Trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương: Hướng đào tạo theo yêu cầu của sản xuất và thực tiễn xã hội

Cập nhật: 22-07-2011 | 00:00:00

Thực hiện chủ đề năm học “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” với phương châm “Dạy thật - Học thật- Thi thật - Chất lượng thật”, trường Trung cấp Mỹ thuật (TCMT) Bình Dương triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2010-2011 với nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn cơ bản.

Những năm gần đây, trường TCMT là một trong những trường có cơ sở đào tạo được tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp khá hoàn thiện, có đầy đủ các phòng chức năng với diện tích mặt bằng của 2 cơ sở hơn 6.600m2. Đội ngũ cán bộ quản lý cũng đã được ngành GD-ĐT quan tâm tăng cường; đội ngũ cán bộ giáo viên (CBGV) các phòng khoa hầu hết đều nhiệt tình, nhiều thầy cô đã nhiều năm gắn bó với nhà trường, tâm huyết với công tác đào tạo học sinh (HS). 100% GV của trường đều đạt chuẩn hóa, 3 GV có trình độ cao học, các GV đứng lớp đều đã qua bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, đội ngũ GV thâm niên có tay nghề cao, trong số đó nhiều người là GV dạy giỏi cấp trường, 5 GV dạy giỏi cấp tỉnh và 2 GV dạy giỏi cấp toàn quốc...

 Trường TCMT Bình Dương được đầu tư xây dựng, mở rộng khang trang để phục vụ cho công tác đào tạo

Cơ sở vật chất là vậy, song theo Ban giám hiệu trường TCMT, thời gian qua, đời sống của CBGV, CNVC của trường vẫn còn nhiều khó khăn. Dù mang tên là trường mỹ thuật, có 100% GV chuyên ngành giảng dạy đều tốt nghiệp tại trường Đại học Mỹ thuật, trong đó phần lớn GV đang là hội viên các Hội Nghệ sĩ, Hội Nghệ thuật tạo hình, Hội Mỹ thuật cấp quốc gia; trường lại đào tạo 6 chuyên ngành “Mỹ thuật ứng dụng” theo đúng danh mục chuyên ngành mà Nhà nước ban hành nhưng đến nay chưa có ai là cán bộ quản lý và GV của trường TCMT được hưởng chính sách đãi ngộ do Nhà nước ban hành, dù đã có hiệu lực thi hành từ năm 2006; đó là chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại trường chuyên biệt. Bên cạnh đó, vật tư, nguyên nhiên vật liệu thực hành thực tập đều tăng gấp nhiều lần so năm học trước nhưng khối lượng công việc, khối lượng bài tập của HS vẫn phải bảo đảm đúng tỷ lệ chương trình dành cho HS thực hành chiếm từ 50 - 75% thời lượng đào tạo theo quy định của Bộ GD-ĐT...

Mặc dù vậy trong năm học 2010-2011, thông qua xét tuyển kết hợp thi năng khiếu, trường đã thu nhận 116 HS nhập học vào hệ chính quy, đạt 72,5% chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng đề ra trong năm học; nâng tổng số HSSV toàn trường trong năm học này lên 345 HS theo học các hệ chính quy, không chính quy và hệ liên kết với tổng số khoa, bộ môn các ngành đào tạo trong trường là 6. Hiện trường đang tiếp tục đàm phán với trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) để mở thêm hình thức đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học.

  Sản phẩm của học sinh trường TCMT Bình Dương

Với bề dày truyền thống 110 năm hình thành và phát triển từ ngôi trường Bá nghệ Thủ Dầu Một (năm 1901), nay là trường TCMT Bình Dương (năm 2010) vừa là thế mạnh, vừa là áp lực cho trường. Bên cạnh việc phát huy những giá trị truyền thống của những ngành nghề đã có từ nhiều năm trước, trường cũng đã nỗ lực đổi mới trong việc thực hiện chủ trương “đa dạng hóa và phát triển các ngành nghề đào tạo, các hình thức đào tạo TCCN” như: trường đã đào tạo thêm chuyên ngành đồ họa và thiết kế thời trang, 2 chuyên ngành này đã có HS tốt nghiệp ra trường khá hữu dụng, hòa nhập với thị trường dễ tìm việc làm, khẳng định chất lượng đào tạo của trường. Và hiện nay ở tỉnh, đây là 2 ngành đào tạo duy nhất chỉ có ở trường TCMT Bình Dương, càng thu hút sự quan tâm của HS qua các buổi tư vấn tuyển sinh.

Ngay từ năm học 2008-2009, trường có nhiều nỗ lực tổ chức liên kết, mở hướng đào tạo nâng cao, liên thông với ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) mở lớp ĐH vừa học vừa làm khóa 1 (hiện nay đã sang năm thứ 2) với 49 SV; khóa 2 năm học 2009-2010 có 86 hồ sơ đăng ký và có 76 HS dự thi. Trường đang tiếp tục đàm phán để thực hiện thêm hình thức đào tạo liên thông từ TC lên ĐH... Thực hiện chủ trương phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS của Bộ GD-ĐT và của tỉnh, từ năm 2006 đến nay trường cố gắng duy trì việc tuyển sinh hệ đào tạo THCS và tuyển HS tốt nghiệp THPT hoặc đã hoàn thành chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp... Tuy nhiên, do là trường đào tạo chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng, yêu cầu HS phải có năng khiếu ở đầu vào nên đối tượng tuyển sinh cũng thu hẹp. Trường coi trọng việc tổ chức cho HS đi tham quan các cơ sở sản xuất, các địa chỉ gắn đến ngành nghề; trong giai đoạn thực tập nghề, GV tập nghề cơ bản đã hướng dẫn kèm cặp để HS làm ra các sản phẩm có giá trị thực tế, riêng khoa điêu khắc một số bài tập thực hành của HS đã tạo ra sản phẩm đáp ứng cuộc sống quy ra thành tiền trị giá trên 250.000.000 đồng...

Có thể nói, hướng đến đào tạo  theo yêu cầu của sản xuất và thực tiễn xã hội, gắn đào tạo với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ là phương châm của trường TCMT Bình Duơng...

PHI LONG - TỐ TÂM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X