Tuổi nào nên cho bé học trường mầm non?

Cập nhật: 14-05-2010 | 00:00:00

Gia đình chính là môi trường chăm sóc và giáo dục tốt nhất cho trẻ dưới 3 tuổi. Nơi đó có sự đáp ứng đầy đủ nhu cầu cần thiết cho sự phát triển lứa tuổi này. Bạn chỉ nên gửi trẻ đi học khi không còn lựa chọn nào khác. Một khi buộc phải làm vậy, hãy nhớ rằng, bạn đang đánh đổi bằng chính sự phát triển tối đa của con mình về mọi mặt, thể chất cũng như tinh thần, trí tuệ.

 

Để trả lời câu hỏi có nên cho bé đi học sớm hay không và tuổi nào thích hợp nhất, chúng ta cần dựa trên nghiên cứu về các vấn đề tâm sinh lý lứa tuổi cùng sự thích nghi của trẻ mầm non.

 

Thứ nhất, tất cả chúng ta đều nhận thấy những phản ứng tiêu cực của trẻ với môi trường mới và người lạ. Những phản ứng này nói lên trẻ nhỏ rất khó thích nghi với những gì xa lạ và có nhu cầu gắn bó với người thân quen. Chính nhu cầu này giúp bảo vệ hệ thần kinh và thể chất non yếu của trẻ. Sự giao lưu cảm xúc- ngôn ngữ giữa mẹ với bé là nền tảng cho sự phát triển tối ưu về mọi mặt cho trẻ dưới 3 tuổi chứ không phải việc “rèn nề nếp thói quen”. Ngoài ra, các chuyên gia còn nhấn mạnh, sự giao lưu này phải có sự cọ sát da liền da. Nghĩa là trẻ phải được người lớn ôm ấp, vuốt ve. Với số lượng trẻ quá đông trên 1 lớp tại các trường mầm non hiện nay, thỏa mãn đầy đủ nhu cầu này cho trẻ là không thể.

 

Thứ hai, việc sẵn sàng đi học còn liên quan đến nhận thức của bé về tính bất biến của sự vật (BBCSV). Đó là sự nhận thức rằng, mọi vật vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả khi chúng không được nhìn thấy, nghe hay sờ thấy. Theo nhà tâm lý học nổi tiếng Jean Piaget, em bé nhận biết được sự BBCSV vào cuối giai đoạn phát triển cảm giác vận động, bắt đầu từ lúc mới sinh cho đến 2 tuổi. Piaget xây dựng các thí nghiệm trên trẻ nhỏ để nghiên cứu về vấn đề này.

 

Trong thí nghiệm, người ta giấu đi các đồ chơi mà trẻ yêu thích trước mặt chúng. Qua đó, họ quan sát phản ứng của trẻ. Đa số trẻ tham gia thí nghiệm đều có dấu hiệu bối rối, thậm chí mất phương hướng ngay lập tức. Piaget tin đó là bằng chứng cho thấy đứa trẻ tưởng đồ vật đã biến mất, không còn tồn tại trên đời. Chính vì thế, chúng thường khóc ré lên khi mẹ đi đâu đó (biến khỏi tầm nhìn). Các trò chơi như “ ú-òa” hay “trốn tìm” làm cho trẻ nhỏ đặc biệt vui sướng, nhất là khi chúng thấy lại cái đã biến khỏi tầm nhìn trước đó. Các trò chơi này được thực hiện thường xuyên sẽ giúp bé dần nhận ra tính BBCSV trong cuộc sống và là cơ sở để tạo sự yên tâm cho bé khi phải xa mẹ.

 

Sự thiếu hụt nhận thức về sự BBCSV cũng như cảm giác sợ hãi bị bỏ rơi là bằng chứng cho thấy việc không nên đưa trẻ đến trường mầm non quá sớm.

 

Ngoài ra, việc trẻ chưa biết nói và diễn đạt cảm xúc của mình một cách rõ ràng làm người lớn tưởng mọi việc vẫn ổn trong những ngày đầu đi học. Nhưng thực ra, stress từ sự lo lắng, sợ hãi, căng thẳng khi phải xa mẹ từ sớm đã làm tổn hại hệ thần kinh của trẻ mà không có gì bù đắp được. Thêm vào đó, hệ miễn dịch của trẻ chưa ổn định, hệ tiêu hóa nhạy cảm dẫn đến dễ rối loạn, mắc bệnh lây nhiễm từ môi trường đông người

 

(THEO SGGP)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X