Tướng Giáp huyền thoại

Cập nhật: 07-05-2010 | 00:00:00

Nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân ta vào ngày này của 56 năm về trước (7.5.1954 - 7.5.2010), ai cũng nhớ tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một tên tuổi sống mãi với lịch sử“Lịch sử là con người nhân với thời gian. Tôi hình dung lịch sử là một ông già đã nhiều tuổi lắm nhưng ông già lịch sử đang dần trẻ lại và trải qua một quá trình diễn biến đầy kịch tính, sẽ từng bước trở thành một thanh niên giàu sức sống...”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm chiến trường xưa nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Ý tưởng ấy của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gợi lên một cách suy tư về những mốc son lịch sử của dân tộc và những con người góp phần vào những mốc son ấy, trong đó có vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.

 

Trọn đời vì dân tộc

 

Trong Tổng tập Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một đoạn gợi lại suy tư ấy: “Một sự trùng hợp lịch sử thú vị đã diễn ra: Hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc trong thế kỷ XX cùng kết thúc bằng cuộc chiến đấu 55 ngày đêm".

 

"Nếu như ở Điện Biên Phủ, 55 ngày đêm là thời gian cần thiết cho một trận tiến công dài ngày vào một tập đoàn cứ điểm kiên cố theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”, thì 55 ngày đêm tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam lại là bước kết thúc chiến tranh không ngừng rút ngắn, khẩn trương, “thần tốc”, nhanh đến không ngờ!”.

 

Sự trùng hợp lịch sử thú vị ấy nói lên nhiều điều, mà ít nhất là về một con người đã sống trọn vẹn cả một chặng đường lịch sử của dân tộc trong suốt một trăm năm, từ thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI, của một đất nước trầm luân trong ách nô lệ đã quật khởi làm nên Cách mạng Tháng Tám, rồi lần lượt đánh thắng những đế quốc sừng sỏ nhất.

 

“Tôi sống ngày nào cũng là vì đất nước ngày đó. Mong Đảng, Chính phủ luôn ghi nhớ công lao của những chiến sĩ cách mạng. Có được đất nước như ngày hôm nay cũng là nhờ xương máu hy sinh của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa”.

 

Đó là câu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đáp lại lời chúc của Thủ tướng Chính phủ ngày 7-5-2009 đến thăm và hứa thực hiện những lời tâm huyết từ những bức thư và những ý kiến đóng góp trực tiếp của Đại tướng.

 

Và rồi năm nay, cận kề với ngày 30-4 và ngày 7-5 lịch sử, vị tướng ấy lại tự tay viết lời chúc mừng gửi đến đại hội của Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam.

 

Những nét viết tay và chữ ký của Đại tướng đã như một ngọn lửa làm ấm lòng những ai đang suy tư về vận nước. Càng cảm động khi được biết rõ hơn những tình tiết sống động qua lời của Đại tá Nguyễn Huyên, trợ lý của Đại tướng: “Chúng tôi trình bức thư của Hội LHTN Việt Nam gửi đến Đại tướng nói về đại hội của Hội LHTN Việt Nam sắp tới và mong muốn Đại tướng có một bức thư gửi đại hội. Anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) nghe kỹ bức thư, muốn biết kỹ chương trình nghị sự của đại hội và đồng ý “cần có bức thư chúc mừng”.

 

"Tôi dự thảo bức thư, viết chữ to trên trang giấy để anh Văn tiện đọc. Đại tướng đọc kỹ và yêu cầu xóa câu cám ơn về lời mời của Hội LHTN Việt Nam ở đầu trang vì cho là không cần thiết, chỉ cần chúc mừng là đủ. Và rồi, Đại tướng gượng ngồi dậy trực tiếp viết dòng chữ: “Chúc Đại hội Hội LHTN Việt Nam thành công tốt đẹp”. Tôi đề nghị Đại tướng ghi ngày viết, anh Văn ghi: Ngày 22-4-2010 rồi ký tên.

 

Đọc kỹ nét chữ thì hơi run run nhưng chữ ký thì vẫn dáng mạnh mẽ, quắc thước vốn có. Đó là nét chữ quen thuộc mà thế hệ những người đã từng trải nghiệm qua những biến động của lịch sử của thế kỷ XX sang thập kỷ đầu của thế kỷ XXI đã khắc ghi vào lòng.

 

Không quên những người đã ngã

 

Nhớ lại một đoạn trong Hồi ký của Đại tướng về những ngày tháng 5-1954 ấy: “Hai ngày sau khi cuộc chiến đấu kết thúc, tôi từ Mường Phăng tới thăm chiến trường Điện Biên Phủ (...). Đêm hôm đó, tôi ở lại Điện Biên Phủ trong sở chỉ huy của Đờ Cát, nơi đã trở thành trụ sở của ban tiếp quản".

 

"Niềm vui chiến thắng đã lắng lại. Bao nhiêu đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại Him Lam, đồi Độc Lập, đồi A1, những đồi C, đồi D! Những người hầu hết còn ở lứa tuổi đôi mươi. Sự hy sinh của các anh không uổng phí!”.

 

Về tháng 5-1975, Hồi ký có đoạn: “Mấy ngày sau, tôi cùng anh Ba (tức đồng chí Lê Duẩn - NV) vào thăm miền Nam hoàn toàn giải phóng... Vui mừng xúc động, anh Ba giới thiệu các ba, các má đã nuôi anh những ngày hoạt động bí mật trong lòng địch. Trước cảnh cũ người xưa, tôi bồi hồi nhớ lại những lần vào Nam thực hiện các nhiệm vụ cách mạng được giao".

 

"Năm 1929, với tư cách phái viên của Tổng bộ Tân Việt và nhóm cộng sản Tân Việt, tôi đến Sài Gòn với nhiệm vụ chuyển Kỳ bộ Tân Việt sang hàng ngũ cộng sản. Sau đó, năm 1935, tôi lại vào gặp nhóm đảng viên hoạt động nửa công khai, nhận tài liệu của Đông Dương Đại hội mang ra Hà Nội. Tìm đến các cơ sở cũ thì hầu hết đã không còn nữa. Nhiều ân nhân của cách mạng không còn được thấy ngày khải hoàn của dân tộc”.

  

Đúng là tầng tầng, lớp lớp những con người của nhiều thế hệ đã không có mặt trong ngày khải hoàn của dân tộc. Trong 644 ngôi mộ tại nghĩa trang đồi A1 ở Điện Biên chỉ có 4 ngôi là có ghi rõ tên, còn lại đều là vô danh.

 

Người khơi dậy sức mạnh toàn dân

 

Nếu nói lịch sử là con người nhân với thời gian thì “chứng nhân lịch sử” có một không hai Võ Nguyên Giáp đã hội tụ được cả hai nhân tố ấy làm một chính là vị lão tướng đã bước sang tuổi 100 mà trí tuệ vẫn minh mẫn, tình cảm vẫn dạt dào với dân với nước.

Chính con người huyền thoại được tôn vinh trong ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ lại là người nhắc nhở trước hết phải nhớ đến xương máu của biết bao người đã ngã xuống để làm nên lịch sử.

 

Bởi lẽ, lịch sử là một sự vận động trong thế tương quan giữa nhiều lực lượng nhằm tìm ra một hợp lực, vạch ra con đường đi của nó.

 

Cái hợp lực ấy chính là sức mạnh của khối quần chúng nhân dân vĩ đại, tác giả đích thực làm nên lịch sử. Và những vĩ nhân chỉ có thể trở thành vĩ nhân khi biết khơi dậy, phát huy và nương theo sức mạnh như triều dâng thác đổ ấy. Không có sức năng động tự thân của khối nhân dân vĩ đại được khởi động sẽ không có ngày chiến thắng và cũng sẽ không có vĩ nhân!

 

Vị tướng giữ vai trò tổng tư lệnh trong cả hai cuộc kháng chiến, hơn ai hết, là người hiểu rõ sự tàn khốc của chiến tranh, hiểu rõ vì sao phải dám đương đầu với hai đế quốc mạnh nhất thế giới vào thời điểm ấy, vì sao phải chấp nhận hy sinh xương máu để có được độc lập và thống nhất, tiền đề quyết định để đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

 

Và vì hiểu sâu sắc lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “nếu nước độc lập mà nhân dân không có tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì”, cho nên ông mới nhắn nhủ thế hệ con em của những người từng làm nên lịch sử từ các cuộc kháng chiến thần thánh chống ngoại xâm cần hiểu rõ “kẻ thù lớn nhất của nước ta hiện nay là nghèo nàn, lạc hậu”.

 

THEO NLĐ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên