Tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội

Cập nhật: 28-12-2020 | 08:21:58

Những ngày cuối năm 2020, lại xuất hiện một vài trang mạng xã hội đăng tin rao thu mua sổ bảo hiểm xã hội (BHXH). Cơ quan BHXH Bình Dương lập tức triển khai các biện pháp ngăn chặn nhóm đối tượng xấu này; mặt khác, kết hợp với các cơ quan chuyên môn trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền đến người lao động (NLĐ).

BHXH tỉnh đang phối hợp với các cơ quan chức năng trong tỉnh làm rõ việc mua bán sổ BHXH trên một số trang mạng

Không để NLĐ bị lừa

Trao đổi với P.V về sự việc trên, đại diện BHXH tỉnh cho biết cơ quan này đã gửi công văn đến UBND tỉnh, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan nhằm ngăn chặn, không để xảy ra tình trang cầm cố, mua bán sổ BHXH. Mặt khác, BHXH phối hợp với các công đoàn cơ sở, các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tuyên truyền sâu hơn lợi ích khi tham gia BHXH; không để kẻ xấu lợi dụng mua bán hay cầm cố sổ BHXH.

BHXH tỉnh thông tin, theo quy định của pháp luật hiện hành, sổ BHXH được cấp và giao cho từng NLĐ giữ để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH và là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Sổ BHXH không phải là tài sản được đem cầm cố, thế chấp hoặc mua bán. Việc mua bán, chuyển nhượng hoặc cầm cố, thế chấp sổ BHXH để trục lợi là các hành vi vi phạm pháp luật. Bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: “Khi NLĐ nghỉ việc, họ muốn thanh toán các chế độ bảo hiểm, thời gian làm thủ tục phải mất 12 tháng theo quy định. Lợi dụng một số trường hợp gặp khó khăn, cần tiền gấp, nên kẻ xấu nảy sinh việc mua bán, cầm cố sổ BHXH. Tuy nhiên, nếu NLĐ bán sổ BHXH cho những người thu gom, sẽ bị ép giá, bởi số tiền nhận được thấp hơn nhiều số tiền mà cơ quan BHXH chi trả. Thiệt hại nhiều hơn nữa là khi NLĐ bán sổ BHXH đã mất đi cơ hội tích lũy cả quá trình tham gia để được hưởng lương hưu hàng tháng khi hết tuổi lao động”.

Bên cạnh đó, không để NLĐ mắc “bẫy lừa” của kẻ xấu, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện rà soát, thống kê các trường hợp một người được ủy quyền nhận BHXH một lần cho từ 2 người trở lên, chuyển cơ quan công an để phối hợp điều tra, xử lý theo quy định.

Trục lợi tiền BHXH, coi chừng “bóc lịch”

Còn nhớ những tháng đầu năm 2020, khi cao điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra, lợi dụng thời điểm NLĐ gặp khó khăn khi phải tạm nghỉ việc hoặc mất việc làm, đã có người lập trang Facebook giả mạo BHXH tỉnh để thu mua, cầm cố sổ BHXH nhằm trục lợi tiền bảo hiểm của NLĐ. Ngay lập tức, cơ quan BHXH tỉnh đã nhanh chóng phối hợp với các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh vào cuộc điều tra, làm rõ.

Đến ngày 13-4, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp cùng Công an TP.Hồ Chí Minh, Công an tỉnh đã mời 2 đối tượng Lê Quốc Việt (30 tuổi) và vợ là Ngô Thị Thúy Kiều (30 tuổi), cùng ngụ tỉnh Bình Định đến làm việc. 2 đối tượng đã thừa nhận việc lập Facebook giả mạo BHXH tỉnh để dụ NLĐ đến cơ quan công chứng làm giấy ủy quyền cho người mua nhận BHXH một lần và được nhận tiền ngay. Cả 2 đối tượng đã bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Một vụ cầm cố sổ BHXH của người khác và cố tình chiếm đoạt tiền BHXH xảy ra trên địa bàn TX.Tân Uyên trong thời gian này cũng được cơ quan chức năng làm rõ. Những ngày cuối tháng 5-2020, Cơ quan CSĐT Công an TX.Tân Uyên đã đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp truy tố 2 đối tượng Nguyễn Văn Hiệp (sinh năm 1990, quê Hà Tĩnh) và Phạm Minh Hoàng (sinh năm 1973, quê Kiên Giang).

Theo hồ sơ, giữa năm 2018, ông P.M.K. cần tiền tiêu xài nên tìm gặp Hiệp để thỏa thuận vay số tiền 20 triệu đồng; đồng thời thế chấp sổ BHXH và CMND của mình và hẹn đến tháng 3-2019 sẽ trả nợ và nhận lại sổ BHXH. Đến tháng 8-2019, Hiệp không thấy ông K. đến trả nợ như đã thỏa thuận nên đã bàn bạc với Hoàng tìm cách lấy tiền BHXH của ông K. Sau khi lấy được tiền, Hiệp sẽ chia cho Hoàng 10% trên tổng số tiền BHXH. Sau đó, Hoàng đưa cho Hiệp một tấm ảnh màu kích cỡ 2x3cm của mình, để Hiệp dán đè lên vị trí ảnh trên CMND của ông K.

Tiếp đến, Hoàng mang CMND đã được thay ảnh và sổ BHXH đến trụ sở BHXH TX.Tân Uyên, xưng mình tên P.M.K. và đề nghị làm thủ tục giải quyết chế độ BHXH một lần. Do không xác định được CMND đã bị thay ảnh, nên cán bộ tiếp nhận hồ sơ của BHXH TX.Tân Uyên đã hướng dẫn cho Hoàng (với tên giả P.M.K.) làm thủ tục nhận tiền chế độ BHXH một lần. Số tiền được nhận trên 53 triệu đồng, sau đó Hiệp chia cho Hoàng hơn 10 triệu đồng tiền “lại quả”. Ngày 11-9-2019, vợ của ông K. đến BHXH TX.Tân Uyên làm thủ tục hưởng chế độ tử tuất của chồng thì phát hiện vụ việc và trình báo công an...

Từ 2 vụ việc trên cho thấy, một khi đã dính đến việc mua bán, cầm cố sổ BHXH nhằm trục lợi bất chính tiền mồ hôi, công sức của NLĐ thì sớm hay muộn cũng bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Cùng với đó, NLĐ cũng cần tỉnh táo trước các chiêu trò của một số đối tượng xấu để không bị sập “bẫy lừa” mua bán, cầm cố sổ BHXH.

‘‘Nếu NLĐ bán sổ BHXH cho những người thu gom, sẽ bị ép giá, bởi số tiền nhận được thấp hơn nhiều số tiền mà cơ quan BHXH chi trả. Thiệt hại nhiều hơn nữa là khi NLĐ bán sổ BHXH đã mất đi cơ hội tích lũy cả quá trình tham gia để được hưởng lương hưu hàng tháng khi hết tuổi lao động”.
(Bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH Bình Dương)

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên