Kể từ ngày 1-7, TP.HCM (mới) chính thức đi vào hoạt động, vì vậy trang web tạm ngừng cập nhật thông tin để chờ hướng dẫn. Trong thời gian này mọi thông tin liên quan đến địa bàn Bình Dương (cũ) sẽ được cập nhật trên báo Sài Gòn Giải Phóng và các ấn phẩm, nền tảng liên quan. Trân trọng!

Trưởng thành hơn từ nghề báo

Thứ bảy, ngày 22/06/2013
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Một người thầy, cũng là một cây đa, cây đề trong làng báo Việt Nam từng nói với tôi: “Nghề báo là cái nghề dạy bao nhiêu cũng không đủ. Học bao nhiêu cũng không thừa. Cái nghề dạy nghề. Còn “chiêu” để thành công? Đó là đam mê. Em không thể không có đam mê nếu muốn thành công. Một điều nữa, khi đã là nhà báo thì tránh tự cao. Tránh coi thường dư luận. Và hãy biết tôn trọng pháp luật”.  

 Nhà báo tác nghiệp trên sân Gò Đậu

10 năm làm báo, tôi cũng không khác gì các anh chị cùng nghề, là tự mình thể hiện tối đa sức lao động của mình. Không thể hiện cũng không được vì mình cứ bị cuốn theo hết sự kiện này đến sự kiện khác. Có vấn đề thời sự thì tất tả đi, tất tả viết để kịp thông tin đến bạn đọc; còn không thì cứ đêm viết, ngày đi. Với chúng tôi; thứ bảy, chủ nhật, lễ, tết đều là giờ hành chính; cả nghỉ phép cũng là để đối phó với những đề tài cần nhiều thời gian. Vất vả với nghề là thế, nhưng nếu một vài ngày không viết, chúng tôi sẽ bị lãng quên, do tuổi thọ của một bài báo quá ngắn. Bởi vậy, nếu không có lòng tự trọng nghề nghiệp, nhiều người sẽ rơi vào tình trạng viết vô thưởng, vô phạt, vì chỉ sợ độc giả quên mình.

Đi nhiều, viết cũng khá nhiều về tất cả các mảng nhưng riêng với mảng giáo dục, tôi mới thấy hết được những tình cảm thật đáng trân trọng của các thầy, các cô. Một chị đồng nghiệp bên Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương nói một câu nghe thật chí lý “Tụi mình nắm mảng này tuy không có tiền nhưng tình cảm thì đầy ăm ắp”. Thật vậy, tình cảm mà các thầy cô dành cho chúng tôi, cũng như bao thế hệ học trò, thật đáng trân trọng! Đó là thầy Võ Văn Minh Tâm, là thầy Võ Kim Lân, cựu giáo chức huyện Thuận An. Đó là cô Nguyễn Thị Lệ Hồng, cô Lưu Thu Thủy, cụu giáo chức huyện Bến Cát… Các thầy cô luôn sẵn lòng giúp chúng tôi mọi thắc mắc về những vấn đề liên quan đến giáo dục của địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung. Đó là thầy Văn Văn Phê, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Dĩ An. Tôi viết bài về vợ chồng thầy, vợ chồng nhà giáo ưu tú đầu tiên trong tỉnh cách đây đã gần 10 năm rồi. Vậy mà đến bây giờ thầy vẫn giữ và trân trọng bài báo ấy. Thầy cắt bài báo dán cẩn thận vào trang đầu tiên của cuốn sổ luôn mang bên mình như trân trọng một vật quý giá.

10 năm làm báo, tôi có điều kiện đi nhiều, gặp gỡ nhiều và chạm nhiều hơn những hoàn cảnh đáng thương. Mỗi một phận người khó khăn là một động lực để tôi phấn đấu, vì thấy mình còn may mắn. Đó cũng là điều mà tôi không ngại xoay trở, đôi khi thấy mình như một người “ăn mày” hiện đại; tôi không ngại xin. Cũng may xung quanh chúng tôi có khá nhiều các Mạnh Thường Quân và bà con, bạn bè tốt bụng, sẵn sàng chia sẻ với những hoàn cảnh không may dù chỉ là: một thùng mì gói, một suất học bổng, một cái đầu đĩa đã qua sử dụng, vài bộ quần áo cũ, mấy bộ sách giáo khoa hay vài món quà nho nhỏ cho trẻ nghèo dịp Tết Trung thu… những hạnh phúc đó đang từng ngày nhân lên với hạnh phúc nghề nghiệp của tôi.

Bây giờ, tôi đã có thể tự tin khẳng định nghề báo đã chọn mình. Viết như là thói quen, mà một vài ngày không làm, tôi cứ thấy lòng bứt rứt không yên. Chỉ một điều tôi vẫn chưa quen được cho đến tận bây giờ, đó là rất ngại khi ai đó gọi mình là nhà báo, nghe cứ quan trọng và xa cách làm sao! Với tôi, nhà báo là chức danh gắn liền với trách nhiệm xã hội; đó còn là nghiệp chứ không đơn thuần chỉ là nghề, tôi không muốn gắn lên mình, khi chưa xứng đáng thật sự.

 NGỌC THANH