Trưởng trường đại học Thủ Dầu Một: Đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường

Cập nhật: 19-11-2014 | 08:47:32

Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) đã ra Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” có một luận điểm quan trọng, có tính bao trùm là: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Đối với trường đại học (ĐH), việc xây dựng văn hóa học đường là cơ sở để tạo niềm tin cho xã hội trong việc thực hiện chức năng giáo dục và sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài góp phần đào tạo, cung ứng cho xã hội những người công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu của xã hội… Chúng tôi có dịp trao đổi với TS. Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một xung quanh vấn đề này.

 Sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một trong một tiết học thí nghiệm

- Xin Tiến sĩ cho biết quan niệm của mình về văn hóa trường ĐH?

- Văn hóa trường ĐH là tượng trưng cho tinh thần ĐH. Đó là kết tinh của những giá trị, những kinh nghiệm lịch sử của nhà trường, là thể hiện tập trung ý tưởng tổ chức học tập của nhà trường, cũng là một biểu đạt ngắn gọn nội dung văn hóa riêng của nhà trường. Cụ thể sẽ được thể hiện ra ở văn hóa chất lượng và môi trường văn hóa trong trường ĐH đó.

Mục tiêu chung nhất của việc xây dựng văn hóa trường ĐH là xây dựng chất lượng giáo dục và môi trường lành mạnh, các mối quan hệ thân thiện. Văn hóa học đường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, giúp mọi thành viên trong nhà trường quan tâm nâng cao chất lượng dạy và học, tạo điều kiện khuyến khích học sinh nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giúp học sinh có kỹ năng tự xây dựng một hệ giá trị lành mạnh, đúng hướng cho cuộc sống tương lai của mình, xác lập cho mình một lẽ sống, lý tưởng sống đúng đắn.

Văn hóa trường ĐH trước tiên là văn hóa chất lượng

- Xin Tiến sĩ cho biết văn hóa chất lượng được hiểu như thế nào? Và văn hóa chất lượng của trường ĐH Thủ Dầu Một đang được xây dựng ra sao?

- Có thể định nghĩa văn hóa chất lượng là hệ thống các giá trị, chuẩn mực và thói quen làm việc có chất lượng đã định hình của mọi thành viên trong đơn vị nhằm thực hiện công việc được giao một cách tốt nhất. Hiện nay, có nhiều cách hiểu khác nhau về chất lượng giáo dục. Trong đó, định nghĩa phù hợp nhất để xây dựng nền tảng và mục tiêu của văn hóa chất lượng “làsự hài lòng của người sử dụng, là sự đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội”.

Văn hóa chất lượng trong trường ĐH Thủ Dầu Một phải được thấm nhuần trong những quy tắc hành động, những thói quen của tất cảcán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên và sinh viên để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình nhằm tạo ra cho xã hội những sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu cao nhất.

Ở cấp độ khoa, phòng, ban của trường, văn hóa chất lượng biểu hiện qua việc xây dựng và vận hành có hiệu quả các chủ trương, chiến lược phát triển của nhà trường. Ở cấp độ cá nhân, văn hóa chất lượng được biểu hiện qua việc hoàn thành công việc có chất lượng cao, đúng thời hạn, bảo đảm đủ số lượng sản phẩm, đáp ứng đúng yêu cầu, chi phí hợp lý, đáp ứng kỹnăng làm việc nhóm, đoàn kết, dân chủ… Và đây chính là những chỉ báo để đánh giá việc xây dựng và thực hiện văn hóa chất lượng trong đơn vị. Hiện nay, nhà trường phổ biến biến rộng rãi cho tất cảcán bộ giảng viên, sinh viên hiểu đúng giá trị, ý nghĩa và lợi ích của việc xây dựng văn hóa chất lượng.

- Vì sao việc xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng của trường ĐH Thủ Dầu Một là yêu cầu bức thiết, thưa Tiến sĩ ?

- Sứ mệnh của trường ĐH Thủ Dầu Một là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của tỉnh Bình Dương và khu vực Đông Nam bộ. Chính vì vậy, tạo dựng và phát triển văn hóa chất lượng để duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động và chất lượng các sản phẩm đầu ra. Đây vừa là mục tiêu vừa là yêu cầu xuyên suốt trong lộ trình thực hiện kế hoạch chiến lược của trường ĐH Thủ Dầu Một. Xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng là hoạt động mang tính chiến lược, thường xuyên và lâu dài. Vì vậy, quá trình thực hiện cần phải được triển khai theo lộ trình với những giải pháp cụ thể.

Tôi luôn tâm huyết làm sao để chất lượng phải trở thành định hướng giá trị thường trực, thói quen ổn định ở mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, nhân viên và sinh viên trong toàn trường ĐH Thủ Dầu Một. Các đơn vịtiếp tục duy trì thường xuyên việc tuyên truyền thực hiện văn hóa chất lượng, phát huy sáng kiến tăng cường thực hiện các nội dung xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng theo từng lĩnh vực công tác. Trong mỗi giờ dạy, tiết dạy, giảng viên cần gắn việc giáo dục đạo đức văn hóa với đạo đức lối sống, lồng ghép chương trình giảng dạy với các hoạt động ngoại khóa, thực hành khơi dậy trong sinh viên lòng yêu nghề, giúp sinh viên có động cơ học tập tốt.

Hiện nay, trường ĐH Thủ Dầu Một ngày càng khẳng định vị thế của mình bằng những bước đi vững chắc. Nhà trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên đông đảo có trình độ, năng lực và tâm huyết với nghề. Sinh viên, học viên của trường ĐH Thủ Dầu Một là những người thông minh, năng động. Mặc dù đến nay chúng ta mới bước đầu xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng một cách bài bản nhưng tôi tin tưởng rằng văn hóa chất lượng sẽ trở thành thói quen của mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên của trường ĐH Thủ Dầu Một.

Tạo dựng môi trường văn hóa văn minh

- Thưa Tiến sĩ, ngoài văn hóa chất lượng thì yếu tố gì tiếp theo sẽ làm nên văn hóa trường ĐH?

- Xây dựng văn hóa trường ĐH còn là việc xây dựng môi trường văn hóa văn minh, lành mạnh. Môi trường văn hóa trường ĐH phải bao gồm cảmôi trường địa lý tự nhiên, môi trường vật lý, môi trường tâm lý, ứng xử, giao tiếp… mà mỗi thành viên trong đó đều có nhiều hoạt động thể hiện mình. Văn hóa được thể hiện qua những hành động, lối ứng xử văn minh hàng ngày trong ngôn ngữ giao tiếp ở trên lớp học, ngoài giờ học, trên đường phố... Phải làm sao để nhắc đến môi trường đó thì mọi người trong xã hội đều khách quan nhìn thấy, đánh giá và cảm nhận được nét đẹp, nét riêng.

- Nhà trường đã có những giải pháp gì để xây dựng môi trường văn hóa trường ĐH Thủ Dầu Một, thưa Tiến sĩ?

- Đối với sinh viên, con đường để hình thành, phát triển nhân cách nhân văn, văn hóa là thông qua dạy chữ, dạy người, dạy nghề, dạy kỹ năng sống, giá trị sống cho sinh viên. Chúng ta phải xây dựng môi trường, khung cảnh và ứng xử văn minh nơi giảng đường. Trước tiên “giáo viên phải là tấm gương tốt cho sinh viên noi theo”, phải “dùng nhân cách để giáo dục nhân cách”, phải có ý thức trau dồi chuyên môn, làm cho sinh viên thấy được cái hay, cái đẹp trong kiến thức được lĩnh hội, truyền cho sinh viên niềm say mê về nghề nghiệp, phát huy tính tích cực, tự giác làm cho các em trân trọng, yêu quý nghề của mình lựa chọn.

Thứ hai, các tổ chức Đoàn, Hội phát huy vai trò của mình, thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể mang nhiều ý nghĩa kết nối cộng đồng như hội diễn văn nghệ, thể dục thể thao, các chương trình tình nguyện vì cộng đồng để hình thành ở sinh viên tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm với xã hội, tạo một nét văn hóa riêng trong sinh hoạt của sinh viên trường ĐH Thủ Dầu Một. Đoàn trường cũng phải thường xuyên tổ chức các diễn đàn, hội nghị đoàn viên - sinh viên trao đổi về nếp sống văn hóa, những chuẩn mực trong nếp sống, phát động các phong trào thi đua học tập, nghiên cứu khoa học, cam kết văn minh học đường. Phòng Quản lý sinh viên phối hợp với các liên chi đoàn quán triệt trong sinh viên tư tưởng văn minh, lối sống đẹp… Tăng cường xây dựng các câu lạc bộ mang tính học thuật ở các khoa giúp sinh viên có điều kiện rèn luyện kỹ năng giao tiếp, rèn luyện văn hóa sư phạm. Làm sao để trường ĐH Thủ Dầu Một là đại diện văn hóa tổ chức với những nề nếp, chuẩn mực, lễ nghi, niềm tin và giá trị rất riêng. Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên cũng cần kịp thời khen thưởng đoàn viên, sinh viên thực hiện tốt nề nếp văn hóa, xử lý nghiêm đối với những sinh viên vi phạm.

- Bằng những tâm huyết xây dựng văn hóa học đường, Tiến sĩ kỳ vọng điều gì cho các thế hệ sinh viên trường ĐH Thủ Dầu Một?

- Tôi mong muốn rằng, sinh viên trường ĐH Thủ Dầu Một phải thể hiện chân giá trị chuẩn mực trong học tập, sinh hoạt và các hoạt động xã hội. Và các thế hệ sinh viên trường ĐH Thủ Dầu Một khi rời trường, dù công tác ở đâu, ở cương vị nào thì trong họ luôn có một tình yêu nghề trong sáng, lối sống ứng xử hòa nhã, luôn thể hiện là một người có đạo đức, có văn hóa và luôn tự hào về việc được đào tạo ở một ngôi trường có bề dày văn hóa.

- Xin cám ơn Tiến sĩ.

TIỂU MY(thực hiện)

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X