Từ Đề án 295, nhiều phụ nữ có việc làm

Thứ sáu, ngày 27/12/2013
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Từ khi triển khai Đề án 295 về “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” giai đoạn 2013-2015 do Chính phủ phê duyệt, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình, tổ nhóm ngành nghề để dạy cho chị em hội viên phụ nữ; từ đó mở ra nhiều cơ hội mới cho chị em vươn lên thoát nghèo.

Dạy những nghề cần và dễ

Con số thống kê của Hội LHPN tỉnh cho biết trong tổng số 6.549 hộ nghèo, toàn tỉnh hiện có 3.346 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, chiếm tỷ lệ 51%. Phần đông phụ nữ nghèo, cận nghèo sống nằng nghề nông, mua bán nhỏ, làm thuê, không có điều kiện học nghề nên thu nhập thấp và không ổn định. Chính vì thế, từ khi bắt tay vào triển khai Đề án 295, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị, thành hội triển khai đến các phường, xã, thị trấn nhằm nắm chắc mục đích, nội dung đề án và cách thực hiện sao cho hiệu quả.

 Hội LHPN liên kết các cơ sở dạy nghề may công nghiệp cho nữ lao động nông thôn

Nhờ triển khai cụ thể, chi tiết, Đề án 295 đã đi vào cuộc sống, nhất là chị em phụ nữ. Bà Tô Nguyễn Anh Thi, Giám dốc Trung tâm giới thiệu việc làm phụ nữ Bình Dương, cho biết hội đã triển khai rất hiệu quả các mô hình việc làm dành cho hội viên phụ nữ khó khăn, phụ nữ lớn tuổi. Bằng chứng là thời gian qua, hội đã mở 18 lớp dạy nghề may công nghiệp, nấu ăn đãi tiệc, chăm sóc dịch vụ gia đình và cắt uốn tóc… cho hàng trăm chị em. Hội luôn xác định tiêu chí mở lớp là dạy những nghề dễ học, dễ làm. Khi tham gia học, chị em được hoàn toàn miễn phí. Sau khi ra nghề, chị em nào có nhu cầu còn được hội giới thiệu việc làm.

Một trong những mô hình việc làm có hiệu quả nhất là Tổ hợp tác nấu ăn đãi tiệc ở xã Minh Hòa (Dầu Tiếng). Hơn 1 năm thành lập, tổ có 30 chị em phụ nữ tham gia. Chính chị Trần Thị Liễu, chủ nhà hàng Bảy Thương đã trực tiếp đào tạo nghề cho những chị em này. Chị Liễu nói, nhờ Hội LHPN tỉnh quan tâm tiến hành khảo sát và đầu tư trang thiết bị dạy nghề, đồng thời tổ chức tập huấn trong thời gian ngắn, giờ đây, chị em đã quen việc và quan trọng nhất là chị em đã biết cách sinh hoạt và làm việc trong một tổ chức có quy chế hẳn hoi. Mô hình Tổ hợp tác nấu ăn đãi tiệc xã Minh Hòa đã được nhân rộng, giúp chị em ổn định cuộc sống hàng ngày với thu nhập từ 100.000 đồng và nhiều hơn thế nữa.

Một mô hình khác cũng đã giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho chị em đó là mô hình nấu suất ăn công nghiệp ở ấp Khánh Hội, thị trấn Tân Phước Khánh (Tân Uyên) do chị Mã Thị Ngọc Phượng làm chủ. Nắm được số phụ nữ làm chủ hộ chưa có việc làm ổn định tại địa phương, Hội phụ nữ các cấp đã liên kết với chị Phượng mở lớp và giải quyết việc làm ngay. Hàng ngày từ sáng sớm, chị em đến nhà hàng của chị Phượng làm từ công đoạn chế biến đến khi giao hàng và dọn dẹp vệ sinh xong là đã có thu nhập. Nhờ vậy, chị em phụ nữ ở đây có cuộc sống ổn định hơn trước.

Chung tay tạo việc làm cho phụ nữ

Trong kế hoạch thực hiện Đề án 295 về “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” giai đoạn 2013-2015, Hội LHPN tỉnh đã đề ra mục tiêu cụ thể là phải có 70% lao động nữ trở lên được tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dạy nghề và việc làm; có 40% tỷ lệ lao động nữ trong tổng số chỉ tiêu tuyển sinh học nghề; 70% tỷ lệ lao động nữ có việc làm sau khi học nghề… Bên cạnh đó, mục tiêu còn nhấn mạnh Trung tâm giới thiệu việc làm và Hội phụ nữ các cấp cần thực hiện tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm và tạo việc làm lao động nữ tăng dần hàng năm, trong đó có khoảng 50% lao động nữ được Trung tâm giới thiệu việc làm đào tạo nghề…

Bám sát mục tiêu này, năm 2013, hầu hết cơ sở hội từ huyện đến các phường, xã đều có mô hình dạy nghề và giải quyết việc làm. Quá trình thực hiện các chương trình giải quyết việc làm này, các hội phụ nữ còn được sự chung tay, góp sức của các đơn vị, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ đào tạo nghề… Trao đổi với chúng tôi, bà Thi cho biết thêm cùng với đó, thời gian qua, Ban chỉ đạo Đề án 295 đã in và phát hành 17.500 cuốn thông tin tuyên truyền về chế độ, chính sách và một số ngành nghề cho lao động nữ nông thôn và thành thị, xây dựng 2 mô hình nuôi cá cảnh, trồng hoa lan ở xã An Sơn (TX.Thuận An) có 79 thành viên tham gia. Ngoài ra, Trung tâm giới thiệu việc làm phụ nữ còn tham gia phiên chợ vui về hoạt động thanh niên công nhân, cắt tóc miễn phí cho 470 người, phối hợp với tổ chức PUM Hà Lan mở lớp cắt tóc miễn phí và massage chăm sóc da cho 10 học viên tham gia… Qua đó đã tạo điều kiện cho chị em tiếp cận với nghề, góp phần ổn định cuộc sống ngày càng nhiều hơn.

KIM HÀ