Trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương: 110 năm hình thành và phát triển

Cập nhật: 11-11-2011 | 00:00:00

Hôm nay (11-11), trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương kỷ niệm 110 năm thành lập trường (1901-2011). Ngôi trường này ra đời gắn liền với các ngành nghề truyền thống của Bình Dương (Thủ Dầu Một) xưa. Trải qua hơn một thế kỷ, trường vẫn tồn tại và phát triển, quan trọng hơn hết là đã duy trì được ngành đào tạo mang tính đặc trưng của tỉnh và phát triển theo hướng đáp ứng nhu cầu của xã hội. Được sự quan tâm của tỉnh, trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong thời kỳ đổi mới

Lịch sử hình thành

Vào những năm đầu thế kỷ XX, Thủ Dầu Một đã được các nơi biết đến với những ngành nghề thủ công mỹ nghệ, trong đó nghề gốm sứ và sơn mài Bình Dương đã khá nổi tiếng ở giai đoạn này. Để phát huy thế mạnh của Thủ Dầu Một về nghề truyền thống và để phát triển ngành nghề có tính đặc trưng của địa phương, năm 1901, ngôi trường này được ra đời với tên gọi đầu tiên là trường Mỹ nghệ bản xứ Thủ Dầu Một. Vì đây là trường nghề đầu tiên đào tạo nhiều nghề nên người dân Thủ Dầu Một gọi là trường Bá Nghệ.

Giai đoạn 1901-1914, trường nằm cạnh tòa tỉnh trưởng Thủ Dầu Một, đường Đinh Bộ Lĩnh. Trường đào tạo thợ thủ công mỹ nghệ là chính, gồm các nghề: mộc, chạm gỗ, cẩn gỗ, cẩn ốc xà cừ, đúc đồng, trang trí. Năm 1914-1932 trường dời về đối diện Nhà việc Phú Cường (nay là bãi đậu xe trước chợ Thủ Dầu Một). Đầu năm 1932, trường đổi tên trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một, sau đó dời về đường Bạch Đằng cho đến nay. Từ khi đổi tên, từ đào tạo sơ cấp, trường nâng lên đào tạo trung cấp. Giai đoạn này, trường đào tạo 4 nghề: ban tế mộc công, ban sơn mài, ban điêu khắc, ban vẽ kiểu mộc và trang trí. Lúc này, HS của trường có gia cảnh nghèo, đã học xong tiểu học, có năng khiếu nghề. Giáo viên, quản lý chủ yếu là người Pháp, một số ít là các nghệ nhân, họa sĩ tốt nghiệp từ trường Trung cấp Đông Dương. Từ ngôi trường này đã đào tạo lớp nghệ nhân đầu tiên trên đất Thủ có tay nghề giỏi, là nòng cốt cho giai đoạn phát triển sau này.   Thầy Nguyễn Hùng Việt, một trong những nhà giáo gắn bó lâu năm với nhà trường bên tác phẩm đoạt giải tại triển lãm khu vực Đông Nam bộ

Từ năm 1964, do đặc điểm lịch sử, Mỹ thay chân Pháp, trường cũng được đổi tên là trường Kỹ thuật Bình Dương, chương trình đào tạo của trường thiên về kỹ thuật, ngành nghề truyền thống vẫn được duy trì.

Từ sau ngày đất nước thống nhất, trường được đổi tên thành trường Trung học Mỹ thuật công nghiệp. Trường đào tạo 2 hệ: trung học mỹ thuật công nghiệp và hệ công nhân mỹ thuật công nghiệp. Trường đào tạo 4 chuyên ngành: thiết kế đồ gỗ, sơn mài trang trí, điêu khắc trang trí, đồ họa công thương nghiệp. Do trường đào tạo những ngành nghề đặc thù có tính mỹ thuật nên tháng 10-2007, UBND tỉnh đã ký quyết định đổi tên thành trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương.  Nguyên cán bộ - giáo viên, cựu HS trường đã về thăm, tham quan triển lãm nhân kỷ niệm 110 năm thành lập trường

Duy trì và tiếp tục phát triển

Tính đến thời điểm hiện tại, nhà trường vẫn duy trì được các ngành nghề đào tạo truyền thống. Để thích ứng với xu hướng đổi mới và đáp ứng nhu cầu xã hội, trường đã mở thêm ngành thiết kế thời trang. Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT nhận xét, do là trường năng khiếu, nguồn tuyển sinh không cao nhưng trường vẫn duy trì được những ngành nghề truyền thống của tỉnh nhà, ngành nghề đào tạo đáp ứng được nguồn nhân lực cho tỉnh, học sinh ra trường có công ăn việc làm ổn định. Ông Lê Thanh Tài, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ sau ngày miền Nam giải phóng thống nhất đất nước đến nay, trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương đã đào tạo trên 5.000 học sinh, qua đó đã cung cấp nguồn lao động có trình độ mỹ thuật cho xã hội. Trong số học sinh đã tốt nghiệp từ trường Mỹ thuật Bình Dương, nhiều cựu học sinh đã trở thành những doanh nhân thành đạt, có người từng giữ những cương vị lãnh đạo của tỉnh, có người là giám đốc doanh nghiệp hoặc đang làm việc trong các công ty xí nghiệp, đa phần có uy tín trong nghề nghiệp do kỹ năng tay nghề cao.  Giờ thực hành của học sinh lớp điêu khắc

Trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương kỷ niệm 110 năm ngày thành lập đúng vào dịp cả nước tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11). Dịp này, chúng ta cùng nhớ đến công ơn của những người thầy đã tạo ra lớp nghệ nhân xưa và lớp nhà giáo đã và đang đào tạo ra nguồn lao động có tay nghề phục vụ cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Đó là các thầy Nguyễn Hùng Việt, Nguyễn Văn Nhân, Thái Kim Điền... những người đã có nhiều năm gắn bó với nhà trường cho đến tận bây giờ.

Bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương tích cực đổi mới, cải tiến chương trình đào tạo theo hướng phù hợp với nhu cầu xã hội. Hiện trường đang xây dựng chuẩn đầu ra, tiến đến đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Tạo điều kiện cho người học nâng cao trình độ, trường đã phối hợp với trường Đại học Tôn Đức Thắng đào tạo hệ vừa học vừa làm được 2 khóa, trong tương lai, trường sẽ phối hợp đào tạo liên thông lên đại học 2 ngành: đồ họa công thương nghiệp và thiết kế thời trang. Để tiếp tục khẳng định mình, chủ động để phát triển, tập thể nhà trường xây dựng đội ngũ vừa có tâm, có tầm, phẩm chất tốt, năng lực chuyên môn giỏi, yêu nghề, tận tụy với công việc. Trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương luôn kế tục và xem trọng truyền thống “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên luôn tâm huyết với phương châm “chỉ cho ra trường những sản phẩm đào tạo chất lượng nhất, bài bản nhất”, theo đúng phương châm mà ngành GD-ĐT phát động: “Dạy thật - học thật - thi thật - chất lượng thật”, ông Tài, Hiệu trưởng nhà trường đã cho biết như vậy.

H.THÁI - N.Thanh

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên