẻ KT 100.000 đồng, gia đình các em đóng góp 200.000 - 300.000 đồng/tháng. Với số tiền ít ỏi đó, TT đã khá vất vả để lo cho các em từng bữa ăn cũng như trong học tập. Nhưng dường như càng khó khăn đã làm cho tình cảm con người nơi đây xích lại gần nhau hơn. Đối với những người đã và đang gắn bó tại TT, đây là nhà, các em là những người con và họ là những người mẹ. Và càng đáng trân trọng biết bao khi tình cảm đó lại dành cho những người con kém may mắn. Sơ Trịnh Thị Đào tâm sự: “Chúng tôi mong rằng ngày càng có thêm nhiều cánh tay tiếp nối trong sự nghiệp giáo dục trẻ KT nói chung và KT nói riêng. Chúng tôi cũng ước mơ mình có thêm được nhiều điều kiện tốt hơn để hoàn thành thật tốt hơn nữa công tác chăm lo giáo dục cho trẻ KT để mai ngày các em trở thành công dân tốt cho xã hội. Các em có thể tự tin hơn bước vào đời hòa nhập với cộng đồng bằng đôi chân đầy nghị lực và khối óc của các em. Với lòng nhiệt thành không bao giờ thiếu của chúng tôi, dù vòng tay không đủ dài, dù con tim bé nhỏ và năng lực giới hạn của mình, chúng tôi dám mạo muội xúc tiến làm kế hoạch để xây dựng một TT Can thiệp sớm dành cho trẻ KT tuổi từ 0 đến 6 để giáo dục các em bằng phương pháp nghe - nói để các em dễ dàng hòa nhập với mọi người”.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên