Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN: Chủ doanh nghiệp và người lao động được nâng cao nhận thức

Cập nhật: 23-03-2010 | 00:00:00

Hôm nay 23-3, Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) lần thứ XII của tỉnh được chính thức tổ chức lễ phát động tại Phân hiệu Cao đẳng Nghề đường sắt phía Nam. Đây là sự kiện lớn của người sử dụng lao động, người lao động (NLĐ) và các cơ quan, các cấp, các ngành hướng tới sự cam kết chung cùng hợp tác nhằm bảo đảm an toàn, sức khỏe cho NLĐ và cho cả cộng đồng.

Phát động Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN lần thứ XITuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN lần XII được phát động với chủ đề: “An toàn và sức khỏe tại nơi làm việc - một trong những quyền cơ bản của NLĐ”. Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH, Phó BCĐ Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN Huỳnh Thị Hồng Thu cho biết: “Việc tổ chức Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN lần thứ XII-2010 nhằm phát động một chiến dịch tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh và toàn thể nhân dân lao động, đặc biệt trong các doanh nghiệp có nhiều về tai nạn lao động (TNLĐ), cháy nổ và bệnh nghề nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, trên cơ sở đó thúc đẩy toàn diện các hoạt động cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và phòng chống cháy nổ nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe NLĐ, bảo vệ tài sản Nhà nước, tài sản công dân góp phần ổn định và phát triển kinh tế của đất nước”.

Qua 11 lần tổ chức phát động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN của tỉnh nói riêng và Trung ương nói chung đa số NSDLĐ, NLĐ và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, NSDLĐ đã nâng cao ý thức trách nhiệm đối với công tác ATVSLĐ-PCCN. Trong năm 2009 nhiều doanh nghiệp đã quan tâm về công tác chăm sóc sức khỏe NLĐ qua việc thành lập bộ phận y tế tại doanh nghiệp, từng bước đã trang cấp các phương tiện bảo vệ cá nhân đầy đủ và đúng chủng loại bảo đảm về chất lượng. Tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ, lập bảng chỉ dẫn và đề ra các biện pháp an toàn lao động niêm yết tại nơi làm việc, che chắn các thiết bị truyền động, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, cải thiện điều kiện lao động, trang bị các phương tiện chữa cháy đủ về số lượng và chất lượng.

Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2009 cả nước đã xảy ra 6.250 vụ TNLĐ, trong đó có 507 vụ TNLĐ chết người; tổng số người bị nạn là 6.421 người, trong đó có 550 người chết, 1.221 người bị thương nặng. Thiệt hại về vật chất lên tới 42.088 tỷ đồng và 457.817 ngày công lao động. Về tình hình cháy nổ, trong năm qua, cả nước đã xảy ra 1.966 vụ cháy, trong đó 1.677 vụ cháy các cơ sở, nhà dân, 18 vụ nổ và 271 vụ cháy rừng, làm chết 78 người, bị thương 187 người khác, thiệt hại về tài sản ước tính 500 tỷ đồng và 1.373 ha rừng. Riêng tại Bình Dương, trong năm 2009 xảy ra 23 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết 24 người. Bình Dương cũng đã xảy ra 46 vụ cháy làm bỏng 3 người, thiệt hại về tài sản khoảng 84 tỷ 730 triệu đồng.

Đội PCCC ở cơ sở được huấn luyện mang tính chuyên nghiệp, thường xuyên được thao dượt nhằm bảo đảm chủ động thực hiện và giải quyết các vấn đề về an toàn PCCC tại đơn vị. Các doanh nghiệp, đơn vị đã có sự quan tâm và đầu tư từng bước cải thiện điều kiện lao động, công tác lập hồ sơ vệ sinh lao động tăng 27,6% so với năm 2008. Nhờ đó mà trong năm 2009 xảy ra 23 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết 24 người, tương ứng với tần suất 0,036o/oo (24/654.589), giảm so với các năm trước, cụ thể: năm 2008 là 0,044o/oo (26/584.341 lao động), năm 2007 là 0,041o/oo (23/559.153 lao động). Trong năm 2009, lực lượng cảnh sát PCCC cũng đã cứu được tài sản trị giá 438 tỷ 906 triệu đồng qua công tác chữa cháy. Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất - kinh doanh ý thức hơn và hiểu rõ về tầm quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe cho NLĐ và công tác này ngày càng được chú trọng hơn, số lao động được khám sức khỏe định kỳ tăng 6,61% so với năm 2008.

Để phát huy kết quả đã đạt được và khắc phục những thiếu sót trong năm 2009. Ban chỉ đạo tỉnh đề ra một số nhiệm vụ: Tiếp tục đổi mới, sáng tạo và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức tạo ra những chuyển biến đáng kể về ý thức cho các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội trong công tác ATVSLĐ-PCCN. Khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp về công tác ATVSLĐ- PCCN, phát động phong trào xây dựng góc bảo hộ lao động, tổ chức các cuộc thi ảnh, thi an toàn vệ sinh viên giỏi, thi tìm hiểu pháp luật, thi sáng tác áp phích về ATVSLĐ-PCCN, xây dựng các phóng sự chuyên đề về ATVSLĐ-PCCN. Tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ đối với các doanh nghiệp, chú trọng đến các doanh nghiệp có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; đồng thời xử lý nghiêm minh đối với các vi phạm về pháp luật lao động.

VĂN SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên