Trung tâm phát triển quỹ đất: Đi trước, mở đường phát triển các công trình

Cập nhật: 25-04-2019 | 08:42:14

Với nhiệm vụ đi trước mở đường, tạo quỹ đất sạch cho phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật - một nhiệm vụ không hề đơn giản vì liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân, những năm qua, Trung tâm Phát triển quỹ đất Sở Tài nguyên và Môi trường đã cùng chính quyền các địa phương thực hiện nhiều giải pháp kết hợp nhằm bảo đảm tiến độ và sự đồng thuận trong nhân dân.

Bảo đảm hài hòa quyền lợi

Theo các chuyên gia, việc thực hiện các công trình hạ tầng kỹ thuật, từ đường giao thông nông thôn đến cầu cống, bến bãi, thoát nước đô thị... đều phải trải qua các bước khảo sát, lập kế hoạch, dự toán rồi đến đền bù giải tỏa, thi công. Thực tế cho thấy, thời gian giải tỏa, bàn giao mặt bằng càng nhanh thì hiệu quả đầu tư công trình mang lại càng lớn, nhờ công trình sớm đưa vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu và mong đợi của người dân và toàn xã hội.

Cụ thể, là đầu tư lớn và có chất lượng vào cơ sở hạ tầng sẽ đóng vai trò then chốt để duy trì tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong trung và dài hạn, đáp ứng nhu cầu đi lại, mua bán của người dân ở địa phương được thuận tiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhanh hơn. Hoặc là, chiếc cầu xây xong sớm thì việc kết nối qua lại giữa 2 bờ sông sẽ thuận lợi, giảm thiểu đối đa những rủi ro và nguy hiểm rình rập...

Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng giúp việc thực hiện các dự án giao thông thuận lợi. Trong ảnh: Thi công một công trình giao thông tại TX.Dĩ An.
Ảnh: DUY CHÍ

Hiện Trung tâm Phát triển quỹ đất Sở Tài nguyên và Môi trường đã và đang phối hợp với nhiều địa phương trong tỉnh khảo sát, kiểm kê, lập kế hoạch bồi thường, giải ngân 6 công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng trong kết nối kinh tế vùng, giải tỏa áp lực giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như công trình nâng cấp mở rộng đường ĐT743 từ ngã tư chùa Thầy Thỏ đến cầu vượt Sóng Thần có tổng chiều dài 12km, đi qua địa bàn TX.Thuận An và TX.Dĩ An; công trình đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng có tổng chiều dài 47km đi qua 3 địa phương Bắc Tân Uyên, Phú Giáo và Bàu Bàng...

Ông Mai Văn Chung, chuyên viên Phòng Bồi thường và Giải phong mặt bằng thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất, cho biết đựợc sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh thực hiện các quy định pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để áp dụng trên thực tiễn nhằm góp phần tìm ra giải pháp khắc phục những tồn tại, thiếu sót và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

UBND tỉnh đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo thực hiện theo Luật Đất đai; yêu cầu các cơ quan chuyên môn đẩy nhanh công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu tập trung tham mưu giải quyết các trường hợp sử dụng đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30 - 70% theo quy định. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng rà soát chuẩn bị đầy đủ quỹ đất tái định cư với phương châm đa dạng hóa loại hình, đa dạng hóa các chủ đầu tư và tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh một số nội dung trong cơ chế chính sách như: Xác định giá đất, tái định cư, thu hồi đất, quy trình giải phóng mặt bằng, cưỡng chế thu hồi đất theo hướng tối đa hóa bồi thường, hỗ trợ và các chính sách hỗ trợ cho người bị thu hồi đất nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật cho phép…

Giải pháp đẩy nhanh tiến độ

Tuy đã áp dụng nhiều giải pháp có lợi nhất trong công tác vận động, đền bù giải tỏa nhưng đại diện Phòng Bồi thường và Giải phóng mặt bằng Trung tâm Phát triển quỹ đất chia sẻ không có dự án, công trình nào liên quan đến đền bù giải tỏa mà dễ dàng, nhất là các công trình có tính chất nâng cấp mở rộng. Bởi vì khi nâng cấp mở rộng công trình, nhà dân nằm ven trục đường thường phát sinh lợi ích từ việc mua bán, cho thuê mặt bằng.

Trên thực tế, cũng có nhiều trường hợp tuy không phải nâng cấp mở rộng công trình mà chỉ đấu nối, kết nối giữa đường giao thông với khu công nghiệp hoặc giữa 2 trục đường với nhau nhưng liên quan đến công trình dân dụng, nhà trọ cũng phát sinh nhiều đơn kiến nghị, khiếu nại không có cơ sở xem xét, giải quyết nhưng mất nhiều thời gian xác minh, tham mưu giải quyết. Đối với những công trình này, dù tỉnh đã áp dụng thực thi các văn bản quy phạm pháp luật để đem lại lợi ích cho Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, tạo được tiếng nói đồng thuận giữa các bên để đưa ra các giải pháp hoàn thiện, bảo đảm quyền lợi đơn giá bồi thường đất nông nghiệp trong đô thị, đơn giá công trình xây dựng... Tuy nhiên, các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức trong phạm vi bị ảnh hưởng giải tỏa trong dự án vẫn không chấp hành, còn chần chừ kéo dài thời gian.

Đối với những trường hợp nói trên, Trung tâm Phát triển quỹ đất với vai trò là phó ban thường trực hội đồng đền bù giải tỏa sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương vận động thuyết phục người dân nhằm đạt được sự đồng thuận cao nhất, cũng như sự hợp tác tốt nhất của người dân, bảo đảm tiến độ bồi thường để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất chia sẻ kinh nghiệm, Bình Dương phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, thu hút nhiều nhà đầu tư nên thực tế giá đất đai biến động từng ngày. Dù tỉnh đã áp dụng khung giá, mức bồi thường có lợi nhất cho dân nhưng còn do yêu cầu về thời gian thông qua việc cắt giảm các quy trình kỹ thuật như đo đạc, kiểm kê... Muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình, đúng kế hoạch thì các dự án cần phải được triển khai và hoàn thành trong năm, không để kéo dài sang năm vì quy trình thủ tục phải thay đổi, giá cả tăng khiến việc bồi thường gặp nhiều khó khăn, kéo dài, không bảo đảm tiến độ.

Kết hợp với dân vận

Nói về việc kết hợp giữa dân vận với vận động đền bù giải tỏa, ông Nguyễn Văn Vẹn, đại biểu HĐND tỉnh, nêu câu chuyện thực tế tại xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh. Đó là khi thực hiện nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa, chính quyền địa phương đã phối hợp tốt với chủ đầu tư trong vận động nhân dân bàn giao mặt bằng. Trong điều kiện kinh phí của huyện có hạn nhưng chính quyền địa phương vẫn tổ chức tuyên dương, khen thưởng những hộ làm tốt, bàn giao sớm mặt bằng cho đơn vị thi công tại lễ khởi công công trình. Cách làm này đã góp phần cổ vũ, động viên các hộ còn lại và công trình đã hoàn thành trong năm 2018. Dù công trình đã hoàn thành nhưng địa phương vẫn không quên mời bà con về xã, về huyện nhận quà tết như lời tri ân nhằm gắn kết tình cảm, hợp tác giữa chính quyền với nhân dân một cách lâu dài, bền vững.

Khi phóng viên trao đổi câu chuyện nói trên với lãnh đạo một phường trong tỉnh có nhiều hộ dân chưa nhận tiền đền bù, vị này cho biết chính quyền địa phương đã tìm hiểu rất kỹ vấn đề này và đặt ra nhiều giải pháp. Cốt lõi của vấn đề là giá đền bù đất vì bà con còn so đo giữa quyền lợi trước mắt và ý nghĩa của công trình. Địa phương sẽ tiếp tục vận động, thuyết phục các hộ này chấp thuận phương án đền bù, giải tỏa của tỉnh, nếu không đạt kết quả thì áp dụng biện pháp hành chính, vì thiểu số phải phục tùng đa số.

Để công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt, nhiều người cho rằng việc kết hợp giữa chi trả với động viên khen thưởng cần được quan tâm thực hiện. Ông bà ta có dạy “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Vì muốn nhận được nhiều tiền đền bù của Nhà nước mà bị người đời ca thán vì làm cản trở việc đi lại của nhiều người, gây khó khăn cho xã hội thì sẽ không có nhiều người chọn được nhiều tiền, mà phải chọn được khen thưởng giữa làng để con cháu sau này còn được tiếng thơm.

Thiết nghĩ, câu chuyện kết hợp giữa dân vận, khen thưởng trong giải tỏa đền bù cần được phát huy để xã hội có thêm nhiều công trình hữu ích. Làm như vậy, người dân sẽ đồng tình, hưởng ứng cao.

Ông MAI HÙNG DŨNG, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Vai trò người đứng đầu phải xuyên suốt

Khi thực hiện các công trình xây dựng, công tác khảo sát, lập dự toán ban đầu là rất quan trọng, không thể giao cấp phó, cấp dưới làm thay, vì cấp phó, cấp dưới chỉ tiếp thu, ghi nhận những việc thuộc thẩm quyền. Nếu thiếu sự có mặt của người đứng đầu thì hồ sơ theo trình tự đi lên, cho đến khi triển khai thực hiện lại phát sinh những vấn đề mà nếu trong khâu khảo sát, lập dự toán có mặt của người đứng đầu thì sẽ không phát sinh. Cụ thể như công trình đường dây điện thuộc địa bàn huyện Bàu Bàng. Khi khảo sát, cấp dưới, địa phương chưa nắm hết quy định; khi triển khai thì phía dưới đường dây điện là trường học, phải thay đổi thiết kế, làm lại rất tốn kém, vất vả.

 

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên