Truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Cơ sở phát triển thương mại điện tử

Cập nhật: 09-12-2019 | 09:29:09

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, sự cạnh tranh không chỉ xuất hiện khi hàng hóa Việt Nam đi ra thế giới mà còn ở ngay thị trường trong nước, khi hàng hóa thế giới tiến vào Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp (DN) cần bảo đảm cơ sở cho niềm tin của người tiêu dùng với những giải pháp là hệ thống minh bạch thông tin về quá trình hàng hóa từ lúc sản xuất cho đến khi tới tay người tiêu thụ, nhất là trong thương mại điện tử.


Công ty Dược tửu Nhật Nam đang giới thiệu khách hàng về cách kiểm tra quy trình sản phẩm

Hướng đi tất yếu

Hiện nay, trong xu thế cạnh tranh nhiều DN đã hướng đến sản xuất thực phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, HACCP… nhưng như vậy vẫn chưa đủ nghiêm ngặt cho chuẩn mực chất lượng. Người tiêu dùng trong và ngoài nước cần có sự minh bạch hơn về quy trình, nguồn gốc sản phẩm, tức họ cần có thông tin truy xuất nguồn gốc (TXNG) tại tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, để biết liệu đơn vị cung cấp sản phẩm có nỗ lực tối đa trong vấn đề bảo đảm chất lượng sản phẩm hay không; sản phẩm có được kiểm soát chất lượng một cách nghiêm túc trong toàn bộ chuỗi cung ứng hay không. Với DN, TXNG là bước đầu tạo sự tin tưởng nơi khách hàng, bày tỏ thiện chí minh bạch mọi thông tin về sản phẩm. Về phía người tiêu dùng, đây là giải pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm hiệu quả, nhanh gọn. Khi chủ động truy xuất bằng chính mã vạch trên mỗi sản phẩm thông qua hệ thống thông tin hiện đại, người tiêu dùng yên tâm mua sắm, còn nhà bán lẻ dễ kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi và xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa.

Càng ngày yêu cầu mới của thị trường càng đưa ra những điều kiện rất khắt khe về TXNG hàng hóa như EU, Úc, Niu Di-lân, Trung Quốc trong cả sản xuất và thương mại. Điều này đã đưa yêu cầu truy xuất hàng hóa lên một tầm cao mới. Đối với Việt Nam, TXNG hàng hóa đã góp phần thay đổi toàn diện tư duy quản lý liên quan đến sản xuất công nghiệp và thương mại, nhất là thương mại điện tử. Đáp ứng được những yêu cầu khắt khe đó, chúng ta không những đẩy mạnh được giá trị các mặt hàng xuất khẩu mà còn phục vụ hữu ích cho công tác quản lý của các bộ, ngành. Một khi vấn đề TXNG hàng hóa được xây dựng thành nếp quản lý tốt thì sẽ giải quyết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái và cũng sẽ tạo cơ hội lớn cho việc ứng dụng các công nghệ số, công nghệ blockchain cũng như hình thành hàng loạt các công nghệ ứng dụng khác.

Do vậy, TXNG sản phẩm đang dần trở thành xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc, cho phép người tiêu dùng có đầy đủ thông tin ngược dòng, từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối. Xu hướng hiện nay là sử dụng công nghệ thông tin và các thiết bị điện tử để giúp cho việc cập nhật thông tin, quản lý dữ liệu và TXNG sản phẩm được thuận lợi. Với giải pháp này, DN sản xuất đưa thông tin lên hệ thống từ những khâu đầu của chuỗi sản xuất cho đến khâu đóng gói sản phẩm. Tất cả thông tin về sản phẩm được lưu trữ vào máy chủ, dễ dàng truy xuất và người mua có thể xem thông tin về lô hàng trên hệ thống ngay khi lô hàng chưa rời khỏi nơi sản xuất. Có thể truy xuất nhanh nguồn gốc sản phẩm qua mã QR (QR code: Mã vạch 2 chiều hay mã phản hồi nhanh, mã vạch ma trận) in trên bao bì sản phẩm bằng cách dùng ứng dụng quét mã trên điện thoại thông minh.

Theo ông Bùi Huy Bình, Giám đốc điều hành TraceVerified, TraceVerified đưa thông tin minh bạch về thực phẩm của Việt Nam là cầu nối thông tin giữa nhà sản xuất và người mua. Đây là hệ thống được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế, dễ sử dụng với mọi đối tượng: người sản xuất nguyên liệu, nhà chế biến thực phẩm, nhà nhập khẩu, người tiêu dùng.

Các thị trường phát triển rất chú trọng việc TXNG, đặc biệt trong ngành thực phẩm. Ở châu Âu, từ năm 2005, EU xác định TXNG là quy định bắt buộc cho các nước thành viên. Hệ thống siêu thị bán lẻ ở Anh cũng tăng cường hệ thống kiểm định này. Tháng 1-2011, Mỹ đã ban hành Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA - Food Safety Modernization Act), yêu cầu tăng cường theo dõi, truy vết thực phẩm và lưu trữ hồ sơ đối với thực phẩm nguy cơ cao (phải có hệ thống lưu trữ hồ sơ dễ tiếp cận, khi cần thiết có thể gửi tới cơ quan thẩm quyền trong thời gian 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan kiểm tra). Tương tự, Ireland, Canada cũng đã có những quy định nghiêm ngặt về việc dán nhãn mác, nhận diện sản phẩm, cơ sở sản xuất.

Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử

Mới đây Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Bình Dương phối hợp với Trung tâm mã số mã vạch Quốc gia tổ chức hội thảo hướng dẫn triển khai, áp dụng TXNG sản phẩm, hàng hóa tại Bình Dương. Tại hội thảo, ông Bùi Bá Chính, phụ trách Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc Gia đã trình bày đề án tổng thể về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG sản phẩm hàng hóa, bao gồm các nội dung chính: Tổng quan tình hình TXNG sản phẩm trong và ngoài nước; Quyết định của Chính phủ về đề án 100; quản lý mã số mã vạch và TXNG xuất xứ hàng hóa; thực tiễn áp dụng TXNG trong thực tế. Theo ông Chính, đề án tổng thể về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG sản phẩm hàng hóa từ năm 2020 đến năm 2030, Việt Nam phải hoàn thiện đề án và đến năm 2030 phải hoàn thiện cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia, bảo đảm nhu cầu trao đổi và khai thác thông tin của DN, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; hoàn thiện hệ thống quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trong nước và quốc tế. Đây cũng là cơ hội rất lớn cho DN đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Ông Nguyễn Bình Phước, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện nay TXNG có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của DN nói riêng và đời sống xã hội toàn dân nói chung. Tại Bình Dương, TXNG là một hoạt động còn khá mới, DN và người tiêu dùng hiện nay cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của TXNG, chưa hiểu đúng bản chất của TXNG. Bên cạnh đó, các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống TXNG cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành nghề cụ thể. Hội thảo này hết sức thiết thực và có ý nghĩa đối với DN trong việc nâng cao nhận thức để tận dụng tốt các cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Đồng thời còn giúp cho cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt thực tế, nhu cầu của DN đối với hoạt động TXNG hàng hóa để có hình thức quản lý phù hợp.

Trả lời chúng tôi về vấn đề TXNG đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, ông Chính nhấn mạnh những lợi ích của việc TXNG được thể hiện ở chỗ: Giúp DN có thể quản lý tốt chất lượng sản phẩm, từ khâu nuôi trồng, chế biến cho đến quá trình vận chuyển và phân phối; dễ dàng phát hiện và xử lý nếu có sự cố xảy ra. DN có thể biết ngay sự cố phát sinh ở khâu nào và từ đó có biện pháp giải quyết kịp thời; đồng thời cải tiến hệ thống để phòng tránh sự cố tương tự trong tương lai, bảo đảm thu hồi nhanh chóng sản phẩm, vì vậy bảo vệ được người tiêu dùng. DN giảm thiểu tác động của việc thu hồi sản phẩm bằng cách giới hạn phạm vi sản phẩm có liên quan, giúp khách hàng tin tưởng hơn vào chất lượng và an toàn vệ sinh đối với sản phẩm của DN, qua đó nâng cao uy tín trên thương trường. Đây là điều kiện để minh bạch hóa thông tin suốt chuỗi cung ứng, qua đó tạo thuận lợi cho việc quản lý cũng như xác định trách nhiệm của các bên liên quan khi có sự cố xảy ra.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên