Trường học, Cơ sở khám chữa bệnh: Tăng cường phòng, chống các bệnh truyền nhiễm

Cập nhật: 22-10-2018 | 09:26:31

Hiện nay, bệnh sởi, sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM) có số ca mắc cao hơn so với cùng kỳ năm trước và có xu hướng tiếp tục tăng. Chủ động phòng, chống là cách duy nhất để tránh cho bệnh lây lan rộng trong cộng đồng. Môi trường bệnh viện và trường học là hai nơi có nguy cơ lây lan bệnh nhiều nhất nên được ngành y tế và ngành giáo dục - đào tạo đặc biệt quan tâm…

Trường học - chủ động phòng chống bệnh TCM

Trước tình hình bệnh TCM đang gia tăng ở các địa phương, mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chỉ đạo các trường đẩy mạnh phòng chống bệnh này. Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết ngành đã nhắc nhở các trường mầm non, tiểu học, THCS tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi sinh hoạt, học tập cho học sinh (HS), đặc biệt là HS tại các trường tiểu học và các cơ sở giáo dục mầm non. Bảo vệ sức khỏe cho HS, các trường triển khai thực hiện ba sạch: Ăn sạch, uống sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là đối với các cô bảo mẫu, cô giáo mầm non, mẫu giáo. Bên cạnh đó, các trường lưu ý thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín; phối hợp với cha mẹ HS triển khai các biện pháp phòng chống lây nhiễm TCM tại gia đình và cộng đồng. Cô Trần Thị Kim Chung, Hiệu trưởng trường Mầm non Võ Thị Sáu (TX.Dĩ An), cho biết việc phòng, chống bệnh TCM trong trường học luôn được nhà trường hết sức quan tâm. Nhà trường đã dán thông báo tuyên truyền về bệnh TCM trước lớp học và bảng thông báo chung trước sân trường...


Một trường hợp bệnh nhi bị tay chân miệng điều trị tại khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Dù trường lớp đã sạch đẹp, nhưng với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, một lần nữa các trường tổ chức tổng vệ sinh môi trường bên trong và xung quanh trường học. Lớp học và đồ chơi của trẻ được các cô giáo mầm non rửa sạch bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Tại trường Mầm non Đoàn Thị Liên (TP.Thủ Dầu Một), công tác vệ sinh lớp học, nhà vệ sinh được các cô thực hiện tích cực. Từ khi có thông tin bệnh TCM tăng cao, các cô rất chú ý đến việc giữ vệ sinh cho cháu, đồ chơi của trẻ cũng được rửa thường xuyên hơn. Mỗi sáng, khăn mặt của các cháu được trụng qua nước sôi, sau đó đem phơi nắng, đồng thời giáo viên nhắc nhở các cháu sử dụng đúng khăn của mình... Nhờ thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh phòng bệnh, đến thời điểm hiện tại trường chưa có trường hợp trẻ bị bệnh TCM.

Cơ sở khám chữa bệnh - tích cực điều trị, giảm lây nhiễm chéo

Theo đánh giá của ngành y tế, hiện nay các bệnh lây nhiễm gồm sởi, SXH Dengue và TCM có số ca mắc cao hơn so với cùng kỳ năm trước và có xu hướng tiếp tục tăng. Số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh gia tăng, gây nên tình trạng quá tải và nguy cơ lây nhiễm chéo dịch bệnh trong bệnh viện. Cùng với cả nước, bệnh sởi, TCM và SXH trên địa bàn tỉnh cũng có xu hướng tăng. Tính đến hết tháng 9, toàn tỉnh ghi nhận 58 ca bệnh nghi sởi, trong đó có 13 ca xét nghiệm dương tính; 3.804 ca bệnh TCM và 4.454 ca SXH, có 2 ca tử vong.

Trước tình hình các bệnh truyền nhiễm đang tăng, thực hiện sự chỉ đạo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Sở Y tế đã nhanh chóng chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai các hoạt động liên quan nhằm tăng cường công tác khám, phân loại, điều trị 3 bệnh trên nhằm chống quá tải, giảm lây nhiễm chéo và giảm tử vong. Một trong những hoạt động mà Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế liên quan cần tập trung thực hiện trong thời điểm này đó là công tác truyền thông trong cơ sở khám, chữa bệnh. Theo Sở Y tế, công tác này cần được các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường thực hiện bằng nhiều hình thức như qua hệ thống loa đài, hướng dẫn trực tiếp, bằng poster, tờ rơi... để người bệnh, thân nhân người bệnh, nhân viên y tế hiểu rõ đường lây của 3 bệnh trên (bệnh sởi lây theo đường hô hấp, bệnh TCM lây theo đường tiêu hóa, chủ yếu từ nước bọt, bỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh; bệnh SXH lây do muỗi vằn Aedes Aegyptl truyền bệnh). Song song đó, các cơ sở khám, chữa bệnh cũng cần tổ chức, hướng dẫn, khuyến cáo hoặc bắt buộc phải thực hiện: đối với người bệnh sởi và nghi sởi phải mang khẩu trang khi đi khám bệnh, đối với trẻ nhỏ thì người nhà lấy khăn giấy che miệng khi trẻ ho, hắt hơi; đối với bệnh TCM, phải rửa tay bằng xà phòng mỗi khi chăm sóc, vệ sinh cho trẻ; đối với bệnh SXH thì phải phòng, chống muỗi đốt khi nằm viện.

Cùng với công tác truyền thông, cần thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh. Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết sở đã yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức phân luồng và có khu khám riêng để sàng lọc bệnh sởi, nghi sởi. Đối với bệnh TCM có thể khám chung với các bệnh khác nếu nhân viên y tế làm tốt việc khử khuẩn, vệ sinh tay. Những ca bệnh sởi, TCM, SXH nặng phải nhập viện điều trị nội trú theo đúng hướng dẫn, đúng tuyến điều trị để tránh quá tải và giảm lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh cần tổ chức tư vấn, hướng dẫn người bệnh biết cách chăm sóc ca bệnh nhẹ tại nhà để giảm chi phí điều trị cho gia đình và xã hội, tránh được lây nhiễm chéo và quá tải bệnh viện. “Về công tác điều trị, đối với bệnh sởi, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh bố trí khu vực thu nhận bệnh sởi và nghi sởi riêng biệt tại khoa nhiễm, khoa nhi hoặc các khu vực cách ly của các khoa lâm sàng khác trước khi có chẩn đoán xác định bệnh sởi. Đối với bệnh TCM, phải bố trí khu vực điều trị bảo đảm cách ly tốt với khu vực điều trị để tránh lây nhiễm chéo. Đối với các ca bệnh sởi nặng, ca bệnh TCM nặng nếu phải điều trị tại khoa hay tại đơn vị hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu cũng phải bảo đảm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo. Với bệnh SXH, các cơ sở khám, chữa bệnh phải bảo đảm việc tránh muỗi đốt người bệnh SXH để phòng ngừa muỗi đốt sang người bệnh khác...”, bác sĩ Hà cho biết.

Sởi, TCM và SXH là 3 bệnh có nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng nếu không chủ động phòng, chống. Khuyến cáo mà các bác sĩ thường lưu ý đối với 3 bệnh này là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Trong thời điểm bệnh tăng như hiện nay, tốt hơn hết, mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức tự giác, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống để cùng với nhà trường, ngành y tế thực hiện tốt công tác phòng, chống nhằm góp phần làm giảm ca bệnh và tử vong do 3 bệnh trên gây ra.

H.THUẬN - H.THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên