Trường Đại học Thủ Dầu Một: Thêm ngành mới đáp ứng nguồn nhân lực cho xã hội

Cập nhật: 11-01-2021 | 10:59:25

Nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho xã hội, đồng thời giúp thí sinh có thêm lựa chọn ngành, năm nay, trường Đại học (ĐH) Thủ Dầu Một mở 2 ngành đào tạo mới là ngành công nghệ sinh học và ngành dinh dưỡng.


Sinh viên trường ĐH Thủ Dầu Một thường xuyên được thực hành, thực tập

Nói về lý do đưa ngành công nghệ sinh học (CNSH) vào đào tạo, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc chương trình CNSH ĐH Thủ Dầu Một, chia sẻ tại Việt Nam, ngành này nằm trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ từ nay cho đến năm 2030 nhằm ứng dụng vào các lĩnh vực, như: Y dược, nông - lâm-ngư nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường.

Chương trình đào tạo của ngành được xây dựng theo chuẩn AUN-QA (chuẩn đầu ra của các trường ĐH Đông Nam Á), tham khảo các trường ĐH hàng đầu của Việt Nam và trên thế giới theo hướng gắn kết nhà trường - doanh nghiệp. Chương trình có các nhóm kiến thức chuyên sâu về CNSH trong các lĩnh vực CNSH: Y dược, nông nghiệp, môi trường, công nghiệp - thực phẩm. Thí sinh lựa chọn học ngành này cơ hội có việc làm sẽ cao vì nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực CNSH đang có nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao. Tại Bình Dương, trường ĐH Thủ Dầu Một đã có ký kết cung cấp nguồn nhân lực với các công ty, các khu công nghiệp.

Ngành Dinh dưỡng cũng là ngành mới của trường, cơ hội việc làm nhiều vì nguồn nhân lực ngành này đang quá ít. Đây chính là lý do trường ĐH Thủ Dầu Một đưa vào đào tạo ngành này trong năm 2021. Đây là ngành học được đào tạo để làm việc trong hệ thống dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, tư vấn dinh dưỡng trong phòng ngừa và khắc phục những thiếu hụt dinh dưỡng hướng tới mục tiêu bảo đảm sức khỏe cộng đồng

Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, chương trình đào tạo ngành này cũng được nhà trường xây dựng theo chuẩn AUN-QA. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, ngành đặt ra mục tiêu đào tạo người học trở thành cử nhân dinh dưỡng có kiến thức khoa học cơ bản, kiến thức chuyên ngành và kỹ năng thực hành cơ bản để giải quyết các vấn đề dinh dưỡng cộng đồng, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng lâm sàng - tiết chế...

Nhằm giúp người học đáp ứng yêu cầu công việc sau khi ra trường nên thời lượng thực hành, thực tập của cả 2 ngành chiếm trên 40% thời lượng chương trình đào tạo. Sinh viên được kiến tập ngay từ năm nhất, thực hành nghề nghiệp vào năm 2 và thực tập từ năm 3 tại các cơ sở, đơn vị.

 HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X