Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương: Thí điểm đào tạo trực tuyến

Cập nhật: 22-08-2019 | 05:36:49

 Nhằm hỗ trợ các trường trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ Đề án thành phố thông minh - Bình Dương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã thí điểm, xây dựng và triển khai hệ thống giáo dục trực tuyến (E-learning) tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh và đã chọn khoa công nghệ thông tin (CNTT) trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương là đơn vị thí điểm triển khai dự án.

 Học sinh, sinh viên trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương trong giờ học thực hành môn mạng không dây trên hệ thống đào tạo trực tuyến CLS.vn

 Học tập mọi lúc, mọi nơi

Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Thành Trí, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương, cho biết trường là đơn vị thụ hưởng thiết bị đào tạo từ dự án thành lập 5 trường cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc trên toàn quốc (Hà Nội, Nghệ An, Quảng Ngãi, Cà Mau và Bình Dương) từ nguồn vốn ODA. Khoa CNTT là một trong các khoa được thụ hưởng thiết bị đào tạo, với các trang thiết bị gồm: 1 phòng máy Server (4 máy chủ), 1 phòng máy ngoại ngữ (Lab Language - số lượng 21 máy tính, với hệ thống đào tạo 4 kỹ năng: Nghe - nói - đọc - viết), 2 phòng máy thực hành tin học (tổng cộng 42 máy tính, cấu hình cao).

Bên cạnh đó, khoa còn 2 phòng máy chuyên thực hành hệ thống mạng (được đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia) để triển khai đào tạo 2 ngành nghề: CNTT - ứng dụng phần mềm (trình độ cao đẳng) và nghề quản trị hệ thống mạng máy tính (trình độ trung cấp, cao đẳng). Trong năm học 2018-2019, khoa là đơn vị được thụ hưởng hệ thống đào tạo trực tuyến CLS.vn từ Sở LĐ-TB&XH. Hiện nay, khoa đang đào tạo hơn 100 sinh viên theo học E-learning.

Học tập trực tuyến (E-learning) đã làm thay đổi mạnh mẽ quá trình tự học do khả năng cá nhân hóa cũng như đáp ứng hiệu quả các hoạt động học tập của người học. E-learning cùng với hình thức học liệu rất hay, đó là học liệu điện tử (bao gồm: Sách điện tử - EBook; bài giảng điện tử; bộ câu hỏi ôn tập và phần kiểm tra đánh giá quá trình tự học của học sinh, sinh viên) do chính những giáo viên trong khoa xây dựng, được tích hợp trên môi trường công nghệ internet đã đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học.

Hệ thống đào tạo trực tuyến có các ưu điểm là đào tạo tại mọi lúc mọi nơi, tiết kiệm chi phí học tập (đi lại, địa điểm tổ chức học tập…), nội dung đào tạo đa dạng (tài liệu giảng dạy, sách bao gồm hình ảnh, âm thanh, video… tích hợp lại với nhau). Đào tạo trực tuyến đòi hỏi người học phải có tính tự giác học tập cao, chủ động trong việc nghiên cứu tài liệu, tích cực trao đổi, tương tác với giáo viên trong quá trình học tập.

Nhiều ưu điểm vượt trội

Khoa đã triển khai thí điểm vào các môn học trong chương trình trung cấp quản trị mạng máy tính, giảng dạy song song đào tạo trực tuyến với đào tạo tại trường. Giáo viên trong khoa đã tiến hành soạn giáo trình, bài giảng, tài liệu hướng dẫn thực hành (dưới dạng pdf, các đoạn video hướng dẫn thực hành từng bước), mở các lớp học tương ứng với các môn học trong chương trình đào tạo trung cấp quản trị mạng máy tính cho các em học sinh. Các em vừa được giáo viên giảng dạy, hướng dẫn trên các thiết bị tại trường; đồng thời với việc các em sẽ tự trang bị kiến thức, kỹ năng thông qua các bài tập, các bài hướng dẫn thực hành, các câu hỏi kiểm tra kiến thức, kỹ năng thực hành được các giáo viên cập nhật liên tục trên hệ thống trực tuyến.

Với hệ thống đào tạo trực tuyến, ngoài việc được thầy cô trong khoa hướng dẫn trên trường, các em học sinh có thể tự ôn luyện lại kiến thức, kỹ năng thực hành (thông qua các bài hướng dẫn trên mô hình hệ thống mạng máy ảo) ở bất kỳ nơi đâu mà có internet để nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề cho các em học sinh.

Thầy Nguyễn Thành Trí cho biết thêm, nhà trường luôn chú trọng việc nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo của tất cả các ngành nghề. Trong thời gian tới, việc áp dụng chính thức hệ thống đào tạo trực tuyến vào giảng dạy của nhà trường sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao trình độ của các em học sinh, sinh viên; từ đó góp phần tạo ra nguồn nhân lực có trình độ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh trong bối cảnh cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

“E-learning là một loại hình đào tạo mới rất phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, nhất là chúng ta đang hội nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; cung ứng lao động có tay nghề để vận hành thành phố thông minh - Bình Dương trong tương lai. Với phần mềm được cài sẵn, chỉ cần một thiết bị có kết nối internet, mất vài phút đăng nhập là học sinh, sinh viên có thể truy cập các bài giảng vừa được học trên lớp. Phương thức học tập trực tuyến không chỉ cung cấp kiến thức theo yêu cầu, thông tin đáp ứng nhanh chóng mà còn giúp người học nâng cao khả năng tự học và tự khám phá”.

(Ông Võ Đông Duy, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH)

 TƯỜNG VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X