Từ vụ tranh chấp kho cà phê Công ty Trường Ngân ở phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An: Bài học cho các ngân hàng

Cập nhật: 01-12-2014 | 08:33:46

Cho rằng việc Agribank phát mãi số cà phê lưu tại kho mà một “đại gia” cà phê đã cầm cố cho hàng loạt ngân hàng để vay hàng trăm tỷ đồng gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, trong đêm đại diện các ngân hàng cùng lực lượng bảo vệ đã xuất hiện phản ứng việc phát mãi gây ra cảnh hỗn loạn ở khu dân cư. Lực lượng cảnh sát đã được huy động để vãn hồi trật tự. Đây không phải lần đầu lực lượng chức năng TX.Dĩ An có mặt để giữ gìn an ninh trật tự liên quan đến vụ việc này.

Hàng chục bảo vệ của các ngân hàng được trang bị dùi cui, áo chống đâm đã bị cơ quan chức năng mời về trụ sở công an để làm việc. Ảnh: M.DUY

Hỗn loạn vì việc phát mãi trong đêm

Tối 28-11, hàng chục bảo vệ cùng đại diện một số ngân hàng đã có mặt tại Công ty TNHH Trường Ngân (gọi tắt là Công ty Trường Ngân), tại khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An để phản đối việc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh Lý Thường Kiệt (TP.HCM) cho xe tải đến vận chuyển số cà phê lưu tại kho của công ty. Vụ việc đã gây hỗn loạn cả khu vực. Hàng chục cảnh sát cùng lực lượng chức năng TX.Dĩ An đã có mặt để bảo vệ, vãn hồi tình hình trật tự tại khu vực. Vụ tranh chấp giữa Công ty Trường Ngân với 7 ngân hàng có hội sở, chi nhánh ở TP.HCM, gồm: Agribank, Công Thương (Vietinbank), Phương Đông (OCB), Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Hàng Hải (MaritimeBank), Quân Đội (MB) và Quốc Tế (VIB) diễn ra từ tháng 6-2013 liên quan khoản vay hơn 600 tỷ đồng của Công ty Trường Ngân. Khi doanh nghiệp tuyên bố hết khả năng thanh khoản đã dẫn đến vụ tranh chấp. Các ngân hàng liên quan đều cho rằng Công ty Trường Ngân đã dùng 3.360 tấn cà phê lưu giữ trong kho ở Bình Dương để thế chấp vay vốn và từ đó xảy ra tranh cãi giữa các ngân hàng về việc được quyền phát mãi số cà phê này.

Qua vụ việc cho thấy, đây là một bài học cho các ngân hàng thương mại trong việc thẩm định đối với hồ sơ vay vốn, tài sản, hàng hóa thế chấp. Việc một doanh nghiệp vay cùng lúc 7 ngân hàng, số tài sản thế chấp chồng lấn nhau tại kho Công ty Trường Ngân đã dẫn đến việc tranh chấp kéo dài hơn 1 năm qua không chỉ gây tổn thất cho các ngân hàng mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Tối 28-11, một ô tô 7 chỗ của một ngân hàng đậu trước cổng Công ty Trường Ngân được cho là nhằm án ngữ, chặn lối ra của xe tải chở cà phê phát mãi. Xe này đã bị lực lượng chức năng lập biên bản, niêm phong các cửa xe và dùng xe chuyên dụng kéo khỏi hiện trường. Hàng trăm người dân đã kéo đến theo dõi vụ việc buộc lực lượng chức năng phải phong tỏa hiện trường.

Trao đổi với P.V, thượng tá Trần Nhựt Hiếu, Phó Trưởng Công an TX.Dĩ An, cho biết lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường là để bảo vệ an ninh trật tự theo quyết định của TAND quận 4, TP.HCM về việc phát mãi tài sản của Agribank - Chi nhánh Lý Thường Kiệt với Công ty Trường Ngân, lực lượng bảo vệ và các cá nhân có hành vi cản trở đã được mời về trụ sở công an để làm rõ.

Ông Trần Thanh Bình, Phó phòng kiêm thư ký pháp chế Ngân hàng Agribank - chi nhánh Lý Thường Kiệt, cho biết: “Việc ngân hàng phát mãi là hoàn toàn hợp pháp dựa theo Quyết định số 29, được TAND quận 4 ban hành vào ngày 9-10 vừa qua về việc “Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự”, và việc phát mãi không liên quan đến các ngân hàng khác. Theo quyết định công nhận thỏa thuận giữa Agribank với Công ty Trường Ngân, tính đến đầu tháng 10 vừa qua, số tiền mà Trường Ngân phải thanh toán cho Agribank - chi nhánh Lý Thường Kiệt là hơn 67 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là gần 64 tỷ đồng. Thỏa thuận cũng quy định về thời hạn Công ty Trường Ngân phải thanh toán chậm nhất vào ngày 20-11. Sau thời hạn nêu trên, nếu Công ty Trường Ngân chưa thanh toán thì Agribank có quyền phát mãi tài sản đối với hai lô cà phê với tổng khối lượng 200 tấn mà Công ty Trường Ngân đã thế chấp trong hai hợp đồng vay vốn với Agribank - chi nhánh Lý Thường Kiệt vào năm 2012”. Ông Bình dẫn ra văn bản của Công ty Trường Ngân do ông Nguyễn Đăng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Trường Ngân ký về việc đồng ý bàn giao kho hàng từ ngày 20-11. Ông Bình cũng cho rằng, việc Trường Ngân bàn giao cửa kho vị trí số 7 từ gian 1 đến gian 5 là không liên quan đến các ngân hàng khác và đó là sự thỏa thuận giữa hai bên đạt được tại tòa.

Vì sao các ngân hàng phản ứng việc phát mãi?

Trao đổi với P.V, đại diện một số ngân hàng liên quan đến việc tranh chấp cho rằng, lô cà phê thế chấp tại kho Công ty Trường Ngân cũng được công ty thế chấp vay vốn tại các ngân hàng khác nên họ không đồng ý để Agribank phát mãi; đồng thời cho rằng nội dung của quyết định thỏa thuận giữa Agribank và Công ty Trường Ngân bỏ qua quyền lợi hợp pháp của các ngân hàng khác. Như VIB được Công ty Trường Ngân thế chấp toàn bộ kho để vay, hiện Công ty Trường Ngân nợ của VIB khoảng 120 tỷ đồng. Theo đại diện các ngân hàng, người đứng tư cách vay vốn có khi là ông Nguyễn Xuân Bình, nhưng có lúc là do ông Nguyễn Đăng Sơn ký hợp đồng vay vốn nên ông Sơn không thể đại diện cho doanh nghiệp tham gia thỏa thuận với Agribank chi nhánh Lý Thường Kiệt; đồng thời việc chồng lấn chung khối tài sản thế chấp tại kho của Công ty Trường Ngân thì thỏa thuận do Agribank chi nhánh Lý Thường Kiệt với Công ty Trường Ngân không khác gì quyết định công nhận sự thỏa thuận mà TAND quận 4 đã công bố giao số hàng lưu giữ ở cửa kho số 2 của Công ty Trường ngân cho Ngân hàng OCB trước đây để giải quyết món nợ 94 tỷ đồng!

Trước đó, tháng 5-2014, TAND TP.HCM đã ra bản án giám đốc thẩm tuyên hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của TAND quận 4 để Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) phát mãi kho cà phê của Công ty Trường Ngân vì tài sản này đang được cầm cố cho nhiều ngân hàng khác. Theo thỏa thuận của quyết định, số cà phê trong kho của Công ty Trường Ngân cầm cố vay 94 tỷ đồng của Ngân hàng OCB có vị trí ở cửa số 2. Trong khi đó, hợp đồng tín dụng của một số ngân hàng khác với công ty này cũng xác định số cà phê cầm cố trùng với vị trí này. TAND TP.HCM cho rằng, trong quá trình thụ lý giải quyết, TAND quận 4 không cho các ngân hàng còn lại tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên đã giao hồ sơ cho TAND quận 4 xét xử sơ thẩm lại theo đúng pháp luật. Điều bất ngờ là trong quá trình xảy ra tranh chấp, khi cơ quan thi hành án bốc dỡ số cà phê khỏi kho chờ quyết định của tòa án thì phát hiện lượng vỏ cà phê, rác trộn lẫn trong kho.

Trước đó, vào tháng 12- 2013, TAND quận 4, TP.HCM đã chuyển hồ sơ vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa cc ngân hàng với Công ty Trường Ngân qua Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM vì cơ quan xét xử nhận thấy vụ án có dấu hiệu hình sự. Trong khi đó, một số ngân hàng đã gửi đơn đến C46 (Bộ Công an) yêu cầu điều tra, làm rõ khi phát hiện những dấu hiệu lừa đảo của doanh nghiệp liên quan các hợp đồng tín dụng do có sự chồng lấn về tài sản thế chấp, có dấu hiệu gian dối khi nhiều bao rác được “độn” bên trong các bao cà phê lưu trữ tại kho.

MINH DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên