Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore: Đầu tư công nghệ, nâng chất sinh viên

Cập nhật: 03-11-2020 | 07:34:51

 Để nâng cao chất lượng đào tạo, giúp sinh viên cọ sát với tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu công việc tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn, mới đây, trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore vừa đưa phòng thí nghiệm chế tạo (Fablab) cơ - điện Bình Dương vào hoạt động.

 Sinh viên trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore hồ hởi khi lần đầu được thực tập trên các máy móc hiện đại tại phòng Fablab

 Nâng chất sinh viên

Sau hơn 1 năm xây dựng, phòng thí nghiệm có tổng chí phí xây dựng hơn 10 tỷ đồng, gồm các loại máy móc hiện đại như máy cắt đột, tiện CNC, cắt dây đồng, máy cắt đa năng, mô hình băng chuyền tự động… đã được khởi động nhằm đáp ứng việc dạy, học tại trường và những ai có nhu cầu đến đây học hỏi. Phòng thí nghiệm này là một trong những đề án gồm 3 nhà phối hợp thực hiện (Nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường), nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tăng cường hoạt động nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ; chú trọng nâng cao tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo, không gian thực nghiệm công nghệ và chế tạo trong giới trẻ…

Căn phòng có diện tích 230m2 này đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên học nghề. Em Nguyễn Thanh Dũng, sinh viên lớp C18CK1 chia sẻ: “Em đang theo học năm thứ 2 khoa cơ khí tại trường. Những loại máy móc vừa được đầu tư tại phòng Fablab rất hiện đại, trước đây em chưa từng thấy và chưa được thực tập trên các máy này bao giờ. Em nghĩ rằng nếu mình được học lý thuyết, kết hợp với việc thực tập thường xuyên trên các loại máy cơ khí hiện đại, ngày ra trường sẽ có một kiến thức khá ổn”. Bạn Vũ Xuân Thanh, học chung lớp với Dũng cho rằng: “Em được biết hiện trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có rất nhiều dây chuyền, máy móc hiện đại. Có được phòng thí nghiệm chất lượng như thế này để thực tập, được cọ sát thực tế thì khi đi làm chúng em không bị bỡ ngỡ và các công ty, xí nghiệp nhận sinh viên vào làm không mất thời gian đào tạo lại”.

Về giá trị và ý nghĩa của phòng Fablab, ngay cả những giáo viên có kinh nghiệm đang giảng dạy tại trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore cũng không giấu được niềm vui trong ngày phòng thí nghiệm được khai trương. Nhiều giáo viên tại đây nhận định, có được một phòng thí nghiệm gồm nhiều loại máy móc hiện đại như thế này để các em thực tập sau giờ học lý thuyết, sẽ mở ra cho các em sinh viên rất nhiều cơ hội. Phòng Fablap này không thể so sánh với các loại máy móc hiện đại ở châu Âu, nhưng không thua kém gì với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ban giám hiệu nhà trường cũng rất mong trong thời gian tới, các ngành, các cấp sẽ tạo điều kiện để trên địa bàn tỉnh có nhiều phòng thí nghiệm như thế này được mở ra như khoa điện, điện tử… thì khi đó sinh viên trường nghề sẽ có tay nghề khá, giỏi sau ngày ra trường và kiếm được một công việc tốt.

Kết nối cộng đồng

Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu dạy và học, có thể nói, phòng Fablab là một xưởng chế tạo nhỏ tập trung vào lĩnh vực chế tác số, tạo ra một không gian để các cá nhân có thể phát huy năng lực cốt lõi của bản thân, thực hiện bất cứ điều gì họ muốn; thể hiện cá tính và khả năng sáng tạo, là nơi mọi người có thể gặp gỡ, chia sẻ kiến thức hay cùng nhau trao đổi về các dự án, để qua đó thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo trong cộng đồng những người đam mê sáng chế. Hoạt động của phòng Fablab cũng góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và sáng tạo trong cộng đồng sinh viên, trong các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, gắn nghiên cứu với thực tiễn; cung cấp không gian làm việc miễn phí cho tất cả mọi người trong cộng đồng bằng cách tạo điều kiện sử dụng máy móc, thiết bị sản xuất cần thiết…

Thầy Trần Hùng Phong, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết với mong muốn đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, cho xã hội, góp phần thúc đẩy nền khoa học kỹ thuật ngay tại tỉnh Bình Dương, mô hình hoạt động của Fablab cơ - điện Bình Dương gồm 3 hoạt động “Đào tạo (Learn) - Chế tạo (Make) - Chia sẻ (Share)”. Qua đó, trường thường xuyên mở các lớp đào tạo về kỹ năng thực hiện, phát triển ý tưởng nhằm hiện thực hóa ý tưởng, khóa học in 3D… kết hợp các Fablab khác và trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp Bình Dương để đào tạo triển khai theo xu hướng STEM. Mọi cá nhân có thể tham gia vào Fablab nhằm thực hiện ý tưởng chế tạo của bản thân thông qua sự hỗ trợ của đội ngũ và trang thiết bị mà Fablab đã được trang bị để tạo ra những sản phẩm thiết thực với cuộc sống. “Bên cạnh đó, Fablab là nơi mọi người có thể gặp gỡ, chia sẻ kiến thức hay cùng nhau trao đổi về các dự án để qua đó thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo trong cộng đồng những người đam mê sáng chế, trao đổi với đội ngũ kỹ thuật chuyên môn cao nhằm đạt được mục tiêu thực hiện ý tưởng khoa học”, thầy Trần Hùng Phong nói.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công Nghệ, cho biết việc thành lập phòng thí nghiệm Fablab không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học cho sinh viên, cộng đồng trên địa bàn mà còn hiện thực hóa chủ trương, chính sách của tỉnh trong thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hướng đến xây dựng thành phố Thông minh Bình Dương năng động, sáng tạo.

 Hoạt động của phòng Fablab cơ - điện Bình Dương cũng góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và sáng tạo trong cộng đồng sinh viên, trong các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, gắn nghiên cứu với thực tiễn; cung cấp không gian làm việc miễn phí cho tất cả mọi người trong cộng đồng bằng cách tạo điều kiện sử dụng máy móc, thiết bị sản xuất cần thiết…

 QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên