Trường nghề tuyển sinh căng thẳng

Cập nhật: 25-08-2010 | 00:00:00

Chuẩn bị vào năm học mới 2010-2011, các trường nghề bước vào mùa cao điểm tuyển sinh, thế nhưng mùa tuyển sinh năm nay nhiều trường nghề rơi vào cảnh “đìu hiu” đang phải đối mặt với khó khăn không tuyển đủ chỉ tiêu.

Trường nghề khó tuyển sinh

Đến thời điểm này, hầu như các trường nghề đang bước vào mùa cao điểm tuyển sinh. Hệ thống trường đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp hiện đang phải cạnh tranh gay gắt trong công tác tuyển sinh. Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Tân Uyên Phạm Minh Sang, cho biết: “Các trường nghề nói chung đều gặp khó nhưng chưa năm nào tuyển sinh lại rơi vào tình trạng đìu hiu như năm nay. Ngay trong những ngày đầu tháng 6, trường đã đăng thông báo tuyển sinh năm học mới 2010-2011 trên các phương tiện truyền thông, treo băng rôn... Thế nhưng, qua một thời gian tuyển sinh có 45 hồ sơ phát ra nhưng đến ngày 18-8, chỉ có 10 hồ sơ gửi về trường đăng ký học nghề. So với mọi năm, công tác tuyển sinh năm nay rất khó khăn. Theo dự kiến đến 20-9 nhà trường khai giảng năm học mới, còn gần một tháng nữa hy vọng nhà trường nhận đủ hồ sơ đăng ký nhập học để mở lớp”.

 

Học sinh trường nghề thực hành môn học

Tại trường Trung cấp nghề Dĩ An, công tác tuyển sinh cũng không có gì khả quan, tình trạng thiếu học sinh vẫn đang tiếp diễn. Từ cuối tháng 5-2010, trường đã thông báo nhận hồ sơ tuyển sinh cho năm 2010-2011. Dù đã tuyển sinh ròng rã được 3 tháng nhưng đến nay nhà trường chỉ nhận được 65 hồ sơ đăng ký học các ngành. Vào những năm trước, đến thời điểm này thì nhà trường có đủ hồ sơ để xét tuyển cho năm học mới; còn năm nay, học sinh đăng ký ít quá nên đành... chờ. Thạc sĩ Kiều Giác Ngộ, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Dĩ An, cho biết: “Năm nay, trường Trung cấp nghề Dĩ An tuyển 300 học sinh, đào tạo các ngành: Trung cấp kế toán, xây dựng, cơ khí, điện... Trong thời gian qua nhà trường đã có nhiều cố gắng trong công tác tư vấn, tuyên truyền và hướng nghiệp đến học sinh học nghề nhưng đến nay số lượng hồ sơ thu nhận quá ít nên trường đã gặp không ít khó khăn trong công tác tuyển sinh năm học mới.

Trong năm học 2010, trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore đã tuyển sinh 2 đợt vào tháng 3 và tháng 9. Riêng đợt tuyển sinh tháng 9, tính đến ngày 18-8, trường đã tuyển được 700 học sinh theo học các khóa sơ cấp nghề chính quy, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Tuy nhiên so với chỉ tiêu trường còn thiếu rất nhiều. “Năm nay, số lượng học sinh đến đăng ký học nghề giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm học 2009”, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore Nguyễn Thành Trí cho biết.

Học sinh “ngại” trường nghề?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong quá trình tuyển sinh, các trường nghề đã cố gắng rất nhiều trong công việc tuyên truyền, quảng bá các ngành nghề đào tạo tại trường để phụ huynh và học sinh có thể biết và lựa chọn những ngành nghề phù hợp. Một số trường cũng có những chính sách ưu đãi (chủ trương chung của các trường đào tạo nghề công lập hiện nay) như miễn, giảm học phí đối với con em gia đình chính sách; được xét cấp học bổng đối với học sinh học khá trở lên và có hạnh kiểm tốt; đặc biệt là học phí của trường không cao so với các trường tư thục (do đã được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí phí đào tạo), cho dù kinh phí thực tế để đào tạo kỹ năng nghề cao hơn so với nhiều ngành nghề nghiệp vụ khác. Tuy nhiên, hiện nay việc theo học chương trình đào tạo nghề vẫn chưa thực sự được xem là con đường đi hấp dẫn đối với người học (do tâm lý của gia đình, xã hội); Nhiều phụ huynh chỉ muốn con em mình vào học đại học, cho dù có phù hợp với khả năng người học và nhu cầu của xã hội hay không. Năm học 2010-2011, là năm thứ 5 ngành giáo dục tiếp tục thực hiện phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS. Có một nghịch lý trong những năm qua khi bước vào mùa tuyển sinh lớp 10, nhiều trường công quá tải, trong khi các trường nghề lại rơi vào cảnh đìu hiu. Các trường nghề sao khó tuyển sinh? Theo Thạc sĩ Ngộ, các em học sinh được phân luồng hiện có hướng đi vào học bổ túc văn hóa ở Trung tâm giáo dục thường xuyên, một số khác vào trường trung học chuyên nghiệp hoặc vào các trường THPT dân lập nên khó cho các trường nghề. Hơn nữa, tâm lý của phụ huynh muốn con mình làm “thầy” chứ không muốn làm “thợ”. Nhìn thấy con mình mới lớp 9 (có em còn rất nhỏ) phải cật lực bên cỗ máy to lớn ai mà chẳng xót xa. Một điều nữa, đó là chính sách của một học sinh học nghề chưa rõ ràng so với học sinh ở trường trung học chuyên nghiệp. Riêng tại địa bàn Dĩ An, việc tuyển sinh lại càng khó khăn hơn so với một số địa phương bởi huyện giáp ranh với hai thành phố lớn là TP.HCM và thành phố Biên Hòa, cơ hội lựa chọn cho học sinh và sinh viên là rất lớn. Các trường mới thành lập chưa có thương hiệu nên khó cạnh tranh với các trường đã có bề dày lịch sử... Do vậy, việc trường Trung cấp nghề Dĩ An và các trường nghề khác khó tuyển sinh là điều tất yếu.

Học sinh phân luồng cũng “bỏ cuộc”

Ông Nguyễn Thành Trí cho biết: Nhằm tích cực hưởng ứng chủ trương phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS (9/12) của UBND tỉnh, trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore đã có kế hoạch tuyển sinh, đào tạo học sinh bậc Trung cấp nghề thời gian đào tạo là 3 năm (học sinh tốt nghiệp THCS). Trong năm 2010, đến nay nhà trường đã tuyển sinh được hơn 300 học sinh tốt nghiệp THCS vào học Trung cấp nghề (đến nay nhà trường vẫn đang tiếp tục tuyển sinh). Để có thể đưa thông tin hướng nghiệp đến học sinh, trong thời gian qua nhà trường đã tổ chức cho bộ phận tuyển sinh đi đến các trường THPT, THCS thông tin tư vấn, để định hướng cho các học sinh không có khả năng tiếp tục học văn hóa ở bậc học cao hơn hoặc các em muốn học nghề do điều kiện gia đình khó khăn... chọn con đường học nghề để đi làm việc.

Tuy nhiên, trong chương trình đào tạo bậc Trung cấp nghề dành cho các đối tượng là học sinh tốt nghiệp THCS, trường phải thực hiện giảng dạy các môn văn hóa THPT thuộc nhóm I (các nghề thuộc khối công nghiệp), gồm các môn: Toán, Vật lý, Hóa học và Ngữ văn. Ông Trí cũng cho biết thêm: “Để giúp các học sinh học tập tốt, nhà trường và đội ngũ giáo viên đã phải nỗ lực rất nhiều; trong thời gian qua nhà trường đã có nhiều cuộc họp, hội thảo trao đổi nhằm tìm ra phương pháp giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Trường đã tổ chức giảng dạy xen kẽ các môn nghề với các môn văn hóa, tạo điều kiện cho các em tiếp xúc với nghề nghiệp để các em ham thích học tập; sau đó dần dần bổ sung kiến thức các môn văn hóa bắt buộc, từng bước hướng các em vào con đường học tập”.

Như vậy, không ít người băn khoăn rằng số học sinh được phân luồng mà không vào học tại các trường nghề rồi sẽ về đâu? Trong khi các em mới chỉ đạt trình độ THCS. Điều mà nhiều phụ huynh cũng đang rất quan tâm, khi vào học nghề thì học sinh phân luồng bỏ học giữa chừng quá nhiều. Mặc dù các trường nghề đã biên soạn chương trình học văn hóa, nghề phù hợp với lứa tuổi của các em học sinh. Một số trường cũng đã hợp đồng số giáo viên có năng lực và kinh nghiệm để giảng dạy cho các em để tạo môi trường học tập, vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi học sinh. Song song, nhà trường luôn phối hợp cùng với gia đình quản lý, giáo dục để các em rèn luyện  học tập tốt hơn.

VĂN SƠN

Xoay quanh những nội dung liên quan đến công tác tuyển sinh ở các trường nghề, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Phùng Trung (N.P.T), Phó Giám đốc Sở Lao động TB&XH.

- Thưa ông, trong những năm qua Bình Dương luôn chú trọng đầu tư vào lĩnh vực DN để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, đến kỳ tuyển sinh năm nay thì các trường nghề gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh (dù Bình Dương đã thực hiện phân luồng học sinh). Nguyên nhân vì sao?

- Hiện nay các cơ sở dạy nghề đang giữa kỳ tuyển sinh học nghề, phải đến giữa tháng 10-2010 mới đánh giá được; tính đến thời điểm này một số trường lớn như: Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore đã tuyển trên 80% chỉ tiêu, trường Trung cấp nghề Bình Dương, Cao đẳng nghề Đông Nam bộ... đã tuyển được 50% chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh năm 2010; tuy nhiên một số trường mới thành lập hoặc nâng cấp từ trung tâm lên trung cấp nghề chưa có thương hiệu, chưa thu hút được học sinh học nghề do vậy số lượng học sinh nộp hồ sơ vào các trường này còn ít; mặt khác một số học sinh, sinh viên tốt nghiệp THPT đã thi tuyển kỳ thi cao đẳng, đại học năm nay đang chờ kết quả xét tuyển nguyện vọng 2 vào các trường cao đẳng, đại học, do đó chưa có nộp hồ sơ đăng ký vào các trường nghề.

- Trong thời gian tới, Bình Dương có những giải pháp gì thu hút học sinh vào trường nghề để đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cho tỉnh, thưa ông?

- Đó là các giải pháp: tăng cường công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong các trường phổ thông, tổ chức tuyên truyền, đẩy mạnh công tác tuyển sinh ở các huyện, thị, cung cấp đầy đủ các thông tin về các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, cơ hội việc làm, cơ hội học tập để người lao động lựa chọn.Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất ở các trường, trung tâm dạy nghề huyện, thị nhất là các huyện xa trung tâm thị xã, mở rộng, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, tăng cường củng cố và phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề, nâng cao chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm để thu hút người lao động tham gia học nghề.Nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để đào tạo và tiếp tục quan hệ các doanh nghiệp để việc đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm phù hợp với khả năng, trình độ của học sinh, sinh viên khi ra trường.

- Xin cảm ơn ông!

V.SƠN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X